Lan tỏa sáng kiến trẻ

(ĐTTCO) - Nhập cuộc với UBND các cấp và các sở, ngành tại TPHCM đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhiều cơ sở Đoàn trên địa bàn thành phố đã tìm tòi, đưa ra sáng kiến, giải pháp phục vụ người dân. 

Gỡ nút thắt về nhân sự 

Bà Nguyễn Hồng Diệp (quận 9) đi đăng ký thủ tục thành lập doanh nghiệp (DN) tại Sở KH-ĐT, sau 2 ngày, bà Diệp đã nhận được kết quả. Bà Diệp ngạc nhiên vì quy trình, thời gian đăng ký hồ sơ được giải quyết nhanh gọn, không làm mất thời gian của người dân và DN.

Để có được điều đó, ngoài quyết tâm của Ban Giám đốc Sở KH-ĐT về cải cách hành chính, Đoàn Thanh niên sở cũng là lực lượng đóng góp nhiều vào thành quả ấy thông qua mô hình ngày thứ bảy tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và DN, nhằm tháo gỡ nút thắt về nhân sự cho sở. Mô hình này được Đoàn Sở KH-ĐT thực hiện từ năm 2014. Với sự xung kích của các đoàn viên, hồ sơ đăng ký kinh doanh của người dân và các DN được giải quyết nhanh chóng.

Lan tỏa sáng kiến trẻ ảnh 1Đoàn Sở KH-ĐT thực hiện mô hình ngày thứ bảy tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Anh Cù Thanh Đức, Bí thư Đoàn Sở KH-ĐT TPHCM, cho biết mỗi ngày Phòng Đăng ký kinh doanh nhận khoảng 1.120 hồ sơ nên áp lực công việc rất lớn. Sau gần 5 năm triển khai, mô hình Ngày thứ bảy tình nguyện (3 thứ bảy/tháng) đã góp phần giải quyết những hồ sơ còn tồn đọng, đảm bảo mục tiêu giảm thời gian giải quyết hồ sơ.

Với hồ sơ đăng ký qua mạng, DN sẽ nhận được kết quả sau 2 giờ kể từ khi nộp hồ sơ bản giấy hợp lệ. Đối với các hồ sơ thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm kinh doanh nộp trực tiếp thì 2 ngày nhận kết quả (giảm 33% thời gian). Đến nay, đã có 22 cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM áp dụng mô hình Ngày thứ bảy tình nguyện, mang lại thuận lợi cho người dân và DN. 

Trong khi đó, đặc thù tại Ban An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM là áp lực về đào tạo, tập huấn ATTP cho các hộ kinh doanh, bếp ăn tập thể, nhà hàng trên địa bàn thành phố với số lượng rất lớn. Trước đây, mỗi năm Ban ATTP tập huấn 10 lớp cho khoảng hơn 1.700 người dân, chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tế.

Theo anh Nguyễn Đại Ngọc, Bí thư Đoàn Ban ATTP TPHCM, năm 2018, Đoàn đã đề xuất đưa sức trẻ, kiến thức mới vào các buổi tập huấn. Nhờ vậy, trong năm đã tổ chức 33 lớp với 6.897 người tham gia. Kế hoạch năm 2019 sẽ tổ chức 37 lớp với hơn 7.000 người dân tham gia tập huấn.

Cầu nối giữa dân với chính quyền 

Tại cuộc họp tổ dân phố (Tổ 13), bà Dương Thị Nga (ngụ phường Thảo Điền, quận 2) phản ánh tình trạng xả rác gây ô nhiễm ở rạch Ông Chua, ngay sau đó UBND phường Thảo Điền chỉ đạo và Đoàn phường đã ra quân giải quyết rốt ráo. Để thông tin đến với lãnh đạo phường nhanh, kịp thời, Đoàn phường Thảo Điền triển khai mô hình cử đoàn viên tham dự và làm thư ký các cuộc họp tổ dân phố.

Những thắc mắc, phản ánh của người dân được đoàn viên ghi chép và ngay sau đó trình lãnh đạo phường kèm theo đề xuất giải pháp, để kịp thời giải quyết mà không phải chờ các cuộc họp định kỳ do phường tổ chức.

Chị Hoàng Dung, Bí thư Đoàn phường Thảo Điền, cho biết từ năm 2013 đến nay, gần 50% đoàn viên của phường được đưa xuống làm thư ký tổ dân phố, tham gia hơn 100 cuộc họp (định kỳ 1 quý/lần). “Việc cử đoàn viên tham gia các cuộc họp là cách để chúng tôi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, hiểu hơn về những mong muốn của các cô, các bác để Đoàn phường chủ động tham mưu cho lãnh đạo phường hoặc có những mô hình, sáng kiến thiết thực nhất, gắn với đời sống người dân”, chị Hoàng Dung chia sẻ.

Đoàn Thanh niên phường 4 quận 10 lại tiếp cận và đồng hành cùng người dân theo cách khác. Qua rà soát, các đoàn viên nhận thấy người dân rất ngại liên hệ với cán bộ, nhất là việc kết nối giữa người dân với lãnh đạo phường chưa thực sự thông suốt. Từ đó, Đoàn phường đã nghiên cứu, xin ý kiến Thường trực UBND phường 4 để xây dựng một kênh riêng, giúp người dân và chính quyền tương tác thuận lợi hơn.

