Thách thức kỷ nguyên công nghiệp số hóa

(ĐTTCO) - Cụm từ “Cách mạng công nghiệp thứ 4”, hay “Công nghiệp thế hệ 4.0” (CMCN 4.0) được nhắc đến nhiều trên thế giới và cả Việt Nam gần đây. 
Taxi UBER, một loại hình vận tải ứng dụng công nghệ thông minh, nhưng khi vào Việt Nam chúng ta đau đầu tìm cách ứng phó.
Taxi UBER, một loại hình vận tải ứng dụng công nghệ thông minh, nhưng khi vào Việt Nam chúng ta đau đầu tìm cách ứng phó.

Vậy CMCN 4.0 là gì, thách thức ra sao và Việt Nam phải thích ứng thế nào… là những câu hỏi được đặt ra tại nhiều cuộc hội thảo với chủ đề này.

Chấp nhận đào thải lao động

Nói về CMCN 4.0, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bắt đầu bằng câu chuyện về lịch sử: “Năm 1976, sau khi giải phóng miền Nam, để phát triển đất nước, chúng ta đã đặt vấn đề cách mạng khoa học kỹ thuật làm then chốt. Đây là điều rất đúng và tôi cho rằng nếu mở được “then”, “chốt” này đất nước sẽ cất cánh bay lên. Thế nhưng, 20 năm sau chúng ta vẫn thấy người nông dân với “con trâu đi trước, cái cày đi sau”.

Năm 1996, có một cuộc hội thảo về kinh tế tri thức và triển vọng phát triển ở Việt Nam. Đây cũng là nội dung mới trên thế giới và khi đó vấn đề này được mổ xẻ rất sâu trên mọi khía cạnh. Sau đó 6 tháng, nội dung kinh tế tri thức được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng. Thế nhưng từ 1996 đến nay, chúng ta tiếp cận cái gì cũng nhanh nhưng có vẻ như “chúng ta đón đầu và đứng lại để người khác đi lên”. Chúng ta có 2 quốc sách lớn gắn với trí tuệ con người là giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ nhưng mãi vẫn chưa thấy phát triển”.

Cũng theo PGS.TS Thiên, điều khiến ông trăn trở từ trước đến nay là người Việt Nam có thông minh không? Có thông minh tại sao cứ mãi lẹt đẹt thế này? “Đi tìm câu trả lời này cũng là để giải đáp cho câu hỏi liệu chúng ta có bị “lỡ tàu” CMCN 4.0 hay không?

Việt Nam đang muốn chuyển mình sang CMCN 4.0, đó có thể là cơ hội lớn để chúng ta vượt lên, dù chúng ta đã chưa vượt qua được 3 CMCN. Điều này cho thấy, cơ hội nhiều nhưng cũng như WTO đưa cơ hội về càng nhiều lại đặt Việt Nam vào thách thức càng lớn".

Giám đốc Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) Việt Nam, bà Louise Chamberlain, cho rằng CMCN 4.0 ít nhất sẽ làm tăng sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, khiến công nghệ và khả năng kết nối có thể trở thành lợi thế của họ bằng các quy định, hạ tầng hợp tác… Với các quốc gia đang phát triển, đây là thử thách lớn về khả năng cạnh tranh.

Lấy thí dụ Facebook, năm 2016 Facebook có doanh thu 27,6 tỷ USD với 17.000 công nhân; Goolge có 89,5 tỷ USD và 72.000 công nhân; trong khi nền kinh tế chủ yếu là truyền thống của Việt Nam có GDP khoảng 200 tỷ USD, lao động khoảng 56 triệu người. So sánh này cho thấy công việc của con người sẽ giảm do bắt đầu phải cạnh tranh việc làm với robot, hoặc bị đòi hỏi phải có những kỹ năng cao hơn để vận hành các công việc được bổ sung bởi robot.

“Tự động cắt và may các đoạn bằng cách sử dụng robot sẽ vẽ lại bức tranh của các ngành công nghiệp này trên toàn cầu. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính 86% lao động trong ngành công nghiệp dệt may và giày dép ở Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao.

Trong khi ở Việt Nam các ngành công nghiệp này đã tạo việc làm cho số lượng lớn lao động (dệt may gần 2,3 triệu, giày dép 0,98 triệu) và số lao động trong các ngành này chiếm 6,2% trong tổng số lao động và 13,7% việc làm phi nông nghiệp. Vì thế, nguy cơ đối với việc làm của Việt Nam rất lớn” - bà Louise Chamberlain nói.

