VN Index vượt mốc 1.000 điểm: Không phải vào là thắng

(ĐTTCO) - TTCK đang nằm trong giai đoạn thăng hoa khi VN Index tăng trưởng ấn tượng, dòng tiền trong thị trường liên tục cao với mức độ hưng phấn cao độ. 
Điều này gợi nhớ về thời kỳ TTCK cách đây hơn 10 năm, nhưng thực tế này liệu có giống như vậy? ĐTTC đã trao đổi với ông LÊ ĐỨC KHÁNH, Giám đốc chiến lược thị trường CTCK Dầu khí (PSI).
PHÓNG VIÊN: - Ông nhìn nhận thế nào về TTCK những phiên gần đây? Việc chỉ số VN Index vượt mức 1.000 điểm, tương đương với cách đây 11 năm cho thấy điều gì, có gì khác so với 11 năm trước? Theo ông, đâu là tác nhân khiến TTCK tăng trưởng mạnh mẽ thời gian gần đây?
Ông LÊ ĐỨC KHÁNH: - TTCK Việt Nam năm 2017 và những phiên đầu năm 2018 đã có những bước tăng trưởng đột phá nhìn dưới góc độ vốn hóa cũng như khối lượng giao dịch trên 3 sàn. VN Index liên tiếp vượt đỉnh mới đã phản ánh nhận định nói trên.
VN Index tăng gần 50% so với năm 2016, vốn hóa toàn thị trường đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, chiếm 70% GDP. Đây có thể xem là giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ của TTCK Việt Nam. 
Về việc TTCK liên tục vượt các điểm cao mới nếu so với hơn 11 năm trước, chúng ta cần phải ghi nhận nhiều thay đổi về lượng cũng như về chất, cũng như nguyên nhân của việc tăng điểm bùng nổ của thị trường đến từ sự ổn định kinh tế, tăng trưởng GDP đạt mức cao (6,81% năm 2017), các chỉ tiêu kinh tế được đánh giá tiếp tục ấn tượng như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ số sản xuất công nghiệp PMI, dự trữ ngoại hối trong năm tới.
Đặc biệt, 2017 là năm khối ngoại giải ngân rất mạnh (khoảng 1,2 tỷ USD), có thể cho chúng ta thấy TTCK Việt Nam đang là điểm thu hút sự quan tâm từ phía các NĐT trong và ngoài nước.
VN Index vượt mốc 1.000 điểm: Không phải vào là thắng ảnh 1 Thời huy hoàng của TTCK vào năm 2007: cứ mua là thắng. 
- Cách đây hơn 10 năm, bất kỳ NĐT nào tham gia thị trường đều có thể thu được lợi nhuận khi thị trường không có sự phân hóa các loại CP, tốt xấu như nhau, mua là thắng. Còn nay thì sao, ông có khuyến cáo gì với NĐT cá nhân về những rủi ro có thể phải đối mặt? 
- Thị trường tăng điểm mạnh liên tiếp vượt đỉnh nhưng dòng tiền lại tập trung chủ yếu vào các CP lớn - các CP largecap. Năm 2018 không chỉ là năm của các IPO niêm yết mới "bom tấn" (VRE, VPB, PLX, VJC...) mà còn có các thương vụ thoái vốn nhà nước, với các giao dịch giá trị lớn như VNM, SAB...
Rõ ràng việc thị trường tăng mạnh với biên độ giao dịch lớn như chúng ta đã và đang chứng kiến, cho thấy dòng tiền lớn đang vào các CP lớn, trong khi các CP mid cap và penny lại không có sự quan tâm như vậy. 
Tôi vẫn phải nhấn mạnh các CP hàng đầu các ngành mới là các CP mạnh nhất và tăng nhiều trong các trend lớn của thị trường. Như vậy, chiến lược lựa chọn CP đầu tư như thế nào, nắm giữ bao lâu là tối quan trọng. Nếu so với thời gian trước, bây giờ chúng ta phải thay đổi quan điểm chỉ nên nắm giữ các CP chất lượng cao, có thành tích trả cổ tức ổn định qua nhiều năm, nhất là những CP thị giá còn thấp hơn so với giá trị sổ sách hay những CP có tương lai phát triển tiềm năng.
Về rủi ro đối với các NĐT cá nhân, đó là chọn sai CP hoặc bắt đáy mua vào các CP đang có chu kỳ giảm giá, hoặc đơn giản như lạm dụng đòn bẩy tài chính, giao dịch ngắn hạn. Đây có thể là những nguyên nhân khiến NĐT cá nhân thua lỗ.
- Theo ông, TTCK đang đối mặt với những thuận lợi và khó khăn gì? Ông có tin tưởng vào sự tăng trưởng bền vững của thị trường và ông dự báo VN Index sẽ đạt ngưỡng bao nhiêu điểm cuối năm nay?
- TTCK đang có nhiều cơ hội phát triển mạnh - số lượng doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn vẫn tiếp tục gia tăng, làn sóng niêm yết mới cũng như dòng tiền tham gia trên TTCK đã bắt đầu bùng nổ - cơ hội nâng hạng của thị trường cũng sẽ sớm trở nên thành hiện thực giai đoạn 2018-2020. Bên cạnh những mặt thuận lợi khó khăn đối với TTCK vẫn là các biện pháp, giải pháp hữu hiệu khiến TTCK trở nên minh bạch hơn, dễ giao dịch hơn, nhất là đa dạng hóa các sản phẩm (kể cả các sản phẩm chứng khoán phái sinh).
Quy trình công bố thông tin, chế độ kiểm toán các báo cáo tài chính cần phải thống nhất và chuyên nghiệp theo chuẩn mực quốc tế. Các quy trình, thủ tục hành chính còn phức tạp chưa khuyến khích được các NĐTNN giao dịch tại Việt Nam. Dù sao tôi cũng rất tin tưởng vào sự phát triển bền vững vào thị trường và tin rằng thị trường vẫn đang trong giai đoạn Uptrend có thể đạt ngưỡng 1.405-1.480 điểm cuối năm 2018 này.
Về những nhóm ngành sẽ có lợi thế trong năm 2018, tôi vẫn đánh giá nhóm ngân hàng, dầu khí, chứng khoán và nhóm CP hàng tiêu dùng và dịch vụ công nghiệp sẽ có lợi thế. Về một số ý kiến nhìn nhận rằng TTCK Việt Nam không còn rẻ, nhưng cũng không quá đắt, theo tôi NĐT nên quan tâm đến từng cơ hội đầu tư cụ thể hơn là thị trường chung. Dù sao nếu so sánh P/E TTCK Việt Nam so với khu vực cũng như trên thế giới, vẫn chưa quá cao.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác