Nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập

(ĐTTCO) – Sáng nay 27-8, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức Diễn đàn xuất khẩu 2019 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập và xu hướng kinh tế số”. 
Nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC nhấn mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu cần theo hướng gắn kết mặt hàng xuất khẩu và thị trường, tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế. Với vai trò là cơ quan xúc tiến xuất khẩu của TPHCM, ITPC đã xác định những khu vực thị trường TPHCM cần đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trong những năm tới. 
Đó là 2 thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ; thị trường các nước thuộc các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU; các thị trường Việt Nam ký kết các FTA song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile.
Ông Hoà cũng lưu ý 5 vấn đề quan trọng DN cần nắm vững trong các FTA để nắm lấy cơ hội và phòng tránh rủi ro trong xuất khẩu, là: lộ trình cắt giảm thuế, các rào cản phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, mua sắm công. 
TPHCM hiện đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ xuất khẩu, bao gồm: tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN thông qua hệ thống đối thoại DN – chính quyền thành phố để tạo thuận lợi cho DN kinh doanh, xuất khẩu; kiến nghị các cơ quan chức năng của thành phố và các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện và đơn giản hóa thủ tục liên quan xuất nhập khẩu; nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu (hải quan, thuế, logistic, ngân hàng).
Cũng tại diễn đàn lần này, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cũng chỉ ra những xu hướng tiêu dùng để DN định hướng xuất khẩu vào từng thị trường. Theo đó, 5 xu hướng tiêu dùng chính ở châu Á là: an toàn và tốt cho sức khỏe; sự vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc; sự tiện lợi, dễ sử dụng, dễ tiếp cận; kỹ thuật số và thương mại điện tử; mua sắm đa kênh. 
Còn tại Mỹ và Châu Âu, những xu hướng tiêu dùng chính bao gồm: an toàn và tốt cho sức khỏe; sự phân cực về hàng hóa (hàng nhãn riêng và giá rẻ với sản phẩm cao cấp); tiện lợi hơn nữa; nâng cao trải nghiệm mua sắm; bền vững xã hội.
Cũng theo nghiên cứu của Kantar Woldpanel, việc tích hợp online và offline để nâng cao trải nghiệm mua hàng là cần thiết. Thế nhưng, trực tuyến sẽ không thay thế hoàn toàn cho những trải nghiệm thật bởi vì người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu vẫn muốn cảm nhận trực tiếp, thực tế hơn. Do đó, các DN “thông minh” đang quay trở lại những điều cốt lõi, tập trung vào trải nghiệm thực tế và tận dụng kỹ thuật số để mang lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm liền mạch hơn, tuyệt vời hơn. 
Dịp này, các DN còn được nghe ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) trao đổi về những vấn đề cần lưu ý trong hoạt động thương thảo hợp đồng xuất nhập khẩu và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Trong đó ông Bắc nhấn mạnh về xu hướng của các phương thức giao dịch trong bối cảnh kinh tế số. 
Theo đó, giải quyết tranh chấp thương mại cũng có sự thay đổi trong bối cảnh kinh tế số với các phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến. “Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế” được hiểu là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án gồm 4 phương thức: thương lượng trực tuyến (online negotiation); hòa giải trực tuyến (online mediation); trọng tài trực tuyến (online arbitration); các phương thức hỗn hợp khác.
Diễn đàn còn là dịp để các DN xuất khẩu cùng nhau trao đổi kinh nghiệm khi chinh phục các thị trường khu vực và thế giới. 

Các tin khác