Cần một cuộc cách mạng khởi nghiệp

(ĐTTCO) - Trình bày trước Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định giải pháp chủ yếu thời gian tới: “Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại doanh nghiệp (DN) nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân. Tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Nhìn từ quốc gia…
Chưa bao giờ các từ khóa “khởi nghiệp”, “khởi nghiệp sáng tạo” xuất hiện nhiều như hiện nay, trở thành yêu cầu cấp bách đối với sự phát triển kinh tế. Nhìn vào thực tế, dễ thấy Việt Nam còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng DN.
So với các nước trên thế giới và khu vực, số lượng DN nước ta còn khá khiêm tốn. Tỷ lệ người dân trên 1 DN của các nước phát triển bình quân 10-12, các nước ASEAN khoảng 80-100, trong khi Việt Nam khoảng 200 người dân mới có 1 DN.
 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, với mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển 600 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gọi được vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, trình độ quản lý, trình độ tay nghề, năng suất lao động của các DN Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các DN còn rất hạn chế, giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, rất cần một cuộc cách mạng về khởi nghiệp để đạt 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 như mục tiêu đề ra.
Để phát triển DN cần đẩy mạnh thành lập DN trong khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi hoạt động theo mô hình DN; mặt khác cần đẩy mạnh thành lập các DN dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, hiện đại. Các DN này được gọi là DN đổi mới sáng tạo.
Theo một số chuyên gia kinh tế, tỷ lệ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công sau 5 năm ở nước ta chỉ 5-10%. Rất nhiều DN thất bại ngay trong năm khởi nghiệp đầu tiên. Vì sao tiến trình khởi nghiệp thất bại? Trước nhất, người có ý tưởng khởi nghiệp lại không có ý tưởng sáng tạo, khác biệt; không có cách làm đột phá. Phần đông theo tâm lý đám đông, sao chép ý tưởng người khác, và thiếu kiên trì theo đuổi mục tiêu, ý tưởng kinh doanh.
Mặt khác một số người bung ra kinh doanh nhưng không am hiểu về thị trường, nhu cầu xã hội; kinh nghiệm xây dựng mô hình quản lý, kinh doanh và cả cách thức vận hành DN. Về khách quan, môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy liên tục được cải thiện nhưng còn ẩn chứa nhiều rủi ro, tính minh bạch kém. Tình trạng vi phạm bản quyền, hàng giả, hàng nhái… ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường khởi nghiệp.
Cần một cuộc cách mạng khởi nghiệp ảnh 1 Đông đảo doanh nhân và học viên tham gia một lớp đào tạo khởi nghiệp. 
Để sự nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam thành công, hướng tới “Quốc gia khởi nghiệp”, cần chú trọng 3 vấn đề cơ bản: Thứ nhất, Chính phủ cần quyết tâm mạnh mẽ trong việc khơi dậy tinh thần kinh doanh của toàn xã hội, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, ban hành các cơ chế, chính sách khởi nghiệp “đúng” và “trúng”. Đồng thời bảo đảm các cơ chế chính sách đó phát huy hiệu quả thực sự trong cuộc sống.
Thứ hai, các doanh nhân, các startup cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp; xây dựng chiến lược, mô hình kinh doanh hiện đại, ứng dụng công nghệ mới.
Thứ ba, hỗ trợ và vận hành hiệu quả các thiết chế trung gian như các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư; các quỹ đầu tư; các ngân hàng và tổ chức tín dụng; các học viện, trường đại học... trong việc hỗ trợ khởi nghiệp.

Nhìn ra thế giới…
Câu chuyện quốc gia khởi nghiệp và sự phát triển kinh tế thần kỳ của Israel là minh chứng sinh động của khởi nghiệp thành công. Israel - một quốc gia chỉ có khoảng 8 triệu dân, lập quốc muộn, tài nguyên thiên nhiên gần như bằng không, lại là nơi sản sinh nhiều DN khởi nghiệp thành công hơn hầu hết quốc gia khác.
Cải cách về công nghệ là nền tảng tạo nên những thành công của ngành công nghệ cao Israel trong những thập niên qua. Nhờ đó, các DN liên tục thu hút lượng vốn đầu tư khổng lồ từ trong và ngoài nước. Israel luôn đứng đầu thế giới về thu hút vốn đầu tư mạo hiểm trên đầu người, và chỉ chịu đứng sau Mỹ về số DN khởi nghiệp. Israel cũng là nơi hình thành các ý tưởng tuyệt vời về phát triển công nghệ. Đây cũng là lý do khiến nhiều công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Israel.
Các chính sách do Chính phủ Israel ban hành rất phù hợp, đó là nền kinh tế phải có khả năng thích nghi với thời đại. Cựu Tổng thống Israel, Shimon Peres đã nói: “Để trở thành chuyên gia thì tương lai, tầm nhìn phải thay thế kinh nghiệm”. Chính từ “tầm nhìn toàn cầu” của các nhà lãnh đạo và DN Israel, là câu trả lời cho sự thành công thần kỳ của nền kinh tế Israel trong những năm qua và cả trong thời gian tới.
Để hướng tới “Quốc gia khởi nghiệp”, góp phần hỗ trợ khởi sự DN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trước hết phải rèn luyện kỹ năng, kinh nghiệm cho các bạn trẻ, doanh nhân có khát vọng khởi nghiệp - những “võ sĩ” trên đấu trường khởi nghiệp toàn cầu; các học viện và trung tâm khởi nghiệp được thành lập đào tạo DN khởi nghiệp và DN đang hoạt động một cách bài bản; chú trọng thực hành, phân tích thực tiễn kinh doanh.
Căn cứ trên đúc kết kinh nghiệm thế giới và Việt Nam, xem xét họ đã làm như thế nào. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân, DN rèn luyện nâng cao sức cạnh tranh, đủ sức tồn tại và phát triển trong môi trường toàn cầu nhiều biến động.

Các tin khác