VGC khó khăn thoái vốn lần 2

(ĐTTCO) - Sau thất bại ở lần thoái vốn năm 2018, Bộ Xây dựng tiếp tục chào bán hơn 80,5 triệu cổ phần tại Tổng CTCP Viglacera (VGC) trong tháng 3 này. Tuy nhiên, cũng như lần chào bán trước, thương vụ mới này lại đối mặt nhiều thử thách do những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
NĐTNN tháo chạy   
Theo phương án thoái vốn vừa được phê duyệt, Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn giai đoạn 1 với số lượng 80,58 triệu cổ phần (tương ứng 17,97% vốn điều lệ) theo phương thức đấu giá công khai trên sàn giao dịch CK, với giá khởi điểm 23.000 đồng/cổ phần. Giá này không thấp hơn giá tham chiếu của CP VGC bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên TTCK trước ngày công bố thông tin.
Tính theo mức giá khởi điểm, giá trị chào bán số cổ phần này của Bộ Xây dựng lên tới hơn 1.853 tỷ đồng. Nếu thoái vốn thành công, Bộ Xây dựng sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ từ 241,98 triệu cổ phần (tương ứng 53,97% vốn điều lệ) xuống còn 161,41 triệu cổ phần (tương ứng 36% vốn điều lệ), và vẫn nắm quyền phủ quyết tại doanh nghiệp đầu ngành về lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. 
Điều đáng nói, trên sàn CK, VGC hiện đang giao dịch 21.400 đồng/CP, thấp hơn khoảng 7% so với giá khởi điểm Bộ Xây dựng chào bán. Thậm chí, mức chào bán này cao hơn mức giá NĐTNN vừa thoát hàng. Cụ thể, trong 2 phiên giao dịch ngày 26 và 27-2, cổ đông lớn tại VGC là Dragon Capital, đã bán ra 27 triệu CP VGC (tương đương 6% vốn điều lệ), với mức giá chỉ 20.000 đồng/CP (tương ứng tổng giá trị 887 tỷ đồng).
Sau giao dịch này, Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của VGC. Trước đó, các tổ chức ngoại gồm Grinling International Limited, Norges Bank, Vela SPC Ltd và Seren Ltd đã bán ra toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại VGC.
VGC khó khăn thoái vốn lần 2 ảnh 1 Với thương hiệu Viglacera  đang chiếm thị phần lớn trên thị trường nên lãnh đạo VGC không thoái vốn bằng mọi giá. 
Không bán bằng mọi giá
Việc giá CP VGC đang giao dịch thấp hơn giá chào bán, cộng với việc cổ đông lớn tháo chạy trước đó, đã khiến đợt thoái vốn sắp tới của Bộ Xây dựng được dự báo gặp nhiều khó khăn. Được biết, giữa năm 2018, Bộ Xây dựng cũng đã có phiên đấu giá 80,58 triệu cổ phần này với giá khởi điểm 26.100 đồng/CP (tương ứng tổng giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng), nhưng không thành công. Thời điểm đó, giá chào bán của Bộ xây dựng cũng cao hơn thị giá của VGC trên TTCK 10%. 
Trả lời về giá chào bán cao hơn thị giá, đại diện Bộ Xây dựng cho biết giá thoái vốn này không cao, bởi các sản phẩm vật liệu xây dựng mang thương hiệu Viglacera đứng đầu đối với các đơn vị xây dựng trong nước. Diện tích các khu công nghiệp của VGC cũng đứng thứ 4 với tỷ lệ lấp đầy đứng thứ nhất. VGC có những công ty con năm 2017 trả cổ tức đến 90%.
Trong trường hợp không thoái được vốn ở mức giá tối thiểu trên, Bộ Xây dựng sẽ không bán để đảm bảo giá trị doanh nghiệp và phù hợp quy định pháp luật về thoái vốn nhà nước. Nếu cần thiết, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng lại phương án thoái vốn, làm các thủ tục thoái vốn và đẩy số cổ phần ế cho đợt bán vốn năm 2019.
Cam kết không thoái vốn bằng mọi giá, phần nào cho thấy VGC vẫn đang là doanh nghiệp “đẻ trứng vàng” của Bộ Xây dựng. Bởi, dù thất bại trong đợt thoái vốn năm 2018, nhưng bù lại Bộ Xây dựng đã nhận được hàng trăm tỷ đồng tiền mặt từ cổ tức của VGC. Cụ thể, tháng 10-2018, VGC trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 9,5%. Với 241,9 triệu cổ phần đang nắm giữ, Bộ Xây dựng đã nhận được 230 tỷ đồng, trong đó khoản cổ phần chào bán bị ế thu về khoảng 76,5 tỷ đồng.

