Vì sao thanh khoản tụt áp?

(ĐTTCO) - Phiên giao dịch 13-6, KLGD khớp lệnh tại sàn HOSE rơi xuống dưới mức 100 triệu đơn vị/phiên (94,4 triệu đơn vị) và GTGD cũng rớt xuống dưới ngưỡng 3.000 tỷ đồng/phiên. Đây là mức thanh khoản thấp kỷ lục sau nhiều tháng sôi động của TTCK, và câu hỏi lúc này là tiền đang ở đâu?
Vì sao thanh khoản tụt áp?
Chốt lời, bán tháo cùng lúc
Thị trường liên tục giảm, có nhiều bull trap thanh khoản thấp kỷ lục luôn tạo ra cảm giác chán chường cho các NĐT. Đã có nhiều lý do được đem ra giải thích bất chấp có hợp lý hay không, tiêu biểu nhất chính là “NĐT rút tiền để cá độ bóng đá mùa World Cup”. Chuyện NĐT cá độ có thể có, nhưng tới mức tác động đến dòng tiền hàng ngàn tỷ đồng của TTCK có lẽ là không, vì có quá nhiều khác biệt.
Sau khi giảm về mức thấp nhất 916 điểm vào ngày 29-5, VN Index đã liên tục phục hồi và lên mức cao nhất 1.045 điểm vào ngày 11-6, tức đã tăng khoảng 15% về mặt điểm số, trong khi giá của nhiều CP đã phục hồi 20-30%, thậm chí còn hơn như VJC từ 138.500 đồng/CP đã tăng lên 187.000 đồng/CP, tương ứng  35%; VCB từ khoảng 47.000 đồng/CP tăng lên hơn 60.000 đồng/CP, xấp xỉ 28%; BVH từ 81.000 đồng/CP tăng trở lại 96.000 đồng/CP, tương ứng 20%...
 Mùa World Cup diễn ra vào giai đoạn giữa tháng 6, là lúc thị trường chùng xuống sau mùa đại hội cổ đông tháng 4 và tháng 5, và chờ đợi báo cáo tài chính bán niên. Đến đầu tháng 7 khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết xuất hiện, kỳ vọng tăng trở lại dẫn đến thị trường thuận lợi. Đó là lý do 3/4 kỳ World Cup 2002, 2006 và 2014 thị trường thường giảm ở vòng bảng, và tăng ở vòng đấu loại trực tiếp. Sự liên hệ giữa chứng khoán và World Cup có lẽ nên xem như chuyện trà dư tửu hậu hơn là một mối quan hệ có thể định lượng hoặc định tính.
Sau giảm mạnh, tăng nhanh đương nhiên là chốt lời, điều dễ thấy là trong bối cảnh thị trường tự thân vận động, chưa có thông tin có đủ sức nặng sẽ dẫn đến việc NĐT có xu hướng bảo toàn vốn quyết liệt hơn, nghĩa là có lãi thì bán. Thậm chí, ngay cả những NĐT “vào sau”, tức thay vì vào ở vùng sát 900 điểm, các NĐT tham gia khi VN Index tiến đến vùng 980-1.000 điểm lãi ít, thậm chí chưa có lãi, lỗ nhẹ cũng tiến hành bán ra nhằm bảo toàn vốn.  
Đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến VN Index giảm khá mạnh trong 2 phiên 12 và 14-6 khi điểm số mất đi trung bình khoảng 1,5%. Lực bán ra quyết liệt trong khi biến động giá CP rất khó lường, thông qua diễn biến của phiên 15-6, VN Index cùng một loạt CP trụ cột giảm giá gần như suốt cả phiên, nhưng đến cuối giờ lại được kéo lên bởi lực mua ATC của khối ngoại.
Tất cả những diễn biến này đều khiến cho người cầm CP chủ động bán ra giữ tiền, còn người cầm tiền chưa vội xuống tay, thanh khoản vì vậy có chiều hướng sụt giảm và thất thường. 
10 ngày cuối cùng của tháng 5, khi VN Index giảm xuống vùng 980-1.000 điểm, đã có không ít NĐT cho rằng đáy của thị trường đã tạo xong nhưng cuối cùng chỉ số này tiếp xục giảm xuống sát ngưỡng 900 điểm mới phục hồi. Trong những đợt bán tháo như vậy, lý do giải chấp (margin call) thường được nói đến nhưng chưa đủ.
Không chỉ có chiều bán ra, việc mua vào chưa được thực hiện cũng khiến cho thị trường giảm mạnh. Điều rất dễ thấy là khi NĐT cá nhân mua vào, nắm giữ CP, nhưng không có dòng tiền lớn đổ vào liên tục để giá CP tăng trở lại, tất yếu phải đem ra xả hàng trở lại.
Cùng lúc nhiều NĐT làm như vậy cũng có nghĩa là tự sát phạt lẫn nhau và dẫn đến việc cùng nhau bán tháo CP khiến thị trường giảm sâu. Cần nói rõ, sự hoảng loạn của NĐT trong một thời khắc nào đó cũng có thể khiến thị trường giảm chứ chưa cần đến CTCK phải giải chấp.

