Hậu Giang đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nhân

(ĐTTCO) - Cuối tuần rồi (ngày 15-6), Hiệp hội doanh nghiệp Hậu Giang ra mắt chương trình “Cà phê doanh nhân” lần thứ I với chủ đề “Đồng hành và chia sẻ”, với sự tham dự của khoảng 40 doanh nghiệp. Sau Đồng Tháp, Bạc Liêu, nay Hậu Giang đang tạo ra kênh kết nối doanh nghiệp trao đổi, tìm đối tác cũng như chia sẻ ý kiến đến lãnh đạo tỉnh để được hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ khó khăn kịp thời. 
Cà phê doanh nhân đã tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương
Cà phê doanh nhân đã tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng doanh nhân
“Chương trình Cà phê doanh nhân này có ý nghĩa rất thiết thực, không chỉ tạo ra môi trường giao lưu để trao đổi, học hỏi, mà nơi đây còn thực sự là địa chỉ để doanh nghiệp tương tác với tỉnh. Thông qua hoạt động này, tỉnh lắng nghe được nhiều hơn tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân và doanh nghiệp, để có những quyết sách phù hợp. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng có cơ hội thông tin đến người dân và doanh nghiệp về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những quy định đặc thù, những lợi thế và ưu đãi của tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể hợp tác cùng nhau để cùng phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh” - ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định.
Cà phê doanh nhân được tổ chức tại sân thượng của khách sạn Hậu Giang để tạo không khí cởi mở. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã chọn cho mình một chiếc áo phông và quần jean cho thoải mái. Bàn được sắp xếp thành một hàng dài với ghế được bố trí đối diện nhau để có thể trao đổi dễ dàng. Vừa ăn sáng, vừa nhâm nhi ly cà phê cùng nhau nói chuyện đã tạo ra bầu không khí thân thiện, xóa bỏ dần khoảng cách giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương.
Bày tỏ thẳng thắn, ông Bùi Văn Liêm, Giám đốc Chi nhánh Viettel Hậu Giang, cho biết: “Từ trước đến nay, doanh nghiệp luôn thực hiện kê khai thuế đúng quy định. Tuy nhiên, trong đợt vừa qua, doanh nghiệp kê khai muộn nên đã bị cơ quan thuế phạt. Tôi cũng biết là làm sai nhưng hoạt động của doanh nghiệp rất đa dạng, liên tục, phát sinh hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống, vì vậy cơ quan thuế nên có hệ thống cảnh báo để doanh nghiệp có thể biết thực hiện đúng quy định”.
Tham gia tại chương trình “Cà phê doanh nhân”, ông Lê Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: Thông qua cuộc gặp này, Cục Thuế tỉnh sẵn sàng lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp một cách chân tình, thẳng thắn, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. Qua ý kiến lần này, thời gian tới, ngành thuế sẽ xây dựng một hình thức cảnh báo để tương tác giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế, để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tốt hơn.
Bày tỏ nỗi lòng, ông Trần Hữu Tâm, Giám đốc Ngân hàng Liên Việt Hậu Giang, chia sẻ: Hiện nay, nợ xấu trên địa bàn còn khá lớn, vì thế rất mong tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải quyết vấn đề trên. 
Đáp từ ngay ý kiến của doanh nghiệp, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khẳng định: “Sẽ có buổi làm việc trực tiếp với đơn vị thi hành án để giải quyết sớm, nhanh gọn cho doanh nghiệp”.
 Hậu Giang đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nhân ảnh 1 Bưởi tạo hình hồ lô một đặc sản độc đáo của nhà vườn Hậu Giang.
Tận dụng mô hình tạo đà doanh nghiệp phát triển
Cà phê doanh nhân là nơi để các doanh nghiệp bày tỏ ý kiến; nơi để các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác kinh doanh. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng hải Hậu Giang (Vinalines Hậu Giang), cho biết: Trong năm 2018 vừa qua, công ty đã đón được hơn 200 lượt tàu với sản lượng 519.000 tấn hàng hóa thông qua cảng với lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng, vượt 120% kế hoạch. 
