Bấp bênh cá tra xuất khẩu

(ĐTTCO)-Xuất khẩu cá tra Việt Nam đang ở thế độc quyền trên thị trường toàn cầu, nhưng tăng trưởng xuất khẩu nhiều năm qua vẫn bấp bênh. Nguyên nhân khách quan đến từ rào cản thuế quan và kỹ thuật của các thị trường, song quan trọng hơn do ngành này thiếu chiến lược phát triển tổng thể, dẫn đến nhiều hạn chế.
Ngành cá tra đang thiếu vắng các sản phẩm chế biến sẵn.
Ngành cá tra đang thiếu vắng các sản phẩm chế biến sẵn.
Yếu  và thiếu mọi thứ
Có thể nói, chất lượng giống suy giảm là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu cá giống. Trong nhiều năm, giống cá tra do các hộ nông dân tự sản xuất, nhiều hộ lai cận huyết, ép cá bố mẹ đẻ non và đẻ nhiều lần trong năm, dẫn đến hiện tượng thoái hóa giống. Con giống yếu thường chết nhiều khi nuôi thương phẩm, kéo theo hao phí thức ăn và thuốc thú y tăng.
Tình trạng thiếu hụt đã đẩy giá cá giống tăng vọt trong năm 2017-2018. Tồn dư kháng sinh vượt mức cho phép cũng là rủi ro thường trực, khiến nhiều lô hàng bị các nhà nhập khẩu trả về. Ngoài ra, chất lượng thành phẩm bị ảnh hưởng nếu cá nguyên liệu dị hình, màu thịt xấu và tỷ lệ thu hồi philê giảm.
Vấn nạn nữa là khủng hoảng thừa và thiếu nguyên liệu. Khi giá xuất khẩu tốt xảy ra, tình trạng nông dân đổ xô mở rộng diện tích nuôi cá tra giống, cá tra thương phẩm, chủ yếu thông qua chuyển đổi đất trồng lúa thành ao cá tra.
Hậu quả, tình trạng dư cung đột biến vào một thời điểm khiến giá bán cá nguyên liệu rớt mạnh, do các hộ nuôi mới không có hợp đồng cung cấp cho nhà máy chế biến để đảm bảo đầu ra. Nhiều người chịu lỗ nặng và ngưng thả nuôi mới trong các vụ sau, kéo theo tình trạng thiếu hụt cá nguyên liệu cho chế biến. Nếu điều kiện xuất khẩu vào các thị trường vẫn thuận lợi, giá xuất khẩu sẽ tăng và vòng luẩn quẩn này lặp lại.
Sự thiếu vắng sản phẩm chế biến sâu cũng khiến xuất khẩu cá tra bấp bênh. Hiện 99% sản phẩm cá tra xuất khẩu là hàng đông lạnh chế biến thô (philê, cắt khúc, cắt miếng) không khác nhau về hàm lượng giá trị. Các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng (hàng tẩm ướp, hàng nấu liền, ăn liền) và các sản phẩm giá trị gia tăng chế biến từ phụ phẩm của quá trình philê cá như surimi, collagen và gelatin rất ít, do hạn chế về vốn đầu tư cho công nghệ sản xuất.
Trong khi các sản phẩm này đang rất được ưa chuộng tại các thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu và trong ngành dược mỹ phẩm, các doanh nghiệp lại đang để ngỏ phân khúc sản phẩm có tiềm năng mang lại lợi nhuận rất cao.

Quy chuẩn đã có
Ngoài những yếu tố kể trên, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty chế biến. Do xuất khẩu sản phẩm thô là chủ yếu nên tình hình cạnh tranh về giá bán rất khốc liệt.
Thủ thuật được nhiều doanh nghiệp sử dụng là tăng tỷ lệ mạ băng để giảm tỷ lệ thịt cá trên 1kg thành phẩm, nhằm giảm giá bán. Tỷ lệ mạ băng tối đa đảm bảo chất lượng sản phẩm 5%, theo khuyến nghị của Ủy ban Thực phẩm quốc tế (CODEX), nhưng nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ mạ băng lên đến 35-40%. Hậu quả, uy tín của toàn ngành bị suy giảm, một vài thị trường cáo buộc Việt Nam bán phá giá, điển hình là thị trường Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá.
Thực ra từ năm 2014, Chính phủ đã có định hướng phát triển rõ ràng và chặt chẽ cho ngành cá tra. Như Nghị định 36/2014/NĐ-CP, Nghị định 55/2017/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, đưa ra một số tiêu chuẩn về điều kiện nuôi và chất lượng cá tra ở mức cao, nhằm định hướng hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp chế biến đã đầu tư mạnh xây dựng chuỗi giá trị khép kín, nâng cao khả năng tự chủ con giống, thức ăn và nguyên liệu, hướng tới ổn định các yếu tố đầu vào cho sản xuất.
Về con giống, đề án sản xuất giống cá tra cấp quốc gia triển khai từ năm 2018 với sự tham gia của các nhà khoa học, sẽ cung cấp nguồn giống chất lượng cao cho nhu cầu nuôi trồng của ngành. Đến năm 2020, đề án sẽ đáp ứng 50% và đến năm 2025 sẽ đáp ứng 70% nhu cầu giống.
Nghị định 36/2014/ NĐ-CP đã đặt nền móng tái cấu trúc ngành cá tra Việt Nam. Các giải pháp tuy còn cần nhiều thời gian để có thể tạo ra thay đổi trên quy mô toàn ngành, đã thể hiện một giai đoạn phát triển mới chú trọng chất lượng. Hay quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm cá tra philê đông lạnh (ban hành cuối năm 2017) đặt ra chuẩn mực chung về hàm lượng mạ băng, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp sau thời gian tích lũy vốn và công nghệ, đã đầu tư nghiên cứu và sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng.  

Các tin khác