Bỏ và giảm cước roaming: Từ Đông Dương đến châu Âu

(ĐTTCO) - Sau gần 1 thập niên đàm phán, ngày 16-6 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức bỏ cước chuyển vùng quốc tế (roaming). 
Bỏ và giảm cước roaming: Từ Đông Dương đến châu Âu
Theo đó, công dân 28 nước thành viên EU không bị tính thêm phí chuyển vùng cho các cuộc gọi và tin nhắn SMS ở nước ngoài khi di chuyển trong khu vực EU. Trước EU đúng nửa năm, 3 nhà mạng ở Đông Dương là Viettel (Việt Nam), Metfone (Campuchia) và Unitel (Lào) đã làm việc đó. 
Nơi đầu tiên thế giới bỏ cước roaming
Từ 1-1-2017, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel chính thức bỏ cước roaming giữa 3 mạng di động MetFone, Unitel và mạng Viettel. Với chính sách này, khi thuê bao các mạng này thực hiện cuộc gọi, nhắn tin sang thuê bao những mạng kia, cước phí chỉ bằng mức trong nước bình thường. Cụ thể cước gọi giữa 3 mạng này chỉ còn khoảng 2.000 đồng/phút; cước nhắn tin là 500 đồng/1 tin nhắn; được nhận cuộc gọi và tin nhắn miễn phí. Rẻ hơn rất nhiều so với trước kia. 
Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel cho biết, trên thế giới hiện chưa có vùng kinh tế nào thực hiện bỏ cước roaming. Ngay cả EU cũng đã bàn đến vấn đề này từ lâu nhưng chưa thực hiện được. Nhiều quốc gia trong liên minh châu Âu không có biên giới cứng, nhưng khi ra khỏi biên giới thì cuộc gọi sẽ bị tính cước roaming quốc tế với mức 2USD/phút và cước roaming data đắt hơn 500 lần cước data ở Việt Nam. 
Việc Viettel bỏ cước roaming giữa các mạng di động của mình ở Lào, Campuchia và Việt Nam, khiến khu vực Đông Dương là nơi đầu tiên trên thế giới thực hiện chính sách này. Sau Viettel, nhà mạng Axita của Campuchia cũng tiến hành xem xét bỏ cước roaming. Tiếp đó, VNPT và MobiFone cũng đã kiến nghị lên Bộ TT-TT xin được bỏ cước roaming với các mạng di động ở Lào và Campuchia như Viettel đã thực hiện. Một hiệu ứng dây chuyền đã diễn ra. 
Lúc đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, bên cạnh thể hiện đúng cam kết của Chính phủ Việt Nam với lãnh đạo các nước Lào, Campuchia nhằm tạo điều kiện giao thương kinh tế, văn hóa giữa 3 nước; việc Viettel bỏ cước roaming giữa 3 nước Đông Dương chắc chắn sẽ tác động đến các khối kinh tế trên thế giới, và chính sách này có thể sớm lan tỏa.
Năm 2013, EU đã muốn thực thi nhiều chính sách nhằm đạt được mục tiêu hạ thấp mức cước chuyển vùng khu vực, ngang bằng phí chuyển vùng nội địa kể từ năm 2005. Theo tính toán, việc chấm dứt các loại phí roaming sẽ khiến doanh thu các nhà mạng sụt giảm 2%. Châu Âu đã trải qua nhiều năm liền thắt chặt các chính sách quản lý nhằm chấm dứt tình trạng người tiêu dùng, đặc biệt là những người thường xuyên đi công tác nước ngoài hoặc những người đi du lịch “hoảng hốt” với mức phí viễn thông sử dụng tại châu Âu. 
Tuy vậy, các quan chức cho rằng về lâu dài các nhà mạng sẽ hưởng lợi với chính sách hủy bỏ phí roaming, vì khi đó người tiêu dùng sẽ sử dụng điện thoại nhiều hơn khi ở nước ngoài, đặc biệt là truy cập Internet. 
