Chưa thống nhất cách sửa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Ngày 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và góp ý về dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN.
Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Cơ quan thường trực của Quốc hội cũng thảo luận về việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. 
Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ?
Chiều 17-9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Theo đó, liên quan đến nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, dự thảo luật đã bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề, bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Đáng lưu ý, dự thảo đã bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư. 
Báo cáo kết quả thẩm tra sơ bộ dự thảo luật với UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ thực tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Do đó, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này. “Thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, ông Vũ Hồng Thanh bình luận.
Về ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan thẩm tra cũng có ý kiến khác. Trong khi dự thảo luật giao Chính phủ quy định danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường, cơ quan thẩm tra đề nghị xây dựng danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường ngay trong phụ lục ban hành kèm theo dự thảo luật, nhất là danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường. Lý do, theo ông Vũ Hồng Thanh, là để bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ trong chính sách đầu tư.
Thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện hành, nhiều ý kiến trong UBTVQH băn khoăn về việc nội dung sửa đổi rất sâu rộng, việc sử dụng 1 luật để sửa cả 2 luật khó khả thi. Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, quan điểm của UBTVQH là “chất lượng phải đặt lên hàng đầu”.
Ông nhận xét: “So với mục tiêu đặt ra ban đầu thì nội dung sửa đổi đã vượt quá xa. Có đến 50% số điều của Luật Đầu tư và 25% số điều của Luật Doanh nghiệp được đề nghị sửa đổi. Nếu Chính phủ muốn dùng 1 luật để sửa 2 luật như ban đầu thì phải khoanh lại nội dung sửa đổi. Nếu sửa 2 luật một cách toàn diện thì phải tiến hành đúng trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. 
Làm rõ trách nhiệm để nợ thuế 
Báo cáo về tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31-12-2018 là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31-12-2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ.
Số nợ do cơ quan thuế quản lý là 76.328 tỷ đồng; tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 37.572 tỷ đồng; số nợ hải quan quản lý là 5.289 tỷ đồng, không còn khả năng thu là 3.815 tỷ đồng. 
Những đối tượng được xử lý tiền nợ thuế, theo đề nghị của Chính phủ, bao gồm người nộp thuế đã chết, người bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh nhưng chưa hoàn thành thủ tục giải thể; người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản…
Thảo luận về nội dung này, UBTVQH đồng ý trình nội dung xóa nợ thuế để Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019), nhưng yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các đối tượng liên quan đến tình trạng để nợ thuế lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN sẽ tạo cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng hiện đại hóa hải quan đối với hàng hóa quá cảnh giữa các nước ASEAN; giảm thủ tục giấy tờ, góp phần giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động quá cảnh hàng hóa.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu phải đảm bảo tính an toàn của hệ thống thông tin và đặc biệt là không để tội phạm lợi dụng biến nước ta thành điểm trung chuyển hàng cấm.  

Các tin khác