4G chưa đi vào cuộc sống

(ĐTTCO) - Theo báo cáo khảo sát về mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với dịch vụ 4G LTE tại Việt Nam do IDG thực hiện mới đây, một nửa số người dùng hiện tại chưa hài lòng về chất lượng dịch vụ 4G do các nhà mạng cung cấp. 
4G chưa đi vào cuộc sống
Vì sao như vậy, khi 4G vốn được xem là dịch vụ mới, được xã hội quan tâm, đón nhận và nhà mạng cũng đã đầu tư rất lớn?
Ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG Việt Nam và ASEAN, cho biết nghiên cứu được thực hiện trong 3 tháng, từ ngày 1-4 đến 1-7-2017 trên 13.828 người dùng dịch vụ 4G trong số 40.000 mẫu khảo sát được phát ra, tại 8 tỉnh, thành: TP Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng.
Trong số những người dùng dịch vụ 4G tham gia khảo sát có 29% sinh viên, 7% giáo viên, 25% người lao động trực tiếp, 4% người nội trợ, 1% bác sĩ, 4% kế toán, 8% kỹ sư, 20% hộ kinh doanh cá thể... Kết quả nghiên cứu cho thấy, độ tuổi từ 21-30 đang dùng 4G nhiều nhất, chiếm tới 38%; kế đó là độ tuổi 31-40, chiếm 26%; độ tuổi trên 60 có số lượng người sử dụng thấp nhất 3%.
Người dùng 4G hiện chủ yếu sống ở Hà Nội và TPHCM, chiếm tới 88%, tập trung ở giới sinh viên, người lao động trực tiếp (lái xe taxi, Uber, Grab, người giao hàng) và hộ kinh doanh cá thể. 

Khảo sát về mức độ hài lòng của người dùng với dịch vụ 4G được chia theo 3 nhóm. Cụ thể, chia theo thu nhập nhóm có thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng có mức độ hài lòng cao nhất 55%; phân chia theo nghề nghiệp nhóm lao động trực tiếp có mức độ hài lòng cao nhất 51,9%; chia theo khu vực Hà Nội có tỷ lệ hài lòng cao nhất 50,2%.
Về mức độ hài lòng của người sử dụng đối với chất lượng dịch vụ 4G (tốc độ đường truyền và cường độ sóng...), chỉ 56% người lao động trực tiếp hài lòng về chất lượng dịch vụ, còn 7% tỏ ý không hài lòng, số còn lại cho rằng chất lượng dịch vụ chỉ ở mức độ trung bình… Như vậy, nhìn tổng thể, gần 50% số người dùng 4G được khảo sát chưa hài lòng về chất lượng dịch vụ này. Dù các nhà mạng cho biết đã triển khai được 43.000 trạm thu phát sóng 4G trên toàn quốc và đảm bảo nhu cầu phục vụ khoảng 95% dân số.

Sự phát triển chậm chạp 4G ở Việt Nam còn được thể hiện ở tăng trưởng thuê bao 4G. Số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết hiện cả nước có khoảng 48 triệu thuê bao di động băng rộng (gồm 3G và 4G). Sau 9 tháng triển khai 4G tại Việt Nam, trong tổng số 6,3 triệu thuê bao đổi SIM 4G mới có 3,5 triệu thuê bao sử dụng các dịch vụ 4G. Trong 3 nhà mạng đã triển khai 4G ở Việt Nam, khảo sát của IDG cho thấy Viettel đang chiếm 52% số lượng thuê bao 4G, tiếp đến là MobiFone với 27% và VinaPhone có 21%.
Theo Cục Viễn thông, tốc độ phát triển dịch vụ 4G như vậy là chậm so với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số, cho rằng để 4G thực sự phát triển đầy đủ như kỳ vọng, ngoài việc các nhà mạng phải đảm bảo tốc độ kết nối, chất lượng dịch vụ 4G theo đúng cam kết, một hệ sinh thái, nội dung số phải được phát triển đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Khi triển khai 4G LTE vốn đầu tư cao, để thu hồi, các nhà mạng và những đối tác không còn con đường nào khác phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ nội dung, giá trị gia tăng nhằm thỏa mãn yêu cầu khách hàng, để khách hàng dùng dịch vụ dữ liệu nhiều hơn.
“4G thực sự đã tạo ra xa lộ thông tin để phát triển. Việc gia tăng thuê bao 4G với các ứng dụng video và mạng xã hội, cũng như lợi thế của kết nối 4G với các thiết bị IoT sẽ tạo tiền đề để tạo ra xu hướng bùng nổ của 4G cho sự phát triển dịch vụ nội dung số chất lượng cao trong vài năm tới” - ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo khảo sát của IDG, số lượng người dùng 4G hiện nay cho lĩnh vực giải trí chiếm tới 68%, trong đó mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất; số lượng người dùng 4G cho công việc chiếm tỷ trọng rất thấp chỉ dưới 30%. Điều đó chứng tỏ 4G chưa đi vào thực tế cuộc sống, chưa giúp ích nhiều cho công việc và đáp ứng môi trường làm việc cạnh tranh. Chỉ 29% người tham gia khảo sát trả lời 4G thực sự giúp họ trong kinh doanh như thanh toán, quảng cáo, truyền thông; có tới 56% người dùng cho biết họ dùng 4G cho quảng cáo…
Đây thực sự là những con số cho thấy dịch vụ 4G vẫn chưa phát triển như kỳ vọng ở Việt Nam. Và đó cũng là điều Bộ TT-TT, các nhà mạng cũng như đối tác dịch vụ cần phải xem xét thay đổi chính sách trong thời gian tới. Đặc biệt, các nhà mạng đã đầu tư lớn cho mạng 4G, xã hội và nền kinh tế cũng đã kỳ vọng nhiều vào 4G, chả lẽ 4G không hấp dẫn người tiêu dùng Việt Nam hơn 3G?

Các tin khác