Khởi nghiệp phát triển, thay đổi tư duy

(ĐTTCO)-Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân (KTTN) 2019 vừa diễn ra, phiên hiến kế về khởi nghiệp nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn nhằm tạo môi trường cho hệ sinh thái starup thành công. ĐTTC đã trao đổi với bà TRƯƠNG LÝ HOÀNG PHI, người sáng lập Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TPHCM (BSSC), Giám đốc Vintech City, về vấn đề này.
Khởi nghiệp phát triển, thay đổi tư duy ảnh 1 Bà Trương Lý Hoàng Phi. 
PHÓNG VIÊN:- Cá nhân bà nếu có đề xuất gì để cộng đồng DN khởi nghiệp phát triển, bà đề xuất gì?
Bà TRƯƠNG LÝ HOÀNG PHI: - Tôi sẽ kiến nghị hãy thừa nhận những mô hình kinh doanh mới. Chúng ta có rất nhiều mô hình và cách thức kinh doanh mới trong thời kỳ công nghệ phát triển. Nhưng thường khi làm điều gì mới các bạn sẽ cảm thấy rất lo lắng bởi nhiều yếu tố.
Đó là những yếu tố thuộc về hoạt động điều hành của các bạn, về nguồn vốn, tài chính, sự thừa nhận về mặt pháp lý. Chúng ta đều biết sẽ có nhiều giải pháp khác nhau để phát triển kinh doanh, có thể các bạn tìm ra những cách thức để khởi nghiệp. Nhưng sự thừa nhận của Chính phủ đối với những mô hình kinh doanh mới, để khuyến khích các bạn phát triển và hướng đến lợi ích cho người dùng, là rất quan trọng.
Đặc biệt, khi nói phát triển kinh tế số, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc hơn về những mô hình, cách thức kinh doanh mới, nhất là những mô hình ứng dụng công nghệ mới.
- Vậy theo bà tại Việt Nam những mô hình kinh doanh mới khó phát triển?
- Có nhiều mô hình phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều nơi dựa vào công nghệ để kinh doanh, những phương thức để giao tiếp với khách hàng, những cách thức để chúng ta vận hành mô hình, để kiếm tiền, để có doanh thu...
Đó đều là những mô hình hoàn toàn khác so với mô hình truyền thống. Do đó, tôi cho rằng nếu nhìn nhận ở góc độ cởi mở hơn, chúng ta sẽ thấy rất nhiều mô hình mới, đương nhiên có những mô hình đã được pháp luật thừa nhận, chỉ thay đổi có mức độ về cách thức tiếp cận với khách hàng.
Nhưng cũng có những mô hình mới thay đổi nhiều hơn, tới 70-80% so với truyền thống, chúng ta cũng cần thay đổi tư duy để công nhận nó. Tôi cho rằng sự thay đổi tư duy rất quan trọng để cộng đồng khởi nghiệp có điều kiện phát triển hơn.
Ở đây không chỉ là các nhà hoạch định chính sách, mà cả nhà kinh doanh truyền thống đều nên thay đổi để tiếp cận với công nghệ, thay đổi ở từng lĩnh vực. Ứng dụng công nghệ vào từng ngành nghề, đã đến lúc phải suy nghĩ một cách sâu sắc hơn.
- Nhiều ý kiến cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải thay đổi tư duy để phát triển khởi nghiệp. Bà nghĩ sao?
- Tôi luôn có quan điểm phải dung hòa mong muốn của các nhà hoạch định chính sách và các nhà KTTN. Đương nhiên, không thể để mặc cho các mô hình kinh tế phát triển tự phát.
Nhưng đặt ở góc độ cùng nhìn về quyền lợi chung, cùng nhìn về một hướng phát triển, sẽ thấy có những mô hình tìm ra được những cách thức quản lý cho hiệu quả. Hiệu quả ở đây là không hạn chế sự sáng tạo trong các mô hình kinh doanh khởi nghiệp, nhưng cũng có nhiều cách thức để giúp khách hàng tiếp cận với các dịch vụ tốt hơn. 
- Những cơ chế chính sách về startup, theo bà hiện nay đã đồng bộ và còn cần hoàn thiện thêm những vấn đề nào?
- Tôi thường nhìn về 2 phía. Một là chính sách cho thị trường khởi nghiệp chắc chắn không thể hoàn thiện được, vì tốc độ phát triển của thị trường khởi nghiệp rất nhanh chóng, đặc biệt là những thị trường mới nổi như Việt Nam có rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Vì vậy, ngoài chuyện đưa ra nhiều chính sách cần theo sát hơi thở của cộng đồng khởi nghiệp. Còn đầy đủ, tôi nghĩ sẽ không bao giờ là đầy đủ và cũng không cần thiết đầy đủ, nhưng chúng ta cố gắng giải quyết triệt để những vấn đề xảy ra và đi song hành với nó. 
- Xin cảm ơn bà. 

Các tin khác