Bán lẻ liên tục làm mới mình

(ĐTTCO) - Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã tác động trực tiếp đến ý thức, hành vi của người tiêu dùng. Để thích ứng, thị trường bán lẻ trên thế giới nói chung và trong nước nói riêng đã và đang có sự thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu và giữ chân và thu hút khách. 

Không ngừng đưa ra các sản phẩm mới

Trong 3 năm gần đây, hầu hết các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài tại Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư, nâng cấp các điểm bán, đồng thời mở rộng thêm nhiều ngành hàng, nhiều loại hình kinh doanh, trong đó nổi bật là việc thiết kế các trang bán hàng qua mạng, nhằm đa dạng các loại hình mua sắm cho khách hàng. 

Cùng với đó, các nhà kinh doanh siêu thị cũng không ngừng đa dạng hóa sản phẩm, tạo nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Điển hình như MM Mega Market, trên các quầy kệ của nhà bán lẻ này đã liên tục xuất hiện thêm các mặt hàng mới, chẳng hạn ở mặt hàng thịt heo hiện có tới hàng chục sản phẩm khác nhau.

MM cũng đã giới thiệu đến người tiêu dùng loại heo được nuôi từ các loại thảo dược như hồi, quế và từ thực vật có lợi cho sức khỏe, nhưng giá bán chỉ cao hơn heo VietGAP khoảng 10%.

Theo ông Đinh Quang Khôi, Trưởng phòng Marketing và quản lý khách hàng của MM Mega Market, ở nhóm các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như thủy hải sản, rau củ quả, đơn vị này đang thực hiện chiến lược gắn các mã QR để người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tạo sự yên tâm tuyệt đối về chất lượng, an toàn thực phẩm. 

Bán lẻ liên tục làm mới mình ảnh 1                                                 Mua sữa tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG

Tại hệ thống bán lẻ của Vincommerce, tùy vào vị trí và đối tượng khách hàng, đơn vị này đã tiến hành cơ cấu lại các nhóm hàng theo hướng đa dạng và phong phú cho siêu thị. Ví dụ, tại Vinmart Thảo Điền, Vinmart Landmark 81, do tọa lạc tại vị trí rộng rãi, khu dân cư thu nhập cao, nên siêu thị này hướng đến phát triển các loại thực phẩm cao cấp hoặc đặc sản nổi tiếng từ các vùng miền như heo tộc lai, thịt bê, gà Đông Tảo, các loại cá biển Phú Quốc…  

Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op cũng không ngừng nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm mới có chất lượng cao, đồng thời nâng số lượng các mặt hàng đã qua sơ chế để tiết kiệm thời gian cho người nội trợ. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng liên tục đầu tư nâng cấp các điểm bán hiện hữu, bắt tay với các đối tác trong nước và nước ngoài để đa dạng hóa loại hình kinh doanh. 

Theo sát thị trường 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thị trường bán lẻ Việt Nam đang giữ mức tăng trưởng liên tục hàng năm đạt 2 con số, đưa doanh thu ngành bán lẻ cả nước năm 2018 lên 3,306 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2017.

Trong khi đó, theo khảo sát của Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy mặt bằng cho thuê tại các trung tâm bán lẻ hiện vẫn lên tới 97%. Dù vậy, vẫn có những trung tâm bán lẻ phải đóng cửa hoặc chuyển đổi công năng sử dụng do không theo kịp thị trường cạnh tranh và nhiều biến động. 

Năm 2019, ngành bán lẻ phải đối mặt với những thách thức khi xu hướng, thị hiếu người tiêu dùng ngày càng thay đổi dưới tác động của công nghệ. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên quá bi quan rằng công nghệ sẽ lấn át.

Thực tế cho thấy, khi thương mại điện tử bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, nhiều người cũng lo lắng rằng bán lẻ truyền thống sẽ bị triệt tiêu, nhưng chuyện đó không xảy ra, mà các loại hình cùng phát triển, cùng cạnh tranh.

Tuy nhiên trong tương lai, ngành bán lẻ Việt Nam phải gắn với cụm từ “công nghệ và sáng tạo”. Nếu không làm được việc này, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ không phát triển được trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay. 

Tại hội thảo “Tương lai của bán lẻ Việt Nam” do Công ty cổ phần Vincom Retail vừa tổ chức, bà Rebecca Pearson, Phó giám đốc CBRE châu Á, chỉ ra đang có thêm nhiều thương hiệu gia nhập thị trường Việt Nam. Khi các thương hiệu tìm kiếm sự phát triển thị trường thì chắc chắn sẽ đưa thêm công nghệ, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, cũng như thu thập dữ liệu thị hiếu tiêu dùng.

Trong bối cảnh một số nhà bán lẻ truyền thống phải đóng các cửa hàng, thì các công ty thương mại điện tử từ chỗ chỉ có những gian hàng tồn tại trên không gian mạng lại bắt đầu xu hướng mở điểm bán cụ thể. Điều này không chỉ giúp khách hàng chọn mua hàng hóa thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động, mà còn có thể cảm nhận trực tiếp sản phẩm. 

Theo ông Thomas Ngo, Giám đốc điều hành N Kid Group, để tồn tại được trên thị trường, điều quan trọng nhất trong bán lẻ là phục vụ khách hàng, hiểu khách hàng.

Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, cũng nhấn mạnh: Nhà đầu tư bán lẻ phải thay đổi, linh hoạt trong việc đáp ứng nguyện vọng của người tiêu dùng, có những hướng đi riêng và cách tiếp cận năng động.

Việc khai thác các dữ liệu lớn (Big Data) hay thông tin từ trí tuệ nhân tạo (AI) nếu được ứng dụng và khai thác đúng cách, không chỉ giúp nhà bán lẻ cập nhật tốt hơn nhịp sống từ thị trường, mà còn tối ưu hóa đầu tư, dựa vào các quyết định đúng đắn từ cơ sở số.

Theo Bộ Công thương, tỷ lệ bán lẻ qua các kênh phân phối hiện đại hiện chỉ chiếm 25%-30% trên toàn thị trường, thấp hơn so với các nước trong khu vực như: Philippines (33%), Thái Lan (34%), Trung Quốc (51%), Malaysia (60%) và Singapore (90%). Các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành, khu vực nông thôn và ngoại thành còn bỏ ngỏ rất nhiều. Điều này cũng đồng nghĩa, các điểm bán hiện hữu vẫn còn nhiều dư địa để phát triển

Các tin khác