Vốn ngoại sẽ ở lại

(ĐTTCO) - Năm 2018, dòng vốn ngoại ồ ạt rút khỏi TTCK châu Á do lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Điều này trái ngược hoàn toàn với động thái mua ròng tích cực của NĐTNN trong những tháng đầu năm 2019.

Năm ngoái, dù khối ngoại vẫn bơm ròng gần 43.000 tỷ đồng vào TTCK, nhưng phần lớn số tiền này chỉ đổ vào một số thương vụ thỏa thuận. Trong khi đó, các giao dịch thông qua phương thức khớp lệnh, NĐTNN bán ròng xuyên suốt cả năm với giá trị đạt 16.000 tỷ đồng.
Điều này phần nào lý giải diễn biến kém tích cực của thị trường chung do chính sách thắt chặt tiền tệ diễn ra trên toàn cầu. Tâm lý sợ rủi ro đã khiến NĐT rút vốn khỏi các thị trường mới nổi để quay về những thị trường phát triển.
Tuy nhiên, giai đoạn hồi phục mạnh của TTCK Việt Nam từ đầu năm 2019 đến nay lại có sự đóng góp không nhỏ của dòng vốn ngoại. Một trong những kênh đầu tư của NĐTNN là thông qua các quỹ ETF. Tính từ đầu năm 2019 tới nay, một số lượng lớn chứng chỉ quỹ (CCQ) ETF đã được phát hành thêm.
Cụ thể, FTSE Vietnam Index ETF, VanEck Vectors Vietnam ETF, iShares MSCI Vietnam đã phát hành thêm lượng CCQ có giá trị tương đương 469 tỷ đồng, 1.264 tỷ đồng và 97 tỷ đồng. Như vậy, tổng 3 quỹ ETF ngoại đang hoạt động trên TTCK Việt Nam đã phát hành tổng lượng CCQ có giá trị 1.831 tỷ đồng. Không chỉ TTCK Việt Nam, dòng tiền đổ vào các quỹ ETF cũng tăng mạnh tại các TTCK như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Ả Rập Saudi.
Vốn ngoại sẽ ở lại ảnh 1 Ảnh minh họa: L.THANH 
Ngay trong thời gian 2 quỹ ETF ngoại cơ cấu danh mục đầu tiên của năm 2019, nhiều quỹ đầu tư ngoại vẫn miệt mài thu gom CP trên TTCK. Đơn cử, Vietnam Growth Equity Fund (quỹ đầu tư thuộc Korea Investment Management Co. Ltd) mua vào hơn 9,5 triệu cổ phần tại CTCP Gemadept (GMD). Với số lượng CP mới vừa được mua thêm (khoảng 263 tỷ đồng), nhóm NĐT ngoại này đã nắm 5,24% cổ phần và trở thành cổ đông lớn tại GMD.
Một quỹ ngoại khác là America LLC cũng vừa trở thành cổ đông lớn tại CTCP Điện lực Khánh Hòa (KHP), sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 5,08%. Trước đó, NĐTNN đã mua gom hơn 14,6 triệu cổ phần tại CTCP Tập đoàn Masan (MSN) với giá trị lên đến 1.230,8 tỷ đồng.
Tương tự, tính từ đầu năm 2019 đến nay, CCQ ETF nội là E1VFVN30 cũng đã phát hành thêm được hơn 70 triệu CCQ (tương đương 1.000 tỷ đồng). Lượng cầu lớn E1VFVN30 cũng được đánh giá do nhu cầu lớn từ khối ngoại, trong đó chủ yếu là NĐT đến từ Hàn Quốc và Thái Lan.
Theo thống kê, NĐTNN đã mua ròng 1.121 tỷ đồng tại CCQ E1VFVN30 này kể từ đầu năm 2019 đến nay. Như vậy, tổng dòng vốn ngoại chảy vào TTCK Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư chỉ số có giá trị gần 3.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 4.000 tỷ đồng khối ngoại mua ròng (chiếm tới 75% lượng mua ròng trên sàn HOSE).
Theo nhận định của các chuyên gia CK, 2019 sẽ là năm không dễ dành cho TTCK Việt Nam khi độ bất ổn trong các vấn đề toàn cầu đang ở mức rất cao. Dù vậy, với lợi thế nền kinh tế đang vận hành tốt và ổn định, vốn ngoại không chỉ tiếp tục đổ vào mà còn ở lại lâu hơn trên TTCK thông qua các quỹ đầu tư chỉ số. Đặc biệt, với chi phí vốn rẻ ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, việc đầu tư vào E1VFVN30 vẫn có sức hấp dẫn lớn. 
Mới đây, sự kiện TS. Philipp Roesler, nguyên Phó thủ tướng Đức, về Việt Nam đầu quân cho VinaCapital Ventures, càng khiến môi trường đầu tư của Việt Nam thêm hấp dẫn dưới mắt của NĐTNN.

Các tin khác