Võng mạc nhân tạo từ mô mềm

(ĐTTCO) - Được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh), một dạng võng mạc nhân tạo tổng hợp bởi những mô mềm có thể mang lại hy vọng tươi mới cho những người khiếm thị bởi vì tất cả các nghiên cứu về võng mạc nhân tạo trước đây chỉ sử dụng vật liệu cứng.
 
Màng nhỏ giọt kích hoạt được ánh sáng trong nghiên cứu tổng hợp võng mạc nhân tạo
Màng nhỏ giọt kích hoạt được ánh sáng trong nghiên cứu tổng hợp võng mạc nhân tạo
Theo chuyên trang Sci-News, kỹ thuật nhiếp ảnh phụ thuộc vào điểm ảnh của camera phản ứng với ánh sáng. Và tầm nhìn của con người dựa vào võng mạc có cùng chức năng như vậy. 
Võng mạc nằm phía sau mắt, và chứa các tế bào protein chuyển đổi ánh sáng thành các tín hiệu điện đi qua hệ thống thần kinh, kích hoạt phản ứng từ não, cuối cùng là tạo ra một bức tranh về hiện trường được xem.
Vanessa Restrepo-Schild, nghiên cứu sinh đang làm việc tại Đại học Oxford, đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu để phát triển võng mạc nhân tạo tổng hợp hai lớp, mô phỏng quá trình tự nhiên của võng mạc con người. Bản sao nhân tạo này bao gồm các giọt hydrogel mềm và các protein tế bào màng sinh học. Được thiết kế giống như máy ảnh, các tế bào hoạt động như các điểm ảnh, phát hiện và phản ứng với ánh sáng để tạo ra một hình ảnh có tỷ lệ xám.
Restrepo-Schild cho biết: “Vật liệu tổng hợp có thể tạo ra các tín hiệu điện, kích thích các tế bào thần kinh ở phía sau mắt của chúng ta giống như nguyên bản của võng mạc”. Nghiên cứu cho thấy không giống như cấy ghép võng mạc nhân tạo hiện có, các tế bào nền được tạo ra từ các vật liệu tự nhiên, phân hủy sinh học và không chứa các vật lạ hoặc thực thể sống. Bằng cách này, cấy ghép sẽ ít xâm lấn hơn so với thiết kế cơ học, và ít bị phản ứng bất lợi bởi cơ thể.
Các nhà nghiên cứu đã lên kế hoạch kiểm tra khả năng của vật liệu để nhận ra các màu sắc khác nhau, thậm chí nhận được hình dạng và biểu tượng. Sau thử nghiệm trên động vật sẽ là loạt thử nghiệm lâm sàng trên người.

Các tin khác