Cuộc cách mạng công nghệ 4.0: Cơ hội và thách thức

(ĐTTCO)-Theo PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghệ 4.0) tạo ra nhiều cơ hội mới.
 
 
Lao động trẻ học tiếng Nhật tại Trung tâm Đào tạo Khu công nghệ cao TPHCM
Lao động trẻ học tiếng Nhật tại Trung tâm Đào tạo Khu công nghệ cao TPHCM
Nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho các mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh cũ.  
Lao động giá rẻ sẽ dẫn đến tụt hậu
Lợi thế lao động phổ thông giá rẻ của Việt Nam có một giai đoạn đã thu hút được khá nhiều doanh nghiệp di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang để đối phó với tình hình giá lao động tăng cao tại Trung Quốc. Trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia thực hiện chiến lược “Trung Quốc + 1” để vừa tận dụng lợi thế thị trường sản xuất của Trung Quốc, vừa bảo đảm khả năng phòng tránh các rủi ro từ thị trường tiêu thụ lớn này, Việt Nam đã có cơ hội để thu hút nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế. 
Nhưng trong xu thế của cách mạng công nghệ 4.0, những yếu tố trên không còn là lợi thế của Việt Nam. “Cách mạng công nghệ 4.0 giúp đưa ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất ở phân khúc giá trị cao quay trở lại các nước phát triển hoặc Trung Quốc để gần với thị trường tiêu thụ lớn, các trung tâm nghiên cứu triển khai và các trung tâm cung ứng nguyên vật liệu, phụ kiện”, ông Quốc cho biết.  
Trong quá trình toàn cầu hóa, cách mạng công nghệ 4.0 sẽ có tác động đáng kể đến Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Nói về thuận lợi: Kinh tế Việt Nam cũng sẽ có được các cơ hội tương tự với nền kinh tế toàn cầu khi bước vào cách mạng công nghệ 4.0 nhờ dân số trẻ, năng động với sự nhanh nhạy trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).
Nguồn lao động có trình độ chuyên môn CNTT đã phát triển mạnh mẽ, có tính đột phá trong những năm qua. Lợi thế về ngành CNTT khi được áp dụng mạnh mẽ trong các ngành khác là cơ hội cho lực lượng lao động Việt Nam tham gia vào những phân khúc tạo giá trị gia tăng cao…
Tuy nhiên, cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tạo rất nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam, xuất phát từ hiện trạng cơ cấu của nền kinh tế đang còn bất ổn. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) của các doanh nghiệp khu vực nhà nước kém so với khu vực tư nhân.
Sự bất cân bằng trong chính sách đã dẫn tới hệ số ICOR của khu vực vốn đầu tư nước ngoài FDI có sự chênh lệnh lớn so với khu vực ngoài nhà nước, mà trong đó tồn tại nhiều vấn đề trong sử dụng vốn như hiện tượng gian lận chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đã mang tính phổ biến... 
Bốn ngành trụ cột bị tác động
Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tác động mạnh tới một số ngành kinh tế cột trụ của Việt Nam như: Nhóm ngành năng lượng; nhóm ngành dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ; nhóm ngành công nghiệp chế tạo.
Ở nhóm ngành năng lượng: ngành dầu khí và ngành điện đang bị đặt trước bối cảnh giảm phát dài hạn, do xu hướng thay đổi công nghệ hướng tới hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo giúp bảo vệ môi trường…
Với nhóm ngành dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ, đây là nhóm 3 ngành xuất khẩu sử dụng nhiều lao động phổ thông giá rẻ, có giá trị xuất khẩu tăng cao nhất của Việt Nam nhưng lại bị xếp vào nhóm ngành yếu kém, giá trị gia tăng thấp nhất khu vực châu Á. Nhóm ngành này đang bị mắc kẹt giữa hai chiến lược cạnh tranh trong bẫy thu nhập trung bình: Cạnh tranh đơn hàng bằng chi phí lao động giữa các thị trường giá rẻ và cạnh tranh chi phí sản xuất bằng lao động với sản xuất bằng máy móc ở các nước phát triển.
Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tác động mạnh nhất tới nhóm ngành công nghiệp chế tạo vì nó luôn bị ảnh hưởng bởi những biến đổi của công nghệ trong kinh tế toàn cầu, cơ chế lan truyền công nghệ qua hoạt động xuất nhập khẩu.
Chính sự thay đội mạnh mẽ của công nghệ và máy móc làm cho thay đổi dòng chảy thương mại quốc tế, phân hóa lại nhu cầu lao động giá rẻ được sử dụng để sản xuất phục vụ cho các thị trường lớn. Còn với nhóm ngành điện tử, xét về năng lực sản xuất sẽ dễ dàng nhận thấy nhóm ngành này hoàn toàn bị tác động bởi các tập đoàn đa quốc gia đặt cơ sở sản xuất linh kiện điện tử và lắp ráp thành phẩm tại Việt Nam.
Năng lực sản xuất của những doanh nghiệp nội địa trong nhóm ngành này càng ngày càng thu hẹp hoặc phải đóng cửa bởi các sản phẩm công nghệ cao đòi hỏi sự đổi mới liên tục - điều mà doanh nghiệp trong nước thường bị hụt hơi trong cuộc đua về sự sáng tạo công nghệ, chất lượng và giá cả khi tham gia chuỗi cung ứng so với thị trường thế giới.
Theo ông Lê Hoài Quốc, Nhà nước phải thực hiện quyết liệt cải cách thể chế phân bổ nguồn lực đầu tư. Những nhóm ngành chủ đạo cần được tái cơ cấu mạnh mẽ, phân bố lại cơ cấu nguồn vốn đầu tư theo chỉ số hiệu quả sử dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Không chỉ bắt đầu từ việc giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường còn tồn đọng từ những giai đoạn phát triển trước, mà phải nhanh chóng tận dụng những cơ hội hợp tác quốc tế để vượt qua những thách thức trong trung và dài hạn. Nội dung của tái cơ cấu, phân phối nguồn lực xã hội theo hệ số ICOR phải gắn với mô hình tăng trưởng.

Các tin khác