Theo ông Trần Đình Thiên, CMCN 4.0 tác động thông qua kênh việc làm trong trung hạn là điều đáng quan ngại nhất hiện nay, do quá trình điều chỉnh không dễ dàng. Nhóm lao động chịu tác động mạnh là lao động giản đơn, ít kỹ năng, dễ bị thay thế bởi người máy. Nhóm lao động có kỹ năng như gắn với công nghệ cũ hoặc lạc nhịp và có tuổi cũng chịu tác động mạnh.

Trong đó, 5 công việc chịu nhiều nguy cơ nhất gồm công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), tài xế taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%). Bên cạnh đó, 5 công việc khó bị mất vào tay robot nhất gồm bác sĩ/y tá (3%), luật sư (4%), nhà báo (5%), nhà nghiên cứu (6%), nông dân (11%).

Làm gì để tận dụng cơ hội?

Khi Uber xuất hiện, người tiêu dùng háo hức với một dịch vụ vận chuyển hành khách được tạo ra và kiểm soát bởi công nghệ. Thế nhưng, cơ quan quản lý ở các nước lại đau đầu nghĩ cách giải quyết phù hợp cho một khái niệm mới, vì loại dịch vụ này không thuộc các dịch vụ vận tải cụ thể đang được quy định.

Nói rộng hơn, hiện nay Chính phủ phải bắt đầu tính đến việc quản lý một nền kinh tế với 2 đặc điểm chính: nhiều giá trị sản phẩm số được thừa nhận, giao dịch và nền kinh tế đang vận hành theo một cách mới - nền kinh tế chia sẻ.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), kinh tế chia sẻ đang và sẽ mang lại nhiều hiệu quả tiềm năng tại Việt Nam, bao gồm mang đến trải nghiệm mới, đồng thời đóng góp vào tăng trưởng kinh tế; tận dụng tài nguyên nhàn rỗi một cách hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến (như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (Big Data).

“Để tránh cho Việt Nam bị tụt hậu so với thế giới, cần phát triển và phổ biến mô hình kinh tế chia sẻ nhằm tạo sự phát triển bền vững trong quá trình hội nhập, bắt nhịp xu hướng phát triển của CMCN 4.0” - bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.

TS. Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế  (Bộ Công Thương), cho rằng làm chủ công nghệ của cuộc CMCN 4.0 dường như dễ dàng hơn 3 cuộc CMCN trước, bởi CMCN 4.0 có rất nhiều yếu tố kế thừa với CMCN trước, đó là tin học, internet và tự động hóa.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã có những yếu tố quan trọng cho cuộc cách mạng lần này, đó là tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng internet cao với khoảng 54% dân số, đứng thứ 5 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt 55%; ngành công nghệ thông tin đang có sự phát triển mạnh mẽ và duy trì tốc độ tăng trưởng lên đến 16% trong những năm qua… Việt Nam đang đứng trước cơ hội quan trọng của một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật với những thuận lợi chưa từng có.

Đánh giá sự sẵn sàng của Việt Nam hiện nay từ góc độ công nghệ, theo nhiều chuyên gia, công nghệ gen thế hệ tiếp theo, giao thông thông minh, công nghiệp robot, in 3D, vật liệu tiên tiến, năng lượng tiên tiến… hiện nay đều ở mức thấp.

Để cải thiện tình hình này, Việt Nam cần có sự bứt phá thực sự về công nghệ thông tin; làm cho môi trường cạnh tranh kinh doanh thuộc nhóm thông thoáng dẫn đầu; quyết liệt đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, đặc biệt là dạy nghề; thực sự có một số sản phẩm có cạnh tranh chiến lược ở tầm quốc gia…

Trong đó, cần có sự thay đổi căn bản về hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia bằng việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm và có cơ chế tài chính thiết thực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp; đổi mới cơ chế đầu tư, tài trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; có chính sách thiết thực để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup)…

CMCN lần thứ 1 (1784) với đặc điểm là cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước. CMCN lần thứ 2 (1871-1914) với đặc trưng là điện khí hóa và động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt. CMCN lần thứ 3 (1969) là tự động hóa với kỷ nguyên máy tính và tự động hóa. CMCN lần thứ 4 (cuối những năm 2000) với đặc trưng là số hóa với các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo.

Các tin khác