Tốc độ 4G thực chất chỉ nhỉnh hơn 3G

(ĐTTCO) - Dịch vụ truy cập internet băng thông rộng di động 4G đang dần phổ biến tại Việt Nam, nhưng tốc độ của dịch vụ này đang được các nhà mạng cung cấp cho người tiêu dùng chỉ mới nhỉnh hơn tốc độ mạng 3G.
Tốc độ 4G thực chất chỉ nhỉnh hơn 3G
Trước đây, khi dịch vụ 4G ra mắt, các nhà mạng đều cam kết, tốc độ của 4G sẽ cao gấp 7-10 lần 3G. Thế nhưng hiện nay, theo các khảo sát và thống kê chuyên sâu, tốc độ 4G ở Việt Nam trung bình đạt gần 22Mbps, đứng thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á, nhưng chỉ mới gấp 3 lần tốc độ 3G trên lý thuyết. Trong khi về mặt lý thuyết, tốc độ 4G LTE có thể đạt trên 150Mbps, thậm chí là đến 300Mbps. 
Cuối năm 2016, Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) đã cấp giấy phép cho 5 DN (VNPT, Viettel, MobiFone, Vietnamoblie, Gtel) triển khai 4G trên băng tần 1.800 MHz. Tính đến thời điểm hiện tại, trừ Gtel, các DN đã chính thức cung cấp dịch vụ 4G tới người dùng. Trong đó, VNPT, Viettel đã triển khai 4G trên băng tần 1.800 MHz với các băng thông 10 MHz, 15 MHz, 20 MHz. MobiFone triển khai với băng thông 10 MHz.  Đến nay, theo báo cáo các nhà mạng, đã có gần 15 triệu thuê bao 4G hoạt động, phát sinh lưu lượng qua mạng, chiếm khoảng gần 30% tổng số thuê bao băng rộng, tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị xã, thị trấn. 
Theo ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), việc nhà mạng dùng băng tần 1.800 MHz đang dành cho 2G để cung cấp là vì lượng thoại 2G giảm, trong khi người dùng dữ liệu (data) cho 3G, 4G ngày càng tăng. Theo đó, các nhà mạng đã khai thác 10-15 MHz của băng tần này cho dịch vụ 4G. Trong quá trình sử dụng, số lượng người dùng 4G ngày càng tăng, nhưng do phải dùng chung với băng tần 2G nên phải chia sẻ lưu lượng, dẫn đến tốc độ 4G không được cao.  
Được biết, từ cuối năm 2017, Tập đoàn Viettel đã kiến nghị Bộ TT-TT sớm tiến hành các thủ tục để DN được cấp phép khai thác 4G trên băng tần 2.600 MHz. Theo đó, Viettel đưa ra giải pháp trong trường hợp việc đấu giá 4G chưa thực hiện được, thì cho DN mượn băng tần này và vẫn đóng phí tần số như quy định hiện hành để đảm bảo chất lượng dịch vụ 4G cung cấp cho khách hàng. Theo phân tích của Viettel, nhu cầu có thêm băng tần của nhà mạng rất bức thiết, trong khi đó băng tần 2.600 GHz vẫn đang bỏ không sẽ gây lãng phí… 
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho rằng, hiếm có quốc gia nào sau khi nhận giấy phép triển khai 4G, trong vòng 6 tháng có thể phủ sóng 4G với độ phủ lớn như các nhà mạng Việt Nam. Đó là một thành công rất đáng trân trọng. Người dùng Việt Nam sẵn sàng chuyển sang sử dụng 4G, đây là bước tiến rất đáng kể. Tuy vậy, hiện công nghệ 4G ở Việt Nam mới chỉ đang được triển khai ở mức độ nền tảng, băng tần còn hẹp. 
Ông Đoàn Quang Hoan, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT) cho biết, từ giữa năm 2017, Cục Tần số vô tuyến điện đã công bố hồ sơ đấu giá băng tần 2.600 MHz và các DN có 3 tháng để hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên, việc đấu giá đến nay vẫn chưa thể triển khai. Nguyên nhân do việc đấu giá này diễn ra đúng thời điểm Luật Đấu giá tài sản công ra đời (có hiệu lực từ tháng 7-2017), chưa có hướng dẫn, trong khi đó việc tần số là tài sản đặc biệt, đòi hỏi cách đấu thầu phải đặc biệt trong khi Luật Đấu giá tài sản công lại chưa có quy định với loại tài sản này. Hiện Bộ TT-TT cũng đã báo cáo xin chủ trương và trình Chính phủ hướng dẫn để tiến hành đấu giá băng tần 2.600 MHz. 

Các tin khác