Chuyển mạng giữ số: Người dùng sẽ là “Thượng đế?”

(ĐTTCO)-Trước đây, khi chuyển sang mạng di động khác, người dùng buộc phải thay số điện thoại thì từ 31/12 tới, họ có thể đem theo số thuê bao của mình sang nhà mạng mới.
Chuyển mạng giữ số: Người dùng sẽ là “Thượng đế?”
Với quy định này, rõ ràng người dùng sẽ được hưởng lợi và nhà mạng buộc phải thúc đẩy cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, giá thành nếu không muốn thị phần bị sụt giảm.

Thúc đẩy cạnh tranh

Nguồn tin từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho hay, theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng sẽ phải triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số di động (Mobile Number Portibility - MNP) từ ngày 31/12/2017. 

Dịch vụ chuyển mạng giữ số được triển khai trên thế giới từ những năm 1995 với cả số điện thoại cố định và số điện thoại di động. Hiện MNP đã được triển khai tại hơn 90 quốc gia, thậm chí tại một số quốc gia chuyển mạng giữ số còn được coi như một dịch vụ viễn thông cơ bản. 

Thực tế cho thấy, việc triển khai MNP sẽ giúp người dùng tự do lựa chọn dịch vụ tốt hơn mà không phải đổi số thuê bao, dễ dàng “tẩy chay” khi các nhà mạng phục vụ không tốt… Điều này sẽ khiến các nhà mạng phải dồn lực cho việc tăng cường đầu tư cho hạ tầng mạng lưới, phát triển dịch vụ để làm hài lòng và giữ chân khách hàng.

Đối với nhà mạng, MNP sẽ giúp các nhà mạng mới (hoặc nhà mạng nhỏ) có thể đưa ra những chính sách phù hợp để “giành giật” thuê bao với các “ông lớn” trên thị trường. Trong khi đó, việc chuyển mạng giữ số cũng giúp cơ quan quản lý quản lý tài nguyên kho số hiệu quả cũng như thêm công cụ để điều tiết thị trường phát triển bền vững.

Tháng 9/2013, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức thông qua Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam và số di động được chọn là đối tượng triển khai trước.

Theo thông tin từ VNPT, MNP tại Việt Nam triển khai theo mô hình tập trung. Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng Trung tâm chuyển mạch quốc gia để thực hiện nhu cầu chuyển mạng của tất cả các thuê bao của tất cả các mạng di động trong nước (thông qua Hệ thống xử lý chuyển mạng trung tâm). Đây cũng là nơi lưu trữ thông tin về các giao dịch chuyển mạng cũng như thông tin mạng đích mới của thuê bao chuyển mạng…

Nhà mạng chuẩn bị thế nào?

Các nhà mạng lớn tại Việt Nam đều cho biết đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số cho khách hàng theo đúng lộ trình.

Phía VinaPhone cho hay, hệ thống cổng chuyển mạng MNP đã được đơn vị này xây dựng và đã kết nối thành công với trung tâm chuyển mạng quốc gia. Theo kế hoạch, VinaPhone đang trong quá trình thử nghiệm dịch vụ với các nhà mạng khác thông qua trung tâm chuyển mạng quốc gia. 

Cùng với việc xây dựng cổng chuyển mạng có năng lực xử lý cao, VinaPhone cũng xây dựng các quy trình, quy định cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng muốn sử dụng dịch vụ này. Trong đó, VinaPhone nghiên cứu đưa ra các quy định cơ bản về tiếp nhận và thực hiện thủ tục chuyển mạng nhanh chóng với mức phí chuyển mạng hợp lý; điều chỉnh quy trình, hệ thống tính cước… để sẵn sàng cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số cho khách hàng.
Nhà mạng này cũng tuyên bố sẽ triển khai nguyên tắc “một cửa.” Theo đó, khách hàng chỉ cần đến cửa hàng giao dịch của VinaPhone trên toàn quốc để làm thủ tục chuyển mạng. Trong đó, thuê bao cần thực hiện đúng và đẩy đủ các cam kết với nhà mạng gốc (thanh toán hết cước phí nợ đọng, thực hiện đầy đủ cam kết của các chương trình khuyến mại...).

Phía MobiFone cũng cho biết đã tiến hành các bước thử nghiệm về mặt kỹ thuật của quy trình chuyển mạng giữ số. Doanh nghiệp này cũng tích cực chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt, cả kỹ thuật, dịch vụ và chăm sóc khách hàng, đáp ứng kịp thời gian chính thức áp dụng chuyển mạng giữ số trên toàn quốc.

Trong khi đó, đại diện Viettel cũng khẳng định đã cơ bản hoàn thành hệ thống kỹ thuật và đang chờ kết nối liên thông với các nhà mạng khác, sẵn sàng cung cấp dịch vụ theo lộ trình đề ra.

Các tin khác