Xé rào Siêu đòn bẩy phái sinh

(ĐTTCO) - So với tỷ lệ đòn bẩy tối đa của chứng khoán cơ sở 1:1 (có 1 đồng được vay thêm 1 đồng), tỷ lệ đòn bẩy phổ biến của chứng khoán phái sinh 1:4 (có 1 đồng được vay thêm 4 đồng) đã là cao. Nhưng hiện tại, tỷ lệ này còn có thể đẩy lên mức… vài chục lần.

Vài triệu đồng vẫn đánh được phái sinh
Để giao dịch 1 hợp đồng tương lai (HĐTL) trị giá 84 triệu đồng, thường NĐT phải “lận lưng” tối thiểu 15-20 triệu đồng, dưới số này xem như không đủ vốn. Tuy nhiên, theo những lời quảng cáo không chính thức, NĐT chỉ cần 5 triệu đồng, thậm chí 3 triệu đồng vẫn có thể thoải mái long/short HĐTL. Tính ra nếu có 3 triệu đồng vẫn giao dịch được phái sinh, tỷ lệ ký quỹ “chui” này đã lên đến… 1:27, tức cao hơn tỷ lệ thông thường 6-7 lần. Tính ra tỷ lệ này chỉ kém so với đánh ngoại hối (forex) hay trên sàn vàng cách đây 10 năm. 
Hỏi CTCK nào cung cấp và làm cách nào sẽ khá mất công, vì NĐT cũng phải chỗ quen biết, được giới thiệu và thẩm định (hoặc dò xét) kỹ lưỡng mới sử dụng. Chẳng hạn, phải giao dịch các sản phẩm phổ thông một thời gian, đủ giá trị mới được vào hàng VIP. 
Nhưng một số NĐT có thâm niên khẳng định, nếu CTCK có thể xé rào margin từ 1:1 lên 1:3 hoặc 1:4, việc xé rào phái sinh nếu có cũng là bình thường. Sự sáng tạo trong các thủ thuật xé rào của các CTCK là không giới hạn.
Xé rào Siêu đòn bẩy phái sinh ảnh 1
Còn về cách thức thực hiện, theo lý giải của A.T, một sếp môi giới giàu kinh nghiệm, CTCK có thể có 2 cách: Đầu tiên là gom tiền nhỏ của nhiều NĐT, chẳng hạn mỗi NĐT chỉ bỏ 3-4 triệu đồng chỉ cần 4-5 NĐT là đủ đi một lệnh. Hoặc cách khác là CTCK cho vay thêm và biến hóa sao đó để phần thêm này bù đắp thành vốn tự có của NĐT. Chẳng hạn, NĐT bỏ ra 3 triệu đồng, trong khi số tiền tối thiểu để mua phái sinh 15 triệu đồng, CTCK sẽ làm sao đó để 12 triệu đồng của mình thêm vào tài khoản của NĐT, sau đó tiến hành đặt lệnh. 
Khó có khả năng các CTCK lớn, thị phần dẫn đầu xé rào kiểu này, vì “tiếng dữ đồn xa” cả thị trường và cơ quan quản lý sẽ biết. Còn với các CTCK tốp dưới, nếu triển khai cũng chỉ thực hiện một phần thay vì làm đại trà. 

Mua danh mua cả rủi ro
Không quá khó để nhận ra 2 hiệu quả tức thời đạt được nhờ siêu đòn bẩy phái sinh. Đầu tiên là tên tuổi của những “nhà sáng tạo” sẽ được nhắc đến, rỉ tai nhau trong giới đầu tư, đôi khi đây lại là cách tiếp thị rất hiệu quả. Mục tiêu thứ hai là “chiêu dụ” NĐT bằng được trong việc sử dụng phái sinh. Hiện nay chỉ cần vài trăm ngàn đồng, thậm chí vài chục ngàn đồng cũng có thể mua được 10-100 CP có tên tuổi như HSG (Hoa Sen), HAG (Hoàng Anh Gia Lai), HVG (Hùng Vương)…
Vì thế, 15-20 triệu đồng để mua phái sinh có vẻ hơi đắt, nếu hạ được về vài triệu đồng đương nhiên sẽ hấp dẫn. Lợi ích trước mắt là vậy, nhưng liệu có bền lâu? Bởi lẽ triển khai phạm vi hẹp, lại chỉ trong nhóm khách hàng có vốn vài ba triệu đồng, sẽ khó lòng cho CTCK thu về những lợi ích kinh tế trước mắt. 
Thật ra, tỷ lệ ký quỹ càng cao, rủi ro mất trắng tài khoản chỉ trong chốc lát càng lớn, và khi rơi vào trạng thái như vậy không chắc NĐT có thể quay trở lại giao dịch lập tức. Trong trường hợp này, thường NĐT ít vốn mới thử thời vận như vậy. Còn nếu nhiều vốn chỉ chơi “tìm hiểu”, việc thua lỗ nhanh dễ khiến NĐT trở nên e dè.
Vả lại, nếu làm cách này, CTCK cũng chỉ hút được khách hàng nhỏ lẻ, còn khách hàng lớn sẽ rất khó. Bởi chỉ cần chục khách hàng tài khoản vài tỷ đồng yêu cầu ký quỹ với tỷ lệ hơn 1:10, CTCK sẽ không thể đáp ứng nổi. Hơn nữa, những khách hàng lớn thường đòi hỏi sự chặt chẽ, chuẩn mực, trong khi CTCK xé rào lại là hình ảnh tương phản. Và thực tế chỉ những khách hàng lớn, khách hàng VIP, giao dịch nhiều năm mới tạo ra nền tảng thị phần ổn định cho CTCK.  
Nhớ lại giai đoạn 2009-2010, khi margin chưa được luật hóa, một số CTCK đã cho vay vô tội vạ cũng bằng những hình thức sáng tạo đầy tính rủi ro của mình, để cuối cùng phải trả giá bằng nợ xấu, thậm chí mất thanh khoản. Rồi trường hợp của một CTCK vào năm 2013 đã “đi trước thời đại”, khi lập ra kho hàng với một số mã chứng khoán, rồi cho NĐT mượn để bán khống. CTCK này sau đó đã bị phạt nặng và cũng chìm luôn từ đó đến nay. 
Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng hiện các quy định đã chặt chẽ hơn, cộng với nền tảng công nghệ phát triển, nên khó có chuyện CTCK xé rào rồi lại lãnh hậu quả như xưa. Tuy nhiên, rủi ro ở đây không chỉ nằm ở những biến cố rõ ràng liên quan đến hoạt động hay thanh khoản, nếu CTCK xé rào nghĩa là tính tuân thủ quy định và quy trình kiểm soát hệ thống có vấn đề. 
 Việc xé rào cũng không thể biện minh hay thay thế bằng việc “linh hoạt”, bởi sự linh động hay linh hoạt là tận dụng những lợi thế sẵn có và đảm bảo tuân thủ. Thực tế, lịch sử trên TTCK Việt Nam cho thấy những giải pháp xé rào chưa bao giờ đem lại một kết cục tốt đẹp.

Các tin khác