Trong năm 2019 này, công ty sẽ mở rộng thêm cầu cảng 5.000 tấn, đồng thời tiến hành xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm logistics Hậu Giang. Khi các dự án hoàn thành sẽ góp phần rất lớn trong việc cung cấp dịch vụ logistics khép kín và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, số lượng hàng hóa thông qua cảng hiện nay vẫn còn ít và manh mún, do đó thông qua chương trình lần này, công ty rất muốn hợp tác vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc CTCP Mía đường Cần Thơ, bộc bạch: Trong xu thế hội nhập, ngành mía đường đang đối mặt với những thách thức khắc nghiệt nhất từ trước đến nay. Do đó, hiện nay phía công ty đã hợp tác với nhà đầu tư khác trong việc chuyển đổi một số ngành nghề. Hiện nay, được biết rác thải công nghiệp, rác thải y tế của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều phải xử lý thông qua các đơn vị khác không nằm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, công ty đã đầu tư Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại tại Cần Thơ, vì thế rất mong sẽ có cơ hội hợp tác cùng các doanh nghiệp trong tỉnh.
Phấn khởi với dự án của CTCP Mía đường Cần Thơ, ông Chung Wai Fu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam, cho rằng: “Doanh nghiệp chúng tôi lớn nên phế phẩm phát sinh rất nhiều. Trong khi lượng phế phẩm này phải được thu gom, vận chuyển sang doanh nghiệp ngoài tỉnh xử lý mà trong tỉnh lại không có. Vì vậy, nếu dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần rất lớn trong việc giải quyết được lượng rác thải, giảm chi phí cho xử lý, tiết kiệm được chi phí chôn lấp”.
Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho rằng: Đây là mô hình tốt nhất. Bởi hiện nay, để doanh nghiệp trong tỉnh cùng tồn tại và phát triển thì đoàn kết là chưa đủ mà phải đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau. Tỉnh rất trân trọng những doanh nghiệp đã đến đầu tư tại Hậu Giang, vì đã góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế của tỉnh. Hy vọng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục chọn Hậu Giang là điểm đầu tư. Nếu có khó khăn, vướng mắc cứ báo ngay về lãnh đạo tỉnh để được giải quyết một cách sớm nhất.
Kết thúc chương trình, các ý kiến của các doanh nghiệp đều được giải quyết nhanh, thỏa đáng. Ai nấy đều nở một nụ cười trên môi, những cái bắt tay thân thiện chào tạm biệt nhưng lại hứa hẹn nhiều kỳ vọng phía trước. Rồi ngày 13-7 tới đây, buổi họp mặt lại được tổ chức. 
Và lần này, biết đâu sẽ có những lần hợp tác chính thức hay hé lộ những ý tưởng khởi nghiệp cùng nhau giống như lời ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”.
 Hậu Giang đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nhân ảnh 2 3Phụng Hiệp hiện là địa phương có diện tích trồng mãng cầu Xiêm lớn nhất  ĐBSCL - doanh nghiệp Hậu Giang đã tận dụng đa dạng hóa đầu ra bằng sản phẩm Trà Mãng Cầu xiêm .
Ông Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết: “Cà phê doanh nhân đã tạo được dấu ấn trong buổi đầu tiên. Qua đây đã tạo được hy vọng và niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp đã và đang có nhu cầu đầu tư vào địa bàn Hậu Giang. Cà phê doanh nhân là cầu nối giữa các doanh nghiệp với chính quyền, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Qua đó, các khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh nắm bắt kịp thời để có hướng hỗ trợ, giải quyết rốt ráo. Đây còn là “sân chơi” bổ ích để doanh nghiệp tìm kiếm những đối tác thiết thực”. 

Các tin khác