VEA “sống dựa” đối tác

(ĐTTCO) - Là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất máy nông nghiệp, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt  Nam (VEA) lại sống chủ yếu nhờ cổ tức từ các công ty liên kết. Đây có thể là lợi thế của VEA trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp đang rất phập phù.

Cốt lõi… lỗ 
VEA được thành lập năm 1990, với hoạt động chính là sản xuất động cơ và máy móc nông nghiệp. Sau gần 30 năm hoạt động và phát triển, VEA vươn lên trở thành doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh máy móc nông nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu trong nước, mở rộng xuất khẩu sang các nước trong khu vực châu Á.
Tính đến thời điểm hiện tại, VEA có 5 công ty chuyên sản xuất động cơ, máy nông nghiệp sản xuất các sản phẩm như động cơ (xăng, diezel), máy xay sát, máy phun thuốc trừ sâu… với thị trường chủ yếu tại miền Nam và một số tỉnh miền Trung. Giá trị xuất khẩu bình quân hàng năm các loại động cơ, máy nông nghiệp của VEA khoảng 30 triệu USD. 
 Ngoài yếu tố nằm ngoài kiểm soát của VEA tại các công ty liên kết là chính sách chi trả cổ tức, cổ đông của VEA cũng khó có thể tiếp cận thông tin tài chính của các doanh nghiệp liên kết do chưa là công ty đại chúng. 
Ngoài ra, VEA cũng tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô xe máy, chủ yếu lắp ráp xe ô tô tải từ dưới 1 tấn đến 33 tấn, như xe tải 2,4 tấn, xe ben 6,5 tấn, xe đầu kéo 36 tấn, cùng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như đĩa xích các loại, linh kiện xe máy. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh này không đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Thậm chí, VEA ghi nhận lỗ với mức cao nhất gần 300 tỷ đồng năm 2015 và giảm dần xuống khoảng 50 tỷ đồng năm 2017. Nguyên nhân khiến hoạt động cốt lõi của VEA sa sút nghiêm trọng do sự xuất hiện của các sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao, đặc biệt các dòng máy móc đã qua sử dụng với giá nhập khẩu cạnh tranh từ Trung Quốc. Đây là yếu tố đe dọa đến sự phát triển của VEA do sản phẩm Trung Quốc cũng đang chiếm thị phần lớn nhất trong nước.
Sống nhờ đối tác
Trong cơ cấu tài sản, các khoản đầu tư ngắn và dài hạn của VEA chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 40% giá trị tổng tài sản tại thời điểm cuối quý III-2018), trong đó đầu tư ngắn hạn tập trung chủ yếu ở các khoản tiền gửi có kỳ hạn (5.241 tỷ đồng), đầu tư dài hạn phần lớn là các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (4.862 tỷ đồng). 
VEA “sống dựa” đối tác ảnh 1 Sản xuất máy nông nghiệp - hoạt động cốt lõi của VEA đang lỗ. 
Theo thống kê, VEA có 13 công ty con, 9 công ty liên kết (7 công ty hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu) và 4 đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc khác. Trong đó, chỉ riêng lợi nhuận hạch toán từ 7 công ty liên kết hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu đã mang lại cho VEA 5.170 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2017.
Các khoản đầu tư lớn phải kể đến 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xe có động cơ, bao gồm Honda Việt Nam (3.513 tỷ đồng), Toyota Việt Nam (689 tỷ đồng) và Ford Việt Nam (550 tỷ đồng). Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2017, 3 công ty trên nắm 40% thị phần ô tô và trên 70% thị phần xe máy tại Việt Nam.
Trên thực tế, lãi tiền gửi ngân hàng không đáng kể so với khoản cổ tức VEA nhận được từ các công ty liên kết, đặc biệt từ Honda, Toyota và Ford, với tỷ lệ chia lợi nhuận 100%.
Trong đó, Toyota và Ford trả 1-2 lần/năm, Honda trả 4 lần/năm. Nhờ có lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết, lãi ròng của VEA duy trì ở mức cao, khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng trong 3 năm trở lại đây. Chỉ tính riêng trong 3 quý đầu năm 2018, VEA nhận 4.763 tỷ đồng từ hoạt động liên kết, giúp lãi ròng đạt 4.844 tỷ đồng, cao hơn 35% so với cùng kỳ và cơ bản hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận được giao cả năm 2018.

“Chơi dao 2 lưỡi"
Cổ tức từ công ty liên kết có thể giúp NĐT quên đi hoạt động kinh doanh cốt lõi đang bê bết của VEA. Thế nhưng, đây cũng chính là yếu tố có thể mang đến rủi ro trong tương lai, nếu các doanh nghiệp thay đổi chính sách chi trả cổ tức, và quan trọng là thị trường xe máy đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, nhất là sau khi Vingroup giới thiệu 2 mẫu xe điện. 
Tại ĐHCĐ thường niên 2018 được tổ chức ngày 29-6 vừa qua, đã có nhiều cổ đông chất vấn HĐQT VEA về khả năng tăng trưởng của công ty khi thị trường xe máy liên quan đến công ty liên kết là Honda đã bão hòa, và tỷ lệ xe ga trên thị trường đang đứng ở mức cao.
Trước câu hỏi khó này, ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch HĐQT, thừa nhận phải sau năm 2020, tùy thuộc vào nhiều yếu tố và chính sách VEA sẽ có định hướng phù hợp. Hiện tại, mục tiêu 2 năm tới của VEA là cơ bản ổn định như 2017-2018.
Không chỉ thiếu tầm nhìn dài hạn, hoạt động điều hành của HĐQT VEA còn thiếu chuyên nghiệp trong công tác tổ chức ĐHCĐ, thậm chí trong các lời hứa hẹn của lãnh đạo.
Trong cơ cấu cổ đông, Bộ Công Thương hiện sở hữu khoảng 88,5% vốn điều lệ của VEA sau đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tháng 8-2016, với 11% số cổ phần đã được bán cho các NĐT.
Bộ Công Thương dự kiến tiếp tục bán 52,47% cổ phần nhằm hạ tỷ lệ nắm giữ về mức 36% trong năm 2018 theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Chính phủ. Tại ĐHCĐ thường niên 2018, ban lãnh đạo VEA cho biết phương thức thoái vốn sẽ được thực hiện theo hình thức khớp lệnh, hoặc đấu giá công khai và chuyển niêm yết từ UPCoM sang HOSE ngay trong năm 2018. Đây là những thông tin khiến cổ đông kỳ vọng VEA sẽ có đợt sóng tăng giá.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, thông tin về lộ trình thoái vốn vẫn chưa được công bố, còn kế hoạch chuyển niêm yết cũng không được doanh nghiệp đề cập.  

Các tin khác