Căn bệnh mãn tính: Sửa luật

(ĐTTCO) - Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, trong lĩnh vực xây dựng luật, pháp lệnh còn nhiều hạn chế “mãn tính”, thiếu bền vững, nghĩa là đã tồn tại qua nhiều khóa, nhiều năm mà không được khắc phục. Đó là tình trạng dự báo không cao, tiến độ trình dự án luật chậm, chất lượng chuẩn bị các dự án luật chưa tốt dẫn đến việc rút, lùi, bổ sung nhiều dự án.
Một luật ban hành nếu thiếu tính ổn định sẽ rơi vào tình trạng thực hiện mới 1, 2 năm phải sửa, luật đang thi hành cũng phải sửa, thậm chí luật vừa mới ban hành đặt ra vấn đề phải sửa vì không phù hợp với thực tiễn.
Thực tế này thời gian qua đã diễn ra khá nhiều, một số luật không bảo đảm chất lượng và tính ổn định, thể hiện nội dung còn mang tính tuyên truyền, khẩu hiệu, thay vì ban hành các quy phạm là những quy tắc xử sự chuẩn mực để làm khuôn mẫu cho việc thi hành. Vì vậy dẫn đến tình trạng tùy tiện, lạm quyền lợi ích nhóm nảy sinh từ những bất cập này…
Thực tiễn xây dựng luật cho thấy, hầu như không có văn bản pháp luật nào là không có quy định giao cho Chính phủ hướng dẫn một hoặc một số điều khoản. Như vậy, để điều chỉnh được quan hệ xã hội trong một lĩnh vực nhất định, ít nhất phải có 2 văn bản đó là luật và nghị định, có một số lĩnh vực còn thêm văn bản thứ ba là thông tư.
Thế nhưng tréo ngoe ở chỗ, ban hành luật do thẩm quyền Quốc hội, còn việc ban hành nghị định và thông tư có phù hợp với luật hay không Quốc hội chưa có cơ chế kiểm soát một cách hữu hiệu. Do vậy có những nghị định, thông tư quy định trái luật mà Quốc hội không biết, đến khi biết thì đã được ban hành. Điều này đã khiến một số ĐBQH thẳng thắn chỉ ra do chất lượng thẩm định một số dự án luật chưa tốt; do thái độ tiếp thu của một số Ban soạn thảo chưa nghiêm túc vì lợi ích bộ, ngành. 
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo nghị định phải có trong hồ sơ. Nhưng thực tế có một số quy định có trong dự thảo nghị định, và các quy định có trong một số nghị định đã được ban hành có nội dung khác xa. Có nghị định hướng dẫn cả nội dung không được luật cho phép.
Có trường hợp ngôn ngữ diễn giải theo hướng chỉ có lợi cho cơ quan được giao soạn thảo nghị định. Điều này cho thấy, Quốc hội ban hành luật nhưng chưa có cơ chế hữu hiệu để giám sát việc văn bản ban hành hướng dẫn, áp dụng pháp luật. 
Hiện nay, các cơ quan trình luật chủ yếu là các cơ quan của Chính phủ. Chính phủ giao cho một bộ, bộ lại giao cho một cục hoặc vụ ở trong cục, vụ lại giao cho một số cá nhân. Song những người hiểu chuyên môn chưa chắc đã rành về lập pháp, những người hiểu lập pháp thì chuyên môn có thể chưa rõ. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn tới chất lượng không bảo đảm… 
Để nâng cao chất lượng lập pháp rất cần kiện toàn, củng cố chất lượng cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, từ các Ủy ban của Quốc hội đến các cơ quan của Chính phủ.
Bên cạnh việc tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách trung ương, nâng cao vai trò của Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cũng cần xây dựng lực lượng chuyên gia giỏi giúp cho Quốc hội trong việc làm luật. Đến một lúc nào đó, cơ quan xây dựng pháp luật không phải giao cho Chính phủ mà là một cơ quan thuộc về Quốc hội, tức phải có cơ quan chuyên nghiệp xây dựng lập pháp. 
Từ thực tế làm luật thời gian qua, rất cần có một chiến lược lập pháp dài hạn bài bản hơn, xác định rõ trật tự ưu tiên trong việc ban hành các đạo luật. Tránh tình trạng luật ban hành rồi còn phải chờ các văn bản dưới luật, khiến cho quá trình triển khai luật bị chậm, là nguyên nhân của “luật ống”, “luật khung”. 
Song song đó, cần có thời gian để ĐBQH tranh luận đến cùng, hoặc ít nhất là ngã ngũ chính sách có quan điểm khác nhau về bản chất pháp lý. Chỉ khi làm được như vậy, chúng ta mới hạn chế được những yếu kém “mãn tính” hiện nay trong công tác làm luật.

Các tin khác