Doanh nghiệp ô tô lớn mới được giảm thuế

(ĐTTCO)-Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp về đề xuất giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô chở người dưới 9 chỗ và xe tải từ 5 tấn trở xuống theo chương trình ưu đãi thuế từ năm 2018 - 2022.
 
Đề xuất thuế mới của Bộ Tài chính khiến các chuyên gia lo ngại độc quyền, lợi ích nhóm trong ngành sản xuất ô tô VN
Đề xuất thuế mới của Bộ Tài chính khiến các chuyên gia lo ngại độc quyền, lợi ích nhóm trong ngành sản xuất ô tô VN
Đề xuất của Bộ Tài chính về việc giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô vào VN nhưng lại đặt chỉ tiêu quá cao về sản lượng mà chỉ có các doanh nghiệp lớn mới đáp ứng nổi đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối.
Giảm thuế nhập khẩu linh kiện
Trong dự thảo công văn báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến chỉ đạo về nội dung sửa đổi chính sách thuế nhập khẩu (NK) đối với linh kiện ô tô và thuế NK xe ô tô đã qua sử dụng, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) về đề xuất giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô chở người dưới 9 chỗ và xe tải từ 5 tấn trở xuống theo chương trình ưu đãi thuế từ năm 2018 - 2022.
Theo đó, cơ quan này đưa ra hai phương án giảm thuế nhằm khuyến khích DN sản xuất lắp ráp, giúp giảm chi phí, giá bán để tăng cạnh tranh với xe NK cũng như tăng sản lượng tiêu thụ. Cụ thể, phương án 1 là giảm về 0% với 163 dòng thuế linh kiện ô tô NK để lắp ráp. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14 - 16% xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn.
Phương án 2 là giảm xuống 0% với 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp (những linh kiện phụ tùng VN chưa thể sản xuất) và giảm xuống 10% với 42 dòng thuế thuộc nhóm bộ phận và phụ kiện từ các mức 15%, 20% và 25%. Theo đó, thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện xe con sẽ giảm từ 14 - 16% xuống 9 - 11% và xe tải dưới 5 tấn giảm 7,9%.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nếu thực hiện phương án 1 cho cả xe dưới 9 chỗ, loại dung tích xi lanh dưới 2.000 cc và xe tải dưới 5 tấn cho cả giai đoạn 2018 - 2022, tổng số thuế NK sẽ giảm 5.231 tỉ đồng, thuế thu nhập DN thu được do tăng sản lượng là 535 tỉ đồng. Tương tự với phương án 2, tổng số thuế NK giảm 3.505 tỉ đồng, thuế thu nhập DN thu được do tăng sản lượng 535 tỉ đồng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc giảm thuế sẽ giúp các DN VN tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi thuế NK ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về VN bằng 0%, nếu VN vẫn giữ nguyên mức thuế NK linh kiện cùng các chính sách như hiện nay, lắp ráp trong nước sẽ không hiệu quả, ô tô nhập sẽ chiếm lĩnh cả thị trường. Cũng theo ông Long, thuế là 1 trong những yếu tố cấu thành giá của một sản phẩm. Giảm thuế NK kết hợp cùng việc giảm các lệ phí khác chắc chắn sẽ kéo theo giảm giá thành xe lắp ráp tại VN.
Chỉ 3 doanh nghiệp đủ điều kiện
Đáng nói là trong đề xuất của Bộ Tài chính, để được hưởng ưu đãi thuế theo chương trình này, các DN phải đảm bảo điều kiện về sản lượng xe sản xuất lắp ráp cũng như tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước của mẫu xe cam kết trong từng năm. Cụ thể, đối với xe chở người dưới 9 chỗ, dung tích từ 2.000 cc trở xuống, tỷ lệ tăng trưởng từ 2018 - 2022 phải đạt 16%/năm, sản lượng chung tối thiểu năm 2018 đạt 34.000 xe, tổng giai đoạn 2018 - 2022 đạt 234.000 xe. Với lộ trình trên, khả năng sẽ chỉ có 3 DN đủ điều kiện tham gia chương trình.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty ô tô Xuân Kiên, hết sức phản đối điều kiện này. Theo ông, mức sản lượng chung tối thiểu mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ các DN lớn, đã hoạt động kinh doanh nhiều năm trong ngành mới đủ điều kiện đáp ứng, như vậy là không công bằng. Các DN mới muốn xây dựng thương hiệu ô tô Việt, mới bắt đầu lắp ráp ô tô tại VN làm sao đáp ứng được điều kiện 34.000 xe. Nếu không được hưởng ưu đãi, các DN này sẽ càng khó khăn hơn và giấc mơ ô tô Việt sẽ còn kéo dài.
Đồng tình, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng nói thẳng quy định này sẽ tạo độc quyền, không đem lại lợi ích chung cho xã hội và càng không có lợi cho ngành phát triển công nghiệp ô tô của VN.
“Sản xuất lắp ráp xe phải đặt tiêu chuẩn lên hàng đầu. Con số 34.000 hay 40.000 xe có ý nghĩa gì? Quan trọng chất lượng chứ không phải số lượng. Hơn nữa, nếu làm như vậy, giá xe sản xuất lắp ráp tại VN chắc chắn không thể giảm vì các DN này sẽ bắt tay nhau để giữ giá”, ông Đồng nói và đề xuất đối với những linh kiện, phụ tùng mà VN không thể đầu tư được, nên giảm thuế. Cùng với đó, nên tăng thuế gấp đôi với những loại linh kiện NK trong khi có thể sản xuất tại VN. Như vậy mới khuyến khích sản xuất phụ tùng trong nước.
“Nếu có chính sách hợp lý trong 5 năm, ngành sản xuất linh kiện của VN hoàn toàn có thể phát triển. Quan trọng là phải đảm bảo chính sách được áp dụng với tất cả các DN, như vậy mới khuyến khích nội địa”, ông Đồng nhấn mạnh.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên giảng viên Khoa Cơ khí - Đại học Bách khoa TP.HCM, góp ý thêm: Bộ Tài chính đưa chính sách miễn thuế nên phân biệt rõ ràng các xí nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô, lắp ráp ô tô tại VN do người Việt làm chủ với các DN tại VN nhưng do người nước ngoài tổ chức.
“Đối với các DN do người Việt làm chủ, nên có khuyến khích để gia tăng sản xuất trong nước, tự chủ về kinh tế. Còn các công ty ở VN nhưng người nước ngoài làm chủ, lợi tức sẽ được chuyển về nước họ, giảm thuế không mang lại lợi ích cho dân ta, nước ta”, ông nói và khẳng định nếu chỉ áp dụng ưu đãi thuế cho một vài DN, việc khuyến khích sản xuất nội địa sẽ “không ăn thua”. Như thế là khuyến khích DN nước ngoài sản xuất, đưa sẵn đầu ra là VN chứ đâu có tạo điều kiện cho DN nội phát triển.

Các tin khác