Căng mình dập dịch

(ĐTTCO) - Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi tại các tỉnh phía Nam, ngày 14-5, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với TPHCM và Đồng Nai.
TPHCM hướng tới không chăn nuôi heo nhỏ, lẻ, thiếu an toàn
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 12-5, bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) đã và đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 địa phương, với tổng số heo bị bệnh và phải tiêu hủy là 1.220.488 con, chiếm khoảng trên 4% tổng đàn heo của cả nước.
Trong đó, Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi heo lớn nhất cả nước đã phát hiện bệnh ASF và cũng là địa phương nằm sát TPHCM nên đàn heo của TPHCM có nguy cơ nhiễm bệnh ASF rất cao. Trong khi đó, từ ngày 25-2 đến nay, nguồn heo nhập vào thành phố giết mổ vẫn chủ yếu từ Đồng Nai (46%), Bình Dương (19%), Bình Thuận (10%), Bà Rịa - Vũng Tàu (8%)…
Tại cuộc họp với lãnh đạo TPHCM, Cục Chăn nuôi cũng đề xuất mua thịt heo không bệnh dự trữ trong kho đông lạnh như là một trong những giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi, giữ cho giá thịt heo không bị xuống thấp. Trước ý kiến này, đại diện Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) - đơn vị có kho lạnh dự trữ thực phẩm nhận định, giải pháp giúp giá thịt heo hơi đang rớt sẽ được nâng lên lại bằng với giá chưa xảy ra bệnh ASF.
Căng mình dập dịch ảnh 1 Cán bộ thú y phun thuốc khử trùng xe chở heo. Ảnh: TIẾN MINH 
Tuy nhiên, giá này cũng chỉ giữ vững một thời gian ngắn. Nhiều người tiêu dùng hiện có thói quen sử dụng thịt nóng, chưa có thói quen sử dụng thịt đông, thịt mát. Do đó, nếu muốn mua thịt heo dự trữ, cần phải thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, kinh phí dự trữ thịt đông rất lớn nên cần phải triển khai đồng bộ để doanh nghiệp tránh thiệt thòi. 
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo, virus gây bệnh ASF có sức đề kháng cao nên phải tăng cường biện pháp an toàn sinh học, quản lý giết mổ lậu, tránh trường hợp heo bị bệnh ASF được giết mổ vận chuyển tràn lan. TPHCM phải giám sát không cho heo bệnh ASF từ tỉnh khác đi vào. Đồng thời, Chi cục Thú y vùng 6 tăng cường công tác phối hợp với TPHCM, các tỉnh lân cận TPHCM giám sát chặt từ chăn nuôi đến vận chuyển thịt heo từ các vùng có bệnh ASF.
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, nhìn nhận, đường lây lan bệnh ASF hết sức phức tạp, bằng nhiều hình thức. Khi bệnh ASF phát hiện tại Việt Nam, TPHCM đã đưa ra 3 phương án phòng, chống bệnh và cũng tuyên truyền cho người dân, người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là với căn bệnh này. Đồng chí Lê Thanh Liêm cũng chỉ đạo Sở NN-PTNT TP cần tập trung tái cơ cấu đàn theo quy mô tập trung, không chăn nuôi nhỏ lẻ hướng tới an toàn.
“Thủ phủ” chăn nuôi heo khống chế dịch
Mặc dù tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc dập dịch, xử lý các ổ dịch một cách nhanh chóng nhưng mới đây tỉnh này lại tiếp tục xuất hiện ổ ASF mới tại huyện Vĩnh Cửu. Tình hình đã khiến cho ngành chức năng cũng như người dân phải thực hiện nhiều phương án chống dịch quyết liệt hơn nhằm hạn chế dịch lây lan.
Sáng 14-5, chúng tôi có mặt tại ổ dịch thuộc ấp Bình Ý, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu - nơi vừa phát ổ ASF cách đó 4 ngày. Theo thống kê, khu vực xảy ra dịch có 13 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn khoảng 400 con. Để ngăn chặn dịch, các lực lượng chức năng xã Tân Bình đã thành lập 3 chốt kiểm soát dã chiến quanh khu vực ấp Bình Ý để kiểm tra số heo vận chuyển qua khu vực. 
Một cán bộ Phòng Thú y huyện Vĩnh Cửu trực tại chốt kiểm dịch nằm trên đường 767 (xã Vĩnh Tân) cho biết, ngày thường có khoảng 30 xe với 2.000 con heo được vận chuyển qua khu vực này, nhưng từ khi huyện Vĩnh Cửu có dịch thì số lượng heo qua đây chỉ còn khoảng 1/3. 
Tính đến thời điểm này đã có 3 huyện ở tỉnh Đồng Nai xuất hiện bệnh ASF và nâng tổng số xã có bệnh ASF lên 5 xã. Chiều 14-5, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đã dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để bàn về các biện pháp cấp bách chống ASF… Tại cuộc họp này, ông Phùng Đức Tiến dự báo thời gian tới, dịch tả heo châu Phi có khả năng diễn biến phức tạp.
Ông Tiến cho rằng: “Công tác phòng chống dịch thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như một số địa phương còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch; tổ chức tiêu hủy heo bệnh chưa kịp thời, triệt để, vẫn để heo chết trong chuồng quá 24 giờ, để người dân vứt heo dịch chết ra sông suối, môi trường khiến nguồn bệnh lây lan, phát tán; một số địa phương thực hiện vệ sinh sát trùng, tiêu độc chưa đúng; việc kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ chưa hiệu quả...”.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến còn cho biết, tại Bắc Giang, trên khu vực kênh N3, kè Gia Tư, xã Hoàng An - nơi liên thông thủy lợi giữa huyện Hiệp Hòa và huyện Phú Bình (Thái Nguyên), tình trạng heo chết vứt trôi nổi đầy kênh mương. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lo lắng, nếu cứ diễn ra tình trạng này sẽ khó mà kiểm soát được nguồn dịch bệnh.
 Nhiều tỉnh phát hiện thêm ổ dịch mới
Ngày 14-5, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết, tỉnh vừa phát hiện 2 ổ ASF trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tại xã Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A) cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 50 con heo của một hộ chăn nuôi và 18 con tại xã Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy). Được biết, Hậu Giang là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL vừa xuất hiện bệnh ASF. 
Ngày 14-5, UBND huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) cho biết vừa phát hiện thêm 2 đàn heo của người dân tại xã Tân Lập dương tính với virus ASF. Như vậy, tính đến ngày 14-5, tại tỉnh Bình Phước đã có 2 huyện, TP xuất hiện 7 ổ dịch và đã tiêu hủy 160 con heo.
Cùng ngày, Chi cục Chăn nuôi Thú y, Thủy sản Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương cho biết lực lượng chức năng vừa tiêu hủy gần 2 tấn thịt heo không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vận chuyển đi tiêu thụ trên địa bàn.
NHÓM PV

Các tin khác