Bàn giao ‘bãi biển sạch’ để quản lý: Giảm ô nhiễm môi trường

(ĐTTCO)-Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị 28 tỉnh, thành phố bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức có trách nhiệm quản lý, để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển.
Bãi biển ở Bình Thuận.
Bãi biển ở Bình Thuận.

Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị 28 tỉnh, thành phố có biển bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý, để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển.

Theo công văn số 4566/BTNMT-TTTNMT do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ký ban hành gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng công tác phân loại, thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Địa phương cũng đề xuất các giải pháp tổng thể về chính sách, công nghệ, huy động nguồn lực của toàn xã hội nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại liên quan; tiến hành sơ kết đánh giá và đề xuất các giải pháp thiết thực thực hiện phong trào chống rác thải nhựa theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, diễn ra ngày 9/6, tại Hà Nội.

Trên cơ sở Quyết định số 582/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị mỗi tỉnh, thành phố lựa chọn, giới thiệu tối thiểu 1 mô hình tiêu biểu về thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn, mô hình hạn chế rác thải nhựa hiệu quả để xem xét, nhân rộng...

Các địa phương cũng tổ chức treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề bảo vệ môi trường tại các nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở cơ quan, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở người dân cùng hành động bảo vệ môi trường.

Tùy theo từng điều kiện cụ thể, địa phương tổ chức lễ phát động, lễ ra quân và các hoạt động thiết thực trực tiếp hoặc góp phần giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường thuộc trách nhiệm quản lý.

Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; phối hợp với các nhà sản xuất, trung tâm thương mại tổ chức ngày hội tái chế với mục đích thu gom, thu hồi sản phẩm thải bỏ, đặc biệt là các chất thải điện tử, chất thải nhựa và các chất thải rắn khó phân hủy khác.

Bên cạnh đó, các địa phương duy trì các phong trào bảo vệ môi trường tại cơ sở như: Ngày thứ Bảy tình nguyện, ngày Chủ Nhật xanh, ngày không sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tổ chức ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh, thi làm sản phẩm tái chế...

Đối với 28 tỉnh, thành phố có biển và các cơ quan đơn vị tại các địa phương ven biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tăng cường tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ, trong đó tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.

Các địa phương cũng cần “tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển,” công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Các tin khác