Doanh nghiệp may mặc cần “lột xác”

(ĐTTCO) - Mới đây, Central Group của Thái Lan, đơn vị điều hành hệ thống siêu thị Big C, bất ngờ đơn phương ra quyết định thông báo tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc Việt Nam, kể từ tháng 7-2019.
Doanh nghiệp may mặc cần “lột xác”
 Trong thư gửi các đối tác Việt Nam, Central Group cho biết việc này nhằm chuẩn bị cho tái cấu trúc ngành hàng may mặc của tập đoàn tại thị trường Việt Nam. 
Việc tạm ngưng nhập hàng may mặc từ doanh nghiệp (DN) Việt  của Big C, có thể xem là “cú đòn kép” đối với DN may mặc trong nước, khi tốc độ tăng trưởng đang chững lại và chịu nhiều sức ép từ bên ngoài, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Dù hiện nay vẫn được xem là ngành xuất khẩu mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào tỷ trọng tăng trưởng GDP, song dư địa tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam đã không còn nhiều sau chu kỳ tăng trưởng nóng. 
Sau động thái tạm ngưng, rất có thể sắp tới Big C sẽ đồng loạt tăng phí chiết khấu, định mức bán hàng đối với sản phẩm may mặc Việt khi bày bán tại siêu thị này, như đã từng làm với các DN thủy sản mấy năm trước. Và lẽ dĩ nhiên, các kệ hàng trống sản phẩm may mặc Việt sẽ được lấp đầy hàng may mặc đến từ các hãng lớn của nước ngoài đã và đang tràn vào thị trường nước ta.
Một đại diện DN may mặc tại Hà Nội cho biết, không riêng Big C, DN may mặc cũng gặp khó khăn với hệ thống AEON Mall của Nhật Bản, khi siêu thị này nâng mức phí chiết khấu và định mức bán hàng cao chót vót, khiến DN khó cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài đã có tên tuổi. Một số DN may mặc nội địa không chịu được định mức và phí chiết khấu, đã buộc phải rút lui khỏi hệ thống trung tâm thương mại này.
Chưa hết, nhiều rủi ro lớn đang dần hiện hữu mà ngành dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt. Đó là việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam vừa ký kết như CPTPP (Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU). Theo đó, ngành may mặc Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu là gia công, phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài.
Nếu trong các FTA Việt Nam đã tham gia chỉ áp dụng nguyên tắc từ 1-2 công đoạn, CPTPP áp dụng nguyên tắc 3 công đoạn gồm tạo xơ, xe sợi; dệt và hoàn thiện vải; cắt may. Các công đoạn này đều phải thực hiện ở các nước thành viên nằm trong CPTPP. 
Đặc biệt, quy tắc xuất xứ từ vải trở đi là “cú đòn” nhắm vào khâu yếu nhất của dệt may Việt Nam, khi phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu (trong đó gần 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan). Điều này khiến ngành dệt may đứng trước nguy cơ không tận dụng được ưu đãi thuế quan từ CPTPP và EVFTA, nếu không giải quyết được nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Minh chứng cho điều này là trường hợp sản phẩm của Việt Tiến, dù được xem là hàng Việt Nam chất lượng cao, nhưng vẫn bị xem là hàng gia công, tức dễ bị áp thuế khi xuất khẩu. Trong khi đó, nhiều năm qua, vai trò hoạch định ngành dệt may, xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ cho ngành, dường như vẫn bị bỏ lửng. 
Hiện nay, dưới tác động của thương chiến Mỹ - Trung, nhiều DN may mặc của Mỹ, EU, Hàn Quốc, đã sẵn sàng đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Đáng chú ý, việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất của các DN này giúp tăng năng suất, không tốn nhiều chi phí cho nhân công. Lợi thế về nhân công giá rẻ của DN may mặc Việt Nam sẽ không còn, sức cạnh tranh sẽ giảm.
Trong bối cảnh này, DN may mặc Việt Nam phải “lột xác” để đáp ứng tình hình mới. Còn nếu vẫn đi theo lối mòn sản xuất và kinh doanh như hiện nay, các DN may mặc Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với DN nước ngoài, thậm chí sẽ thua ngay trên chính sân nhà. 

Các tin khác