NĐTNN ghìm giá 
Vậy nên, khi thanh khoản sụt giảm như tuần rồi, lo lắng về khả năng thị trường thiếu tiền lớn để đỡ giá CP sẽ lại xuất hiện, và cũng để ngỏ về khả năng VN Index một lần nữa “lún” xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm. Một thống kê rất đáng chú ý là trong 11 phiên giao dịch đã qua của tháng 6, khối ngoại đã bán ròng 6 phiên và mua ròng 5 phiên tại HOSE, trong 2 phiên cuối tuần rồi khối này cũng liên tục bán ròng với giá trị lần lượt là hơn 1.100 tỷ đồng và hơn 500 tỷ đồng.
Dù đã mua ròng trở lại, nhưng lực mua của khối ngoại vẫn chưa mạnh, chỉ 2 phiên liên tiếp rồi lại chuyển sang bán ròng, điều này dẫn đến 2 khả năng: Thứ nhất, khối ngoại cũng muốn hiện thực hóa một phần lợi nhuận sau khi đã mua vào ở vùng giá quanh 900 điểm của VN Index vào cuối tháng 5.
Ngoài ra, khối này cũng tiến hành tái cơ cấu danh mục để chuẩn bị cho mùa báo cáo bán niên 2018 sắp tới. Tất nhiên, như đã thành một quy luật, khi khối ngoại bán ra, các NĐT khác sẽ cảm thấy lo ngại và thanh khoản vì vậy cũng sụt giảm. 
Một khả năng thứ hai cũng cần phải bàn đến chính là việc NĐTNN vẫn còn đang “thích” vùng giá CP hiện nay. NĐT cá nhân thích CP mua vào đến ngày T+3 có thể lãi được 10-20%, nhưng với NĐT tổ chức, chỉ cần 3-6 tháng lãi được 10-20% cũng đã xem như thành công vang dội. Vậy nên, nếu VN Index tiếp tục tăng lên 1.050 rồi 1.100 điểm quá nhanh, sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho các NĐTNN, vì thị trường tăng nhanh sẽ khó có thể đảm bảo giá trị danh mục, có thể đồng biến với thị trường. 
Có thể nói, thị trường biến động thất thường như hiện nay, giá CP đi ngang, thậm chí có thể giảm 3-5% trong phiên, rồi cuối phiên phục hồi trở lại là cơ hội quá lý tưởng để NĐTNN tiến hành mua vào. Mua vào khi thị trường lo lắng sẽ giúp cho các NĐTNN không phải trả giá cao.
Với cách mua như vậy, trong bối cảnh thị trường chưa có nhiều thông tin đặc biệt, nhiều khả năng NĐTNN sẽ còn tiếp diễn từ 1-2 tuần nữa và thanh khoản sẽ chưa thể cải thiện cho đến cuối tháng 6. Trước mắt, GTGD tại sàn HOSE nhiều khả năng sẽ dao động quanh mốc 3.500 tỷ đồng/phiên trong khoảng 10 phiên tới đây. Kèm theo đó, VN Index sẽ lại xuất hiện những phiên thử thách mốc 1.000 điểm, nhưng do thanh khoản thấp nên chỉ số này cũng có thể phục hồi ngắn đến đoạn 1.050 điểm.

Các tin khác