Các nhà đàm phán EU đã nỗ lực trong suốt gần một thập niên để bãi bỏ phí chuyển vùng quốc tế. Kể từ năm 2007, mức phí roaming đã giảm hơn 90%. Nhiều nhà khai thác ở Anh đã bắt đầu bỏ phí chuyển vùng cho một số quốc gia, và khách hàng của nhà mạng Three hiện có thể sử dụng số tiền trong tài khoản của họ ở 42 địa điểm. Vào tháng 5-2016, hãng Vodafone đã nối tiếp Three và loại bỏ phí roaming ở 40 địa điểm… Và phải đến ngày 16-6 vừa qua, theo kết quả bỏ phiếu của Quốc hội châu Âu hồi tháng 2-2017, EU mới chính thức bỏ cước roaming.
Tiếp theo là cước roaming dữ liệu
So với thoại và tin nhắn, cước dữ liệu (data) là phần phức tạp nhất của thỏa thuận mới tại EU, bởi các nhà cung cấp khác nhau có những chính sách sử dụng khác nhau. Đối với những người sử dụng gói cước của nhà mạng EE (Anh), dữ liệu dùng chung trong khu vực EU bị giới hạn ở mức 15GB/tháng và nếu dùng quá số này người dùng sẽ phải trả thêm. 
Tương tự, đối với hãng viễn thông Three (Anh), người dùng cũng bị giới hạn với mức 12GB (thuê bao trả sau) và 9GB (thuê bao trả trước). Trong khi đó, hai hãng viễn thông O2 và Vodafone (Anh) không có giới hạn dữ liệu thanh toán hàng tháng hoặc cho khách hàng doanh nghiệp. EU cũng quy định, cước dữ liệu được giới hạn tối đa ở mức 7,7EUR/GB và mức phí này sẽ giảm dần xuống còn 2,5EUR/GB vào ngày 1-1-2022. Nói cách khác, về dữ liệu, EU chưa bỏ hẳn phí roaming, tiến hành giới hạn và có mức cước giảm dần.
Tại Việt Nam, sau khi được quyền tự chủ, tự đàm phán với các đối tác về giá cước roaming, một cuộc đua về giảm cước roaming dữ liệu đã diễn ra. Từ 1-5, VinaPhone đã tiến hành giảm giá cước roaming dữ liệu 20-80% so với mức trước đó tại tất cả các quốc gia có đối tác của mình. Cước roaming dữ liệu mới của VinaPhone sẽ chỉ còn một mức giá 1.000 đồng/10KB chung, thay vì chia thành 5 vùng như trước đây. 
Từ ngày 20-6 đến hết ngày 15-9-2017, tất cả thuê bao trả trước và trả sau của Viettel được giảm tới 99% cước roaming dữ liệu tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Cụ thể, khi thuê bao Viettel sử dụng dịch vụ roaming dữ liệu tại các nhà mạng SKT và KTF (Hàn Quốc), Softbank và NTT Domoco (Nhật Bản), Telstra (Úc) chỉ phải trả mức cước 22 đồng/10KB, so với trước đây 2.363 đồng/10KB. Trong khi đó, đại diện mạng MobiFone cho biết đang trong quá trình đàm phán với các đối tác để sớm có gói cước roaming dữ liệu với mức giá tốt nhất cho khách hàng của mình.
Với chính sách bỏ và giảm cước roaming di động đang diễn ra của các nhà mạng di động trên thế giới cũng như ở Đông Dương hay cụ thể là ở Việt Nam, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi bởi giảm chi phí sử dụng dịch vụ viễn thông khi đi du lịch nước ngoài hay thực hiện các giao dịch quốc tế. Đó là xu hướng chung của thế giới. Và may mắn, Việt Nam một trong những nơi khởi đầu xu hướng đó.

Các tin khác