Các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng cung ứng dịp cuối năm

(ĐTTCO)-Bắt đầu từ tháng 9, các kênh bán lẻ đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa dịp lễ Tết, đồng thời thương thảo với các nhà sản xuất để đưa ra được giá cả tốt cho người tiêu dùng trong dịp mua sắm cuối năm.

Các kênh bán lẻ đã lên kế hoạch trữ hàng cho dịp cuối năm. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)
Các kênh bán lẻ đã lên kế hoạch trữ hàng cho dịp cuối năm. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhằm đảm bảo cung cầu và ổn định giá cả trong dịp lễ Tết cuối năm, ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa đầy đủ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Các chuyên gia thương mại nhận định, thời gian tới nhu cầu hàng hóa sẽ tăng vào dịp cuối năm, các yếu tố về thời tiết mùa mưa bão, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu.

Tuy nhiên, với sự điều hành sát sao và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và các bộ, ngành, nguồn cung hàng hóa được dự báo sẽ vẫn được duy trì tốt, giúp bình ổn thị trường.

Đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, thời gian gần đây, tình hình biến động giá cả tương đối ổn định, kể cả dịp lễ Tết.

Tuy nhiên, để chủ động nguồn hàng và giá cả hàng hóa dịp cuối năm, từ tháng Chín, Mười, các kênh bán lẻ đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa dịp lễ Tết.

Không những thế, các doanh nghiệp bán lẻ đã thương thảo với các nhà sản xuất để đưa ra được giá cả tốt cho người tiêu dùng trong dịp mua sắm cuối năm.

Hơn nữa, mấy năm trở lại đây thời gian nghỉ lễ Tết tương đối dài nên người dân có xu hướng du lịch nhiều, cộng với nguồn cung dồi dào, sản lượng và chất lượng hàng hóa tăng nên việc bình ổn thị trường dịp cuối năm hoàn toàn có thể đáp ứng.

Phân tích thêm về thị trường trong nước, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước nhấn mạnh, nhằm chuẩn bị đón năm học mới và Tết Trung thu nên thị trường trong nước trong tháng Tám khá sôi động.

Các mặt hàng văn phòng phẩm giáo dục tiêu thụ tốt, nguồn hàng dồi dào, giá không có biến động lớn.

Hơn nữa, do tác động của thời tiết, dịch bệnh nên một số mặt hàng nông sản có nguồn cung giảm và giá tăng. Đặc biệt, với mặt hàng thịt lợn, tại các tỉnh phía Bắc, nguồn cung giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu tăng do thương lái thu gom xuất khẩu sang Trung Quốc (giá thịt lợn đang ở mức cao) nên giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc tăng khá mạnh (khoảng 10-20%).

Ngoài ra, các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng chịu tác động của thị trường thế giới nên thị trường tương đối ổn định, nhóm xăng dầu giá có xu hướng giảm trong tháng Tám.

Thị trường các mặt hàng thiết yếu khác không có biến động lớn. cung cầu được đảm bảo.

Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng Tám đạt 414.402 tỷ đồng, tăng 0,41% so với tháng trước; trong đó các mặt hàng tăng cao là lương thực thực phẩm, hàng may mặc và vật phẩm văn hóa giáo dục.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm đạt 3.215.531 tỷ đồng, tăng 11,54% so với cùng kỳ năm 2018.

Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa 8 tháng đạt 9,03%, là mức tăng khá tốt trong những năm gần đây. Con số này cũng cho thấy thị trường hàng hóa trong nước tương đối dồi dào và hoạt động mua sắm diễn ra sôi động.

Tuy nhiên, thời gian qua mặt hàng nông sản xuất khẩu sang nhiều thị trường gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới giảm sút. Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã giảm sau một thời gian neo ở mức cao.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thực hiện hợp đồng chính ngạch với phía Trung Quốc bằng tiền USD, giao dịch qua ngân hàng. Chỉ riêng giao dịch biên mậu với một số địa phương khu vực biên giới là thực hiện bằng tiền nhân dân tệ.

Riêng với mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi sau một thời gian dài, nguồn cung so với cùng kỳ năm ngoái đã suy giảm.

Hiện giá thịt lợn ở cả 3 miền đều tăng. Nguồn cung hạn chế, nhiều hộ chưa tái đàn lại, nhu cầu từ nay đến cuối năm sẽ tăng phục vụ các dịp lễ Tết và thói quen tiêu dùng.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là thói quen tiêu dùng của người dân đã dần có sự thay đổi. Thay vì chỉ thích thịt nóng thì một bộ phận người tiêu dùng hiện nay đã chấp nhận sản phẩm thịt mát đang được bán tại một số siêu thị.

Bởi thịt mát được sản xuất ở nhà máy chứ không có quy mô hộ gia đình nên nguy cơ dịch là không có. Việc thay đổi nhu cầu này cũng đồng thời giảm áp lực lên nguồn cung.

Các tin khác