Tháng 3-2019, Trang thông tin điện tử UBND phường 4 trên Zalo ra mắt, các đoàn viên đi tới từng nhà người dân để nắm thông tin số điện thoại, chủ động kết nối Zalo nhằm đảm bảo tính tương tác được lan tỏa. Đây cũng là cách để hướng dẫn các hộ dân kết nối với chính quyền và thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát, phản ánh các bất ổn tại địa phương.

Đoàn phường xây dựng nội dung tuyên truyền kế hoạch, các chỉ đạo của UBND phường cũng như chủ trương, chính sách của Nhà nước thật dễ hiểu rồi gửi qua Zalo để thông tin đến từng hộ gia đình. Ngược lại, các kiến nghị, đề xuất hay phản ánh của người dân qua Zalo cũng được đoàn viên tổng hợp, lập tức chuyển lên lãnh đạo phường để kịp thời có hướng giải quyết.

Anh Lương Tuấn Thành, Bí thư Đoàn phường 4, cho biết, qua trang thông tin riêng, mức độ truyền thông cao hơn, sâu rộng hơn, kiến nghị của người dân được giải quyết kịp thời nên họ mạnh dạn kiến nghị, phản ánh, chung tay cùng xây dựng phường 4 sạch, đẹp, văn minh.

Từ những mô hình hay, cách làm sáng tạo ấy, các đoàn viên, thanh niên đã phát huy được sức trẻ, cùng thành phố quyết tâm mang lại những dịch vụ tốt nhất cho người dân và cộng đồng.

Ông LÊ THÀNH NGUYÊN - Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC):

Kỳ vọng “kỳ lân” mới từ các startup công nghệ

Ở SHTP-IC, chúng tôi rất may mắn được gặp gỡ, đồng hành cùng các dự án khởi nghiệp của những người trẻ đầy đam mê và khát vọng. Với đặc điểm là một vườn ươm các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, SHTP-IC trong hơn 13 năm qua đã hỗ trợ được rất nhiều dự án trong các lĩnh vực khác nhau như IoT, AI, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, công nghệ nano... Điểm chung của các dự án này chính là sự nhiệt huyết, mong muốn đóng góp trí tuệ Việt nhằm tạo ra những sản phẩm do chính người Việt Nam phát triển.

Lan tỏa sáng kiến trẻ ảnh 2

Bên cạnh đó, các dự án cũng có được hàm lượng công nghệ cao, đầu tư rất nhiều vào quá trình nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm. Đến nay, 100% các dự án tại SHTP-IC đều có đăng ký sở hữu trí tuệ và đã có 8 doanh nghiệp đã được chứng nhận doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Đặc biệt, một số dự án đã đăng ký và được chứng nhận sở hữu trí tuệ tại Hoa Kỳ. Một số dự án cũng đã xây dựng được mạng lưới cung cấp giải pháp, sản phẩm rộng khắp trong cả nước, hoặc đã thương mại hóa sản phẩm của mình trên thị trường nước ngoài như Hoa Kỳ, châu Âu, Singapore, Malaysia, Thái Lan...

Với những kết quả hết sức ấn tượng, cùng với sự góp sức, đồng hành của SHTP-IC, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, trong tương lai gần, nhiều dự án sẽ phát triển mạnh mẽ, sáng tạo thêm nhiều giải pháp công nghệ Việt cho thị trường trong và ngoài nước, khẳng định vị thế chất lượng của công nghệ Việt. Và hy vọng rằng, chúng ta sẽ sớm có được những “kỳ lân” mới từ các startup công nghệ cao này.

PGS-TS PHẠM THANH PHONG - Viện trưởng Viện Tiên tiến khoa học vật liệu (Trường Đại học Tôn Đức Thắng):

Việt Nam sẽ có đại học tốp 500 thế giới

Những năm gần đây, những thành tựu vượt bậc của giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam trên trường quốc tế đã được khẳng định. Điển hình là lần đầu tiên, Trường ĐH Tôn Đức Thắng được xếp hạng 901-1.000 trên bảng xếp hạng quốc tế danh giá ARWU năm 2019. Trước đó, 2 trường ĐH lớn nhất nước là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM được xếp hạng 1.000 trên bảng xếp hạng QS. Song song đó, số lượng công trình nghiên cứu công bố quốc tế của Việt Nam (trên các tạp chí uy tín nhất của thế giới) tăng từ 6.604 của năm 2017 lên 8.837 của năm 2018. Kết quả này đưa Việt Nam từ xếp thứ 56/231 quốc gia, vùng, lãnh thổ (năm 2017) lên 50/233 quốc gia, vùng, lãnh thổ (năm 2018).

Lan tỏa sáng kiến trẻ ảnh 3

Từ những kết quả trên, tôi tin rằng chỉ trong vòng 3 - 5 năm nữa, chúng ta sẽ có ĐH Việt Nam nằm trong tốp 500 thế giới và nghiên cứu khoa học của Việt Nam không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng về chất lượng. Trong bối cảnh hiện nay, thế mạnh trong nghiên cứu của Việt Nam tập trung vào các ngành thuộc khoa học tự nhiên và kỹ thuật, đặc biệt 2 ngành Toán và Vật lý. Bên cạnh tiếp tục phát huy thế mạnh này, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn, tập trung cho các nhà nghiên cứu về phương pháp nghiên cứu và ngoại ngữ, cho các tổ chức và cá nhân có tiềm lực nghiên cứu theo chuẩn quốc tế. Đồng thời, Nhà nước nên mạnh dạn tập hợp các nhà khoa học tài năng và tạo điều kiện làm việc, lương bổng thỏa đáng với nhiệm vụ.

THANH HÙNG ghi

Các tin khác