VHC vẫn còn rủi ro

(ĐTTCO) - VHC (CTCP Vĩnh Hoàn) là CP có khá nhiều điều kiện lý tưởng, nền tảng cơ bản tốt (là công ty xuất khẩu cá basa hàng đầu), chú trọng công tác IR (quan hệ NĐT), nên có thể hưởng lợi từ TPP hay việc nới room. Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến giá CP của VHC trong khoảng 1 năm qua sẽ thấy tiềm ẩn không ít rủi ro.

(ĐTTCO) - VHC (CTCP Vĩnh Hoàn) là CP có khá nhiều điều kiện lý tưởng, nền tảng cơ bản tốt (là công ty xuất khẩu cá basa hàng đầu), chú trọng công tác IR (quan hệ NĐT), nên có thể hưởng lợi từ TPP hay việc nới room. Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến giá CP của VHC trong khoảng 1 năm qua sẽ thấy tiềm ẩn không ít rủi ro.

Cơ bản tốt nhưng đồ thị CP không đẹp?

Cách đây nửa năm, VHC có giá tầm 3.8 và đóng cửa phiên 25-3 chỉ xấp xỉ 2.8, giảm khoảng 26%. Đầu năm nay, VHC có một đợt tăng khá mạnh từ mức dưới 2.5 lên khoảng 3.3 nhưng sau đó lại điều chỉnh trở lại. EPS 2015 của VHC đạt 3.490 đồng/CP, nghĩa là tại mức giá 2.8 P/E của CP thủy sản này chỉ xấp xỉ 8 lần, mức định giá khá hấp dẫn đối với một CP hàng đầu. Khoảng 10 ngày trước, Temasia Capital limited đã công bố việc mua vào 1 triệu CP VHC. Công ty cũng đã công bố nghị quyết chi trả cổ tức đợt 2-2015 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt, trước đó cũng tiến hành mua CP quỹ. Nổi bật hơn cả chính là việc VHC đã nới room cho khối ngoại lên 100%. Vậy tại sao đồ thị (chart) giá nói chung của VHC trong khoảng 1 năm qua lại không còn “đẹp” như giai đoạn 2014?

Giá CP của VHC có thể vẫn sẽ xuất hiện những đợt sóng nhưng khả năng có quay lại vùng giá đỉnh 4.0 như các năm trước hay không, sóng dài hay ngắn vẫn là ẩn số.

Năm 2015, doanh thu (DT) thuần của VHC đạt xấp xỉ 6.500 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng (tương đương 3%) so với năm 2014. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị phần của VHC tại các nơi như Hoa Kỳ, Canada, Hồng Công… tiếp tục được mở rộng trong năm vừa qua, và cơ cấu đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhiều khả năng cũng sẽ tăng. Về lợi nhuận, con số 320 tỷ đồng đạt được trong năm 2015 của VHC kém hơn hẳn so với hơn 460 tỷ đồng của năm 2014. Sở dĩ năm 2014 có lợi nhuận rực rỡ như vậy do có thu nhập từ việc bán nhà máy thức ăn chăn nuôi và đem về hàng trăm tỷ đồng tiền mặt cũng như lợi nhuận. Nghĩa là nếu tách riêng hoạt động không thường nhật này thì mảng cốt lõi của VHC vẫn đang tăng trưởng tốt. Có vẻ những đợt sóng của CP này có tính thời vụ ngắn và rất gấp gáp, tăng mạnh mà giảm cũng mạnh không kém. Điều này chỉ ra một sự thận trọng, e dè của một số NĐT mua VHC nhưng lại không dám giữ dài và để lãi chạy mạnh như 2014.

Đâu là rủi ro

CP có tin tốt hỗ trợ, hoạt động kinh doanh cũng ổn định, nhưng sự e dè nhiều khả năng bắt nguồn từ những cái nhìn trong tương lai của VHC. Việc không phải chịu thuế chống bán phá giá (thuế suất 0%) tại thị trường Hoa Kỳ là một lợi thế của VHC, nhưng điều này chỉ kéo dài đến hết 2016 và sang 2017 sẽ phải được xem xét lại. Thời gian gần đây, đã xuất hiện những dự báo cho rằng những thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực như Hoa Kỳ có thể xuất hiện những hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm tại Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với việc con đường đi với VHC tại thị trường Hoa Kỳ có thể gặp những rủi ro. Như vậy VHC sẽ đối mặt với rủi ro và khả năng xử lý các rủi ro này. Song nhìn vào vị thế, thương hiệu của VHC, cũng như năng lực quản trị mà tiêu biểu là khả năng lãnh đạo doanh nghiệp của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trương Thị Lệ Khanh, những người am hiểu về VHC có thể kỳ vọng những kịch bản tốt đẹp dành cho công ty trong thời gian sắp tới. Việc khối ngoại vẫn sẵn sàng “xuống tiền” mua CP này ngay cả khi diễn biến giá không thực sự tốt cũng là một minh chứng.

Dù thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 50-60% thu nhập của VHC, nhưng có lý khi lo ngại những thách thức từ thuế quan, kỹ thuật sẽ xuất hiện trong thời gian tới tại đây có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của VHC. Nhưng nhìn dưới góc độ thị trường, VHC đã phát tiết quá mạnh trong năm 2014 kể cả về lợi nhuận lẫn giá CP nên giai đoạn sau đó bị chùng xuống cũng là điều dễ hiểu. Vậy những rủi ro được đem ra lý giải có khi chỉ tóm gọn lại trong một yếu tố đó là một số NĐT đã “chán” VHC nên chờ đợi những thông tin  mạnh hơn nữa. Dường như sự tương tác giữa VHC và thị trường là chưa đồng đều. Không thể phủ nhận VHC khá minh bạch trong việc công bố thông tin, đồng thời có một mối quan hệ rất tốt với các NĐT tổ chức lẫn các chuyên gia phân tích từ quỹ và CTCK. Tuy nhiên, dấu ấn VHC để lại cho NĐT cá nhân lại không đậm nét như vậy. Mức độ xuất hiện trên truyền thông của lãnh đạo VHC cũng khá thưa thớt. Điều này một phần nào đó khiến NĐT cá nhân chỉ chú ý khi VHC nổi sóng và hệ quả là thanh khoản của CP không quá cao.

Trong thời gian tới, nếu VHC giải đáp được những thắc mắc của NĐT và thông tin xuất hiện một cách rộng rãi hơn, những nghi ngại sẽ đồng thời được giảm thiểu. Theo chiều ngược lại, nếu phía công ty vẫn tiếp tục kiệm lời, sự e dè vẫn còn đó, có lẽ giá CP của VHC có thể vẫn sẽ xuất hiện những đợt sóng nhưng khả năng có quay lại vùng giá đỉnh 4.0 như các năm trước hay không, sóng dài hay ngắn vẫn là ẩn số. Thiết nghĩ, đây là lựa chọn và cũng là quan điểm của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, sẽ là lý tưởng hơn nếu doanh nghiệp có thể vừa đẩy mạnh các thông tin đến với NĐT đại chúng lẫn các NĐT tổ chức để tạo ra hiệu ứng mạnh và đa dạng hơn là chỉ tập trung vào một bộ phận NĐT riêng biệt. 

Các tin khác