Cần chiến lược đột phá trong kinh doanh tri thức

(ĐTTCO) - Trí thức khoa học và công nghệ trẻ trong nước vẫn chưa có đủ môi trường để phát triển và cống hiến.
Cần chiến lược đột phá trong kinh doanh tri thức

Như đã đề cập ở bài trước, do nhiều nguyên nhân, việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân quan trọng là chưa tận dụng nguồn tri thức của đội ngũ trí thức Việt trẻ trong nước và nước ngoài.

Ngày nay, công nghệ, tri thức và sáng tạo đã trở thành yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của từng quốc gia cũng như của từng doanh nghiệp. Đầu tư vào khoa học và công nghệ (KH&CN) là con đường mà hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới đều lựa chọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Ví như Hàn Quốc đã liên tục tăng tỉ lệ đầu tư vào KH&CN/GDP lên gần 5%/năm và tương lai là nước có tỉ lệ chi cho đầu tư nghiên cứu và phát triển/GDP cao nhất thế giới. Tương tự là Trung Quốc, Israel và các nền kinh tế mới nổi cũng liên tục tăng cường đầu tư vào nghiên cứu để cân bằng trình độ với những quốc gia hàng đầu thế giới.

Thu hút trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài

Một trong những định hướng lớn của Việt Nam là thu hút các trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài về phục vụ trong nước. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài, trong đó giới trí thức KH&CN có khoảng 400.000 người. Đa số họ đều có tấm lòng hướng về quê hương, muốn đóng góp công sức, chất xám cho quê hương, đất nước mà chưa có cơ hội.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, "Chúng ta chưa sử dụng hết nguồn lực này thì cực kỳ lãng phí. Các nhà khoa học trẻ muốn nhận được đặt hàng từ trong nước. Họ muốn lắng nghe, tìm hiểm xem trong nước cần gì, để từ đó nghiên cứu theo yêu cầu phát triển của Việt Nam".

Tháng 8 vừa qua, Bộ KH&ĐT đứng ra chủ trì tổ chức Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo với 100 nhà khoa học trẻ người Việt ở nước ngoài gặp gỡ, tọa đàm với 4 bộ, ngành (Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước) và 3 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh), tìm hiểu nhu cầu phát triển thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao trong nông nghiệp, đô thị thông minh...

Cơ quan quản lý cũng như giới chuyên gia KH&CN trong nước và nước ngoài kỳ vọng từ cuộc gặp gỡ này sẽ mở rộng mô hình, kết nối cộng đồng trí thức người Việt trong giới khoa học trên thế giới về đóng góp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước.

Ngoài ra, một hướng đi khác của Việt Nam trong phát triển thị trường KH&CN là đối tác công tư tại các ngành kinh tế quan trọng. Việc sớm xây dựng công thức đối tác công tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như của doanh nghiệp.

Tín hiệu mới nhất là vừa qua Tập đoàn VinGroup công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp, với mục tiêu đến năm 2028, VinGroup sẽ trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế. Trọng điểm là thành lập 2 viên nghiên cứu lớn về công nghệ có 2 người đứng đầu là GS Vũ Hà Văn và GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ đều là những nhà khoa học người Việt nhiều năm làm việc ở nước ngoài và ghi dấu ấn trong cộng đồng KH&CN thế giới. Đây được coi như tín hiệu vui của thị trường KH&CN Việt Nam.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết, chiến lược của VinGroup không chỉ thúc đẩy thị trường KH&CN trong nước mà còn lôi kéo, thu hút được nguồn tri thức từ nước ngoài về cống hiến cho đất nước.

Bộ KH&CN định hướng ưu tiên, khuyến khích các tập đoàn có cơ sở nghiên cứu. Bởi lẽ, bên cạnh việc đầu tư của Nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp chủ động đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu để định hướng nghiên cứu gắn với sản phẩm chiến lược của tập đoàn là rất quan trọng.

Chưa tận dụng hết nguồn tri thức trong nước

Nhiều chuyên gia cho rằng, thu hút được nguồn trí thức Việt ở nước ngoài về cống hiến là rất tốt, tuy nhiên, bản thân nguồn trí thức trẻ ở trong nước hiện nay vẫn chưa tận dụng được còn là sự lãng phí lớn hơn.

Môi trường nghiên cứu KH&CN tại Việt Nam chưa tạo đủ điều kiện để đội ngũ trí thức trẻ phát triển và cống hiến trong khi trí thức KH&CN trẻ người Việt được đánh giá cao trên trường quốc tế. Nhiều người nắm giữ vị trí cao, vị trí chủ chốt về khoa học công nghệ ở các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên giới cho thấy, để phát triển các doanh nghiệp mạnh về ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN, cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ngay từ giai đoạn khởi nghiệp.

Mặc dù việc đầu tư và phát triển các doanh nghiệp này còn gặp nhiều rủi ro và thất bại, thế nhưng hiệu ứng và sức lan tỏa của các dự án cộng đồng cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức, tinh thần làm việc và ý thức khởi nghiệp.

"Nếu thành công, các dự án sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho xã hội như tạo công ăn việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm và mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho quốc gia. Các tập đoàn lớn hiện nay như Google, Facebook, Microsoft, Ebay, Apple... đều được bắt nguồn từ ý tưởng của những người còn rất trẻ và cũng đều trải qua giai đoạn là các công ty đổi mới sáng tạo nhỏ lẻ", ông Phạm Hồng Quất cho hay.

"Con đường để phát triển nền kinh tế mạnh và bền vững, bắt kịp xu hướng thế giới chính là dựa trên các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ các doanh nghiệp này, cùng với chính sách thu hút và đào tạo trí thức xuất sắc, viễn cảnh để hình thành nên những công ty, tập đoàn mang tầm vóc khu vực và thế giới là hoàn toàn khả thi", ông Quất nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần tăng cường đầu tư vào giáo dục đào tạo nhằm tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của CMCN 4.0. Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn lớn tham gia vào đầu tư dạy nghề, xây dựng giáo trình, chương trình đào tạo theo nhu cầu thực tế sản xuất của doanh nghiệp.

"Tập trung đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo tại các viện nghiên cứu, trường đại học công nghệ, công nghiệp, các trường dạy nghề để đạt trình độ quốc tế theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển - ứng dụng KH&CN", TS Hoàng Xuân Hòa nêu ý kiến.

Theo PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, một yêu cầu mang tính chiến lược với Việt Nam là xây dựng một nền kinh tế giáo dục tiên tiến, ngang tầm với tiêu chuẩn của thế giới nhằm đào tạo ngày càng nhiều cá nhân có tư duy sáng tạo, có kỹ năng đầy đủ để có thể làm việc trong hệ thống thế giới phẳng, toàn cầu hóa.

"Cần đề xuất một định hướng chính sách mang tính "đột phá chiến lược", đó là chiến lược kinh doanh tri thức đối với cộng đồng nghiên cứu tại đại học và viện nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật", PGS-TS Đặng Ngọc Dinh cho biết.

Các tin khác