Hợp tác công nghệ Việt Nam-Nhật Bản: "Đánh chiếm" thị trường nhân lực

(ĐTTCO)-Tại sự kiện Ngày công nghệ thông tin Nhật Bản mới đây tại Hà Nội, đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho hay, vào năm 2015, quốc gia này “thiếu hụt khoảng 170.000 nhân lực công nghệ thông tin và con số này sẽ tăng lên 590.000 người vào năm 2030.”
Hợp tác công nghệ Việt Nam-Nhật Bản: "Đánh chiếm" thị trường nhân lực

Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác công nghệ thông tin Việt Nam-Nhật Bản cho rằng, đây là điểm mà doanh nghiệp Việt cần hết sức lưu ý để tạo lợi thế khi “đánh chiếm” vào thị trường này. Bên cạnh đó, cần nắm bắt công nghệ 4.0 để tăng lợi thế cạnh tranh…

- Thưa ông, thời gian qua đã đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ trong hợp tác về công nghệ thông tin giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Ông có dự báo gì trong khoảng thời gian sắp tới?

Ông Nguyễn Đoàn Hùng: Từ trước tới nay, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu gia công phần mềm cho đối tác Nhật Bản và đã có nhiều doanh nghiệp phát triển rất mạnh. 

Tuy nhiên, hiện nay phía doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam như một thị trường đang phát triển. Họ đưa các giải pháp sang Việt Nam để triển khai và họ cần có các đối tác là các doanh nghiệp địa phương. 

Bên cạnh đó, Nhật Bản đang rất thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin trẻ và có năng lực trong tiếp cận các xu hướng công nghệ mới. Đây là cơ hội mà phía doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể bổ sung đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các đối tác Nhật Bản để cùng hợp tác phát triển. 

- Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ với trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT). Vậy, cơ hội hợp tác này sẽ thế nào?

Ông Nguyễn Đoàn Hùng: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những xu hướng công nghệ mới như IoT, AI, Big Data, chuyển đổi số, sự thay đổi trong mô hình kinh doanh hợp tác sẽ mở ra những cơ hội hợp tác lớn. Đây có thể nói là tương lai của hợp tác công nghệ thông tin giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới. 

Theo khảo sát của VINASA và VJC, số lượng các dự án hợp tác sử dụng công nghệ mới đang tăng lên nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng năng lực các mảng công nghệ mới này và đã có nhiều dự án hợp tác thành công.

Việt Nam là thị trường lớn của doanh nghiệp Nhật Bản khi nhiều doanh nghiệp đã rời nhà máy sang đây. Với chính trị ổn định, nhân lực trẻ thông minh và giá thành thấp là lợi thế lớn của Việt Nam mà khó nơi nào có được.

Các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 là rất mở cho mọi người và doanh nghiệp Việt Nam nên nắm bắt những lĩnh vực này để tăng lợi thế cạnh tranh. 

- Ông đánh giá thế nào khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chờ đợi hợp đồng từ nước ngoài về mà chuyển sang lập văn phòng ở Nhật Bản?

Ông Nguyễn Đoàn Hùng: Rõ ràng đây là cơ hội tốt khi Nhật Bản rất thiếu hụt nhân lực. Theo dự báo tới năm 2025 sẽ cần khoảng 500.000 người nước ngoài vào làm việc và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, muốn làm với người Nhật Bản, phía doanh nghiệp Việt nam phải tăng cường gặp gỡ, giao lưu để hiểu về văn hóa của họ. Ví dụ như không đi trễ, nghiêm túc trong thực hiện lời hứa…

Hiện nay, không chỉ công nghệ thông tin mà nhiều ngành nghề khác cũng có thể sang Nhật Bản. Đây sẽ là cơ hội để người trẻ sang học hỏi và có thể quay trở lại đóng góp cho nền kinh tế nước nhà. 
- Theo ông, đâu là lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong hợp tác với Nhật Bản?

Ông Nguyễn Đoàn Hùng: Tôi cho rằng, lợi thế lớn nhất của chúng ta chính là nguồn lực trẻ và có ý chí cầu tiến, muốn học hỏi. Các doanh nghiệp Việt Nam đang rất tích cực để tìm hiểu và có quyết định nhanh chóng đi vào những lĩnh vực, xu hướng công nghệ mới mà Nhật Bản cũng như thế giới đang quan tâm. Với lợi thế này, không chỉ ở thị trường Nhật Bản mà các Việt Nam Việt Nam có thể tiến sang các thị trường lớn khác như Mỹ hay châu Âu…

Tuy nhiên, để phát triển mạnh ở thị trường này, nguồn nhân lực của chúng ta cần học thêm tiếng Nhật để tạo lợi thế.

- Xin cảm ơn ông!

Các tin khác