Cổ đông lo lắng
Có thể nói, việc Bộ Xây dựng không có động thái cương quyết trong việc thoái vốn khỏi VGC khiến cổ đông không vui. Bởi doanh nghiệp sẽ khó có những chính sách đột phá khi Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần khá lớn. Thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của VGC đã có dấu hiệu bị chững lại trong thời gian gần đây. Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2018, VGC đã không hoàn thành kế hoạch cả năm do lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 843 tỷ đồng (giảm 8% so với 2017).  
VGC là một trong những đơn vị lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, với các sản phẩm chủ lực như kính xây dựng (chiếm 41% thị phần), gạch ceramic (4%), gạch granite (11,2%), gạch ngói đất sét nung (45%) và thiết bị nhà tắm (9%). Thế nhưng, phần lớn mảng kinh doanh của doanh nghiệp này đều đang đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn. Đơn cử, thị trường kính xây dựng đang đối mặt với công suất dư thừa từ các nhà máy sản xuất trong nước chạy hết công suất.
Đặc biệt, thị trường kính nội địa sẽ phải chịu thêm áp lực cạnh tranh của các sản phẩm kính nhập từ các nước ASEAN được miễn thuế 0% trong năm 2018 (trước đây chịu mức thuế 5%). 
Tương tự, thị trường gạch ốp lát ceramic và granite gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt trong 2018 và các năm tới, từ sản lượng sản xuất nội địa đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ trong nước. Theo thống kê, tổng công suất các nhà máy sản xuất gạch ốp lát nội địa (hơn 60 nhà máy) tăng đột biến, từ 500 triệu m2/năm trong 2016 lên 706,5 triệu m2/năm vào cuối năm 2017. Trong khi đó, sức tiêu thụ nội địa hàng năm chỉ đạt 500-600 triệu m2/năm.
Khó khăn là vậy, nhưng kế hoạch chào bán cổ phần của Bộ Xây dựng cũng le lói tín hiệu lạc quan. Đó là sự xuất hiện của nhóm cổ đông đến từ Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã CK GEX). Được biết, toàn bộ số CP mà Dragon Papital vừa bán ra được công ty con của Gelex là Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex thu gom.
Sau giao dịch này, nhóm cổ đông của Gelex nắm giữ tổng cộng gần 44 triệu CP VGC (tương ứng 9,8% vốn điều lệ). Nếu tiếp tục mua thêm 17,97% cổ phần Bộ Xây dựng dự định bán ra, nhóm cổ đông này sẽ nắm giữ 27,7% cổ phần. Thậm chí, nhiều khả năng nhóm cổ đông này sẽ thu gom CP trên sàn để ít nhất cân bằng với tỷ lệ nắm giữ 36% của Bộ Xây dựng sau đợt thoái vốn này.    
 Nhiều cổ đông đang nắm giữ CP VGC lo sợ lịch sử sẽ lặp lại nếu đợt thoái vốn của Bộ Xây dựng tiếp tục bất thành. Sau đợt đợt thoái vốn năm 2018, giá CP VGC lao dốc khá mạnh và có thời điểm giảm xuống dưới mốc 15.000 đồng/CP.

Các tin khác