Công nghiệp ô tô vướng “vòng kim cô”

(ĐTTCO) - Nghịch lý trong phát triển ngành công nghiệp ô tô suốt 20 năm qua chúng ta nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nhưng lại đánh thuế cao để hạn chế ô tô, hạn chế tắc đường. 
Kết quả quy mô thị trường ô tô quá nhỏ bé, các nhà sản xuất ô tô hàng đầu như Toyota, Honda… dù được hưởng các ưu đãi về thuế cũng không đủ động lực để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
20 năm ưu đãi bất thành 

Dù được hưởng nhiều ưu đãi về thuế nhưng các nhà sản xuất ô tô lớn của nước ngoài cũng không lôi kéo được các nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của họ đến Việt Nam, để từ đó phát triển các nhà cung ứng nội địa cấp 3, cấp 4. Điều này cho thấy những ưu đãi về thuế, đất đai cho các nhà sản xuất ô tô trong 20 năm qua dường như không phát huy tác dụng với công cuộc nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô. 

Theo các chuyên gia của Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), trong 4 mẫu xe Toyota sản xuất tại Việt Nam là Camry, Altis, Vios, Innova, từng mẫu sản xuất có sản lượng bán hàng khác nhau nên tỷ lệ nội địa hóa cũng khác nhau. Trước đây, tỷ lệ nội địa hóa lớn nhất là xe Innova, nhưng từ năm 2009 thuế tăng, nên sản lượng bán ra giảm, thời điểm nội địa hóa cao nhất của mẫu xe Innova đạt khoảng 37%.
Các phần thân xe, đế, dập, hàn chaxi, hệ thống hàn ống xả, hệ thống hàn, sơn lắp ráp nhà máy nào cũng có. Toyota cũng muốn sản xuất các cụm công nghiệp ô tô lớn nhưng khi mời gọi các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng, họ không làm vì sản lượng xe bán ra nhỏ. Kết quả hàng chục năm qua Toyota chỉ kêu gọi được nhà cung cấp Daiso đầu tư vào Khu công nghiệp Thăng Long… làm ghế.
Công nghiệp ô tô vướng “vòng kim cô” ảnh 1 Dây chuyền lắp ráp ô tô Toyota Việt Nam. 
Thực tế thời gian qua đã có nhà sản xuất linh kiện ô tô đến và hoạt động tại Việt Nam nhưng họ xuất khẩu 100%. Nhu cầu xuất khẩu hàng năm của họ đạt 2-3 tỷ USD linh phụ kiện, tức là đã hình thành công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô, nhưng họ không có kết nối với nhà sản xuất ô tô trong nước như Toyota, Honda, Huyndai, Thaco Trường Hải… mà hướng sang thị trường châu Âu. Toyota Việt Nam đã mời họ bán linh kiện nhưng họ từ chối vì phải chịu thuế nhập khẩu với hàng hóa, linh kiện nằm trong khu chế xuất. Một chuyên gia trong ngành thẳng thắn chỉ ra rằng, ô tô là sản phẩm phức tạp có khoảng 30.000 chi tiết khác nhau, trong khi xe máy, điện thoại chỉ khoảng 1.000 linh kiện. Nhà sản xuất ô tô chỉ tập trung thiết kế sản phẩm và một số cụm linh kiện chính, còn lại mua của nhà cung cấp. Nhưng quy mô thị trường ô tô nội địa quá nhỏ, ngành công nghiệp ô tô mới ở giai đoạn đầu, công nghiệp chưa phát triển đã phải mở cửa thị trường, đây là khó khăn rất lớn, thách thức sự duy trì sản xuất của DN.  Ông Vũ Quang Long, đại diện Công ty Thaco Trường Hải, cho biết là nhà sản xuất ô tô số 1 ở Việt Nam những năm qua Thaco Trường Hải đã chủ động xây dựng cụm công nghiệp ô tô ở Quảng Nam. Hiện có 23 công ty con sản xuất linh kiện phụ trợ cho Thaco Trường Hải, nhưng phần lớn các DN này nằm ở phía Bắc, lượng linh kiện, phụ tùng còn lại Thaco Trường Hải phải nhập khẩu từ nước ngoài.Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ
 Chỉ đến khi thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ về 0% (đầu 2018) đã cận kề, những nhà làm chính sách mới nhận ra một thực tế những ưu đãi về thuế cho nhà sản xuất là chưa đủ. Chiếc vòng kim cô thực sự của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chính là thị trường quá nhỏ bé nên không thể nâng tỷ lệ nội địa hóa, cần phải sớm được tháo gỡ.
Ông Phạm Anh Tuấn
Trưởng tiểu ban chính sách VAMA
Các chuyên gia cho rằng giống như các nước khác trong khu vực, muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô trước tiên sản lượng xe tăng lên sẽ kéo theo nội địa hóa, công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện từng bước được nâng cao, nhưng quá trình này cũng cần có thời gian khá dài để phát triển. Điều quan trọng nhất là cần chính sách duy trì ổn định.
Thực tế cho thấy, 4 quốc gia ASEAN có ngành công nghiệp ô tô phát triển đều đã đưa ra chính sách cụ thể hỗ trợ cho sản xuất ô tô, chẳng hạn như Thái Lan có thuế tiêu thụ đặc biệt giảm từ 30% xuống còn 17%, Indonesia cũng giảm từ 30% xuống 10%, Maylaysia thì nội địa hóa càng nhiều thuế tiêu thụ đặc biệt càng giảm. Còn ở Việt Nam, quy hoạch ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và kế hoạch hành động đã được ban hành, nhưng chính sách hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô trong nước chưa rõ ràng và cụ thể.

Ngoài ra, một số nước (như Thái Lan) luôn giữ chính sách ưu đãi lâu dài khoảng 30 năm, khiến thị trường tập trung. Trong khi đó, chính sách thuế ô tô ở Việt Nam lại thay đổi thường xuyên, đặc biệt là thuế nhập khẩu làm cho giá xe thay đổi, tâm lý người tiêu dùng cũng thay đổi. Do vậy, Việt Nam cần có chính sách thuế và các chính sách liên quan đến ô tô ổn định và đồng bộ nhằm giúp thị trường tăng trưởng bền vững.
Theo đó, đại diện VAMA đề xuất, về ngắn hạn cần giảm hoặc bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhằm giảm chênh lệch chi phí sản xuất của xe trong nước với xe nhập khẩu; đồng thời, có ưu đãi sản xuất cho các nhà sản xuất nội địa để duy trì sản xuất trong nước khi thị trường chưa đủ lớn. Về dài hạn, hỗ trợ nội địa hóa cho cả nhà sản xuất xe và nhà cung ứng nhằm cắt giảm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh.

Ngoài vấn đề về chính sách, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Thị Tuệ Anh nhấn mạnh, Việt Nam cần chủ động huy động nguồn lực, nhất là chất xám và vốn, công nghệ để thành lập các cụm công nghiệp ô tô tập trung, mà DN hỗ trợ chính là lực lượng nòng cốt và từ đó xác lập chuỗi liên kết theo chiều dọc và chiều ngang để đảm nhận vai trò nhà sản xuất, cung cấp chi tiết, linh kiện ô tô.

Các tin khác