Doanh nghiệp CNTT cần sáng tạo, đột phá hơn

(ĐTTCO) - Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT tại TPHCM chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu ứng dụng công nghệ của thị trường trong nước nên đòi hỏi doanh nghiệp CNTT sáng tạo hơn, đột phá hơn.

Chiều 15-7, tại Công viên Phần mềm Quang Trung (TPHCM), Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi trao đổi cùng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT) khu vực miền Nam về những giải pháp xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực “Make in Việt Nam”, về các chính sách cũng như thuế ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp CNTT-TT, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp công nghệ. Buổi trao đổi cũng đề cập các cơ hội dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Chuyên viên phần mềm Việt Nam làm việc tại Công ty Global CyberSoft trong Công viên Phần mềm Quang Trung. Ảnh: T.Ba

Chuyên viên phần mềm Việt Nam làm việc tại Công ty Global CyberSoft trong Công viên Phần mềm Quang Trung. Ảnh: T.Ba

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng đưa công nghệ len lỏi đến từng ngõ ngách. Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT tại TPHCM chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu ứng dụng công nghệ của thị trường trong nước nên đòi hỏi doanh nghiệp CNTT sáng tạo hơn, đột phá hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khuyến khích các công ty và doanh nghiệp lớn nên kết hợp với các trường đại học để tổ chức những buổi gặp gỡ và giao lưu với sinh viên, đầu tư các phòng thí nghiệm cho các trường đại học để phục vụ nhu cầu ứng dụng CNTT.

Trước kiến nghị của doanh nghiệp về việc sửa đổi quy định và chính sách giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn CNTT hoạt động hiệu quả hơn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, rất tiếp thu và mong muốn nhận được đóng góp từ các doanh nghiệp trong xây dựng chính sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các công ty công nghệ nhưng tỷ lệ thành công không cao. Chính vì thế, chính sách mới của Chính phủ chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp đã tạo ra những sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận và có mong muốn đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu. Sản phẩm công nghệ Việt Nam làm ra không được người dùng đón nhận, một phần do doanh nghiệp làm sản phẩm chưa có gì nổi trội và công tác tiếp thị còn kém. Vì vậy, cần làm ra sản phẩm tốt hơn, đặc biệt hơn.

“Sản phẩm là phải bán được, phải tạo sự đột phá thì đó mới là sản phẩm cần làm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Các tin khác