Lo chồng chéo

(ĐTTCO) - Chiều 25-10, Quốc hội nghe tờ trình và thẩm tra về dự án Luật An ninh mạng. Theo Bộ Công an, luật này ra đời sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, góp phần bảo vệ an ninh mạng quốc gia, bảo đảm an ninh kinh tế, chính trị…
Lo chồng chéo
 Tuy nhiên, thảo luận lấy ý kiến trước đó, đại diện các hiệp hội, DN đều băn khoăn về sự chồng chéo, trùng lặp với luật hiện hành và làm khó DN.
Trước đó, tại hội thảo góp ý “Hoàn thiện dự án Luật An ninh mạng” do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an), nhấn mạnh việc xây dựng Luật An ninh mạng là chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. Thời gian qua xuất hiện nhiều nội dung trên YouTube, Facebook liên quan đến chính trị, kinh tế…
Nhiều vụ việc sử dụng không gian mạng có ý đồ hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế, hạ thấp uy tín lãnh đạo Việt Nam, tạo mâu thuẫn, nghi ngờ gây mất lòng tin trong quần chúng, khối doanh nhân. Cùng đó là nguy cơ mất kiểm soát về an toàn, an ninh thông tin mạng. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng hết sức cần thiết nhằm phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng, khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng. 
Tuy nhiên, đánh giá cao tính tích cực của dự thảo Luật An ninh mạng, nhưng nhiều DN cũng bày tỏ sự lo ngại nếu luật không được thiết kế kỹ lưỡng sẽ có nguy cơ chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng do Bộ TT-TT xây dựng và Quốc hội thông qua tháng 11-2015. Thí dụ, đối với DN kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định phải có sự thẩm định cấp phép của Bộ TT-TT.
Trong khi đó dự thảo Luật An ninh mạng, Bộ Công an cũng thẩm định năng lực của DN. Điều này cho thấy sự chồng chéo của dự thảo Luật An ninh mạng. Do đó, sự phối hợp giữa 2 cơ quan quản lý này cần đảm bảo chặt chẽ nhưng cũng tạo sự thuận lợi và giảm đầu mối cho DN kinh doanh. 
Bên cạnh đó, dự thảo gần như bao quát hết vấn đề liên quan tới bảo vệ an ninh mạng và các hoạt động trên không gian mạng. Như vậy dễ trùng lặp về nội dung và chồng chéo về thẩm quyền quản lý nhà nước với các văn bản luật khác đang hiện hành, như Luật An toàn thông tin mạng, Luật Cơ yếu, Luật Công nghệ thông tin…
Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải ban hành văn bản pháp luật liên quan đến an ninh mạng hay bảo đảm an ninh mạng. Tuy nhiên, trong hoạt động thực tế của xã hội, an ninh mạng và an toàn thông tin trong môi trường mạng thực chất là 2 mặt không thể tách rời của một vấn đề.
Cụm từ an ninh mạng và an toàn thông tin thường xuyên được đề cập đến trong nghiên cứu, triển khai, tại các hội thảo quốc tế và tài liệu chuyên môn trong nước và thế giới. Năm 2015, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật An toàn thông tin mạng và luật này cũng đề cấp đến vấn đề an ninh mạng.
Ngược lại trong dự thảo lần thứ 14 của Luật An ninh mạng cũng đề cập nhiều đến an toàn thông tin trên môi trường mạng. Do vậy, nội dung dự thảo Luật An ninh mạng nên được tích hợp vào Luật An toàn thông tin mạng 2015, trình Quốc hội xây dựng dự án sửa đổi bổ sung Luật An toàn thông tin mạng 2015 và  đổi tên thành Luật An ninh mạng và An toàn thông tin trong môi trường mạng.

Các tin khác