VinaWealth bị phạt nặng

VinaWealth bị phạt nặng: Tiền lệ xấu cho ngành quản lý quỹ

(ĐTTCO) - Công ty quản lý quỹ (CTQLQ) VinaWealth vừa bị UBCKNN phạt nặng do công bố thông tin (CBTT) và báo cáo không đúng thời hạn; dùng vốn của khách hàng để đầu tư trái quy định của pháp luật. 

Mặc dù VinaWealth sẽ phải nộp phạt số tiền lên đến 315 triệu đồng, nhưng chắc chắn các hệ lụy từ những sai phạm không chỉ dừng tại đây. 

Mất niềm tin

Vi phạm của  VinaWealth,   một CTQLQ có thương hiệu, sẽ tạo ra tiền lệ, hình ảnh thiếu tích cực cho ngành quản lý quỹ, vốn dĩ đã rất nỗ lực trong thời gian gần đây để lấy lại phong độ.
Trước tiên, cần nhắc lại việc VinaWealth đã bị phạt hồi cuối năm 2014 cũng với lý do báo cáo không đúng thời hạn. Những vi phạm có thể xuất hiện với nguyên nhân khách quan, giống như một tai nạn. Điều này hoàn toàn dễ hiểu và thông cảm, nhưng nếu là “số nhiều” cần đặt câu hỏi về tính chuyên nghiệp, hoặc có chăng là sự cố tình vi phạm.
Mức phạt 70 triệu đồng cho báo cáo không đúng thời hạn có thể tương đối nhỏ đối với các doanh nghiệp niêm yết, nhưng với CTQLQ là con số đáng kể. Bởi lẽ nhiều CTQLQ hiện nay đang phải xoay sở, vun vén trong chi tiêu, vì nguồn thu từ phí quản lý không được dồi dào, do tỷ lệ  % trên tổng giá trị tài sản ròng (NAV) thấp và cả NAV cũng thấp.
Những sai phạm của CTQLQ khiến công ty phải nộp phạt vài chục hay vài trăm triệu đồng, đã ảnh hưởng đến thu nhập của công ty. Vậy những sai phạm của VinaWealth xuất phát từ sự cố tình, thiếu tính chuyên nghiệp hay một lý do nào khác? Nên nhớ rằng VinaWealth là thành viên của VinaCapital, một tập đoàn quản lý tài sản lớn mạnh và giàu kinh nghiệm bậc nhất trên TTCK Việt Nam. 

Vì lẽ trên, tất nhiên VinaWealth cũng sẽ thừa hưởng những gì tinh túy, tốt đẹp nhất của VinaCapital, từ tên tuổi, thương hiệu, năng lực quản lý… Cũng từ đây sẽ xuất hiện một loạt thắc mắc, vị thế của VinaWealth tại VinaCapital như thế nào? VinaCapital có chăm sóc cho thành viên VinaWealth của mình đến nơi đến chốn?
Nhưng các sai phạm không chỉ đặt ra những hệ lụy về mặt nội bộ, bởi VinaWealth đã bị phạt đến 175 triệu đồng do sử dụng vốn của khách hàng ủy thác để đầu tư trái quy định pháp luật. Có thể nói, đây là một lỗi rất nghiêm trọng, vì ngoài việc sử dụng sai vốn của những khách hàng ủy thác, những khách hàng khác và NĐT gửi tiền cho VinaWealth đầu tư cũng có thể chịu những tác động về mặt niềm tin.
Nghịch lý ở chỗ VinaWealth là bên mua (buy side), khi giải ngân thường đề ra rất nhiều hệ thống đầu tư phức tạp, chặt chẽ, lại có sai phạm về quy định đầu tư. Đây là điều không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, vốn ở đây không phải vốn tự thân của VinaWealth mà là vốn của khách hàng, nghĩa là sự nghiêm trọng còn tăng thêm nhiều lần. Liệu rằng sau sai phạm này, NĐT có yên tâm khi đặt đồng vốn của mình cho VinaWealth?
VinaWealth bị phạt nặng: Tiền lệ xấu cho ngành quản lý quỹ ảnh 1
Góc khuất ngành quản lý quỹ
Trong khoảng 12 tháng qua, suất sinh lời tính chung của ngành quản lý quỹ trong nước đạt khoảng 20%, một con số cực kỳ ấn tượng khi tỷ suất này cao gấp 3-4 lần so với việc gửi tiền ở ngân hàng. Mặt khác, trong số nhiều quỹ trong nước hiện còn hoạt động chủ yếu là quỹ mở, cũng là một loại hình quỹ mà suất sinh lời không quá cao, nên tỷ suất như vậy được xem là lạc quan.
Lý do giúp các quỹ ăn nên làm ra chắc chắn bắt nguồn từ TTCK hơn 1 năm qua diễn biến cực kỳ thuận lợi. Vậy tại sao trong giai đoạn thuận lợi như vậy VinaWealth lại có sai phạm? Bởi lẽ, những sai phạm, các hình thức lách luật có thể xuất hiện trong trường hợp doanh nghiệp, hay thậm chí các quỹ chịu sức ép, từ đó dẫn đến những hành động kiểu như xé rào quy định, hay hạ chuẩn đầu tư, hoặc có thể  chịu đựng mức rủi ro cao hơn. Trong một giai đoạn thị trường thuận lợi liệu những động thái như vậy có cần xuất hiện, và có đáng để thực hiện?

Đến thời điểm này, theo như những gì công bố không thể xác định cụ thể hơn là VinaWealth đã vi phạm những quy định gì, vào thời điểm nào. Nếu các sai phạm diễn ra trong khoảng 1 năm qua người ta có quyền đặt câu hỏi rằng, những tỷ suất sinh lời hay kết quả kinh doanh tương đối ấn tượng VinaWealth đưa ra có đến từ sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm hàng chục đơn vị này vẫn tự hào? Kết quả tốt phải đến từ giải pháp tốt, không phải từ những chiêu trò luồn lách. Còn nếu sai phạm đến từ vài ba năm trước, thực ra điều đó cũng không có gì ngạc nhiên.
Bởi lẽ, từ khoảng giai đoạn 2013-2015, các quỹ đã phải trải qua giai đoạn tái cấu trúc triệt để, các quỹ mở liên tục mở ra ưu tiên về mặt thanh khoản, NĐT có thể nộp, rút tiền nhanh chóng để vãn hồi niềm tin cho NĐT. Và tất nhiên quỹ mở cũng phải chịu sức ép lợi nhuận nên CTQLQ sẽ phải tìm mọi cách để đảm bảo tỷ suất sinh lời và có thu nhập, nhưng không phải bằng mọi giá và bất chấp các quy định của pháp luật. 

Các tin khác