VICEM xin giữ 65% vốn điều lệ sau CPH

(ĐTTCO) - Sau bài viết “Công ty con thua lỗ, nợ nần - VICEM khó cổ phần hóa (CPH)" đăng trên ĐTTC số ra ngày 17-6, tòa soạn tiếp tục ghi nhận ý kiến đại diện Tổng Công ty xi măng Việt Nam (VICEM), cho biết, quá trình CPH có thể hoàn tất trong năm 2020 (trước đó dự kiến trong năm 2019), và VICEM cũng xin giữ lại từ 51-65% vốn điều lệ sau CPH.
VICEM vẫn đang vất vả giải quyết khoản nợ hàng trăm tỷ đồng của Xi măng Sông Thao.
VICEM vẫn đang vất vả giải quyết khoản nợ hàng trăm tỷ đồng của Xi măng Sông Thao.
Lý giải về đề xuất trên, ông Bùi Hồng Minh, Tổng Giám đốc VICEM cho biết hiện nay ngành xi măng vẫn kinh doanh hiệu quả, đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các ngành khác phát triển, do đó Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chi phối chủ đạo. Ngoài ra, việc bán cổ phần VICEM cũng cần phải tính toán kỹ, bởi nếu Nhà nước không giữ được vốn VICEM sẽ bị thao túng và giá xi măng trên thị trường sẽ bị đẩy lên cao hơn so với mức giá hiện nay. 
“Bây giờ nếu để các nhà đầu tư nước ngoài tự do mua cổ phần VICEM giá bán xi măng trên thị trường chắc chắn sẽ bị đẩy lên cao, có thể bằng với giá xi măng của thị trường Philippines, tức khoảng 30 USD/tấn. Nếu như vậy người dân và các nhà đầu tư trong nước phải chịu thiệt” - ông Minh nói và cho biết dự kiến năm 2019 doanh nghiệp sẽ đạt gần 17% lợi nhuận trên vốn chủ, điều này hấp dẫn đối với thị trường khi VICEM IPO.
Liên quan đến vấn đề thua lỗ của các công ty con gây ảnh hưởng đến tiến trình CPH doanh nghiệp, đại diện VICEM thừa nhận hiện vẫn còn 4 công ty con còn lỗ lũy kế ở mức cao là Công ty xi măng Tam Điệp, Công ty xi măng Hạ Long, Công ty xi măng Sông Thao và Công ty xi măng Hải Phòng.
“Tuy nhiên, đến nay VICEM đã hoàn tất tái cấu trúc Công ty xi măng sông Thao và Công ty xi măng Hạ Long, hai đơn vị này đã đủ tiền để trả nợ cho hiện tại, trong đó riêng Công ty xi măng Hạ Long đã trả được nợ cũ cho Bộ Tài chính hơn 1.000 tỷ đồng. Còn lỗ lũy kế qua các năm các công ty phải xử lý từ từ, không thể giải quyết ngay được.
Đại diện VICEM cũng cho hay, việc đơn vị này vừa qua xin bán trụ sở 31 tầng trên khu đất vàng ở đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là để thu hồi vốn theo như lộ trình thoái vốn đã được Chính phủ và Bộ Xây dựng phê duyệt. Số vốn này VICEM sẽ dùng để đầu tư sản xuất kinh doanh, không phải dùng để trả nợ cho các công ty con.

Các tin khác