“Vàng trắng” hồi sinh?

(ĐTTCO) - Cao su thiên nhiên từng được ví như “vàng trắng” do dễ sống, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ban đầu thấp, lại thích hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm của nước ta. 
Thế nhưng việc giá mủ cao su lao dốc trong những năm gần đây khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên toàn cầu đạt 12,5 tỷ USD, trong đó Đông Nam Á vẫn là khu vực sản xuất và xuất khẩu chính của cao su thiên nhiên. Top 5 các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới bao gồm Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Bờ Biển Ngà (châu Phi).
Trong đó, chỉ riêng Thái Lan và Indonesia đã đạt 7,7 tỷ USD (chiếm đến 65% tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới). Về nhập khẩu, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Nhật Bản và Ấn Độ tiếp tục là các quốc gia hàng đầu nhập khẩu cao su thiên nhiên. Trong đó, Trung Quốc - quốc gia sản xuất ô tô lớn nhất thế giới - đứng đầu với 3,3 tỷ USD (chiếm 26,7% tổng kim ngạch nhập khẩu thế giới). 

Chính vì vậy, Trung Quốc luôn là tâm điểm và cũng là yếu tố quyết định về giá của thị trường cao su thiên nhiên. Theo nhận định của Commerzbank, nếu nhu cầu vẫn giữ được tăng trưởng, cao su sẽ được tiêu thụ nhiều hơn để đáp ứng hoạt động sản xuất lốp xe.
Chính phủ Hoa Kỳ mới đây cũng đã chính thức không áp đặt thuế chống bán phá giá đối với lốp xe tải và xe buýt có xuất xứ từ Trung Quốc, điều này sẽ kích thích thị trường săm lốp tại Trung Quốc và tác động tích cực tới triển vọng giá cao su trong thời gian tới. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ chính của các doanh nghiệp cao su thiên nhiên Việt Nam. 
“Vàng trắng” hồi sinh? ảnh 1 
Giá cao su thiên nhiên thế giới đã giảm mạnh kể từ năm 2011 và chỉ mới phục hồi trở lại trong năm 2016. Nguyên nhân chính vẫn là hiện tượng cung vượt quá cầu, tồn kho cao su tại các quốc gia sản xuất lớn ở mức cao. Ngoài ra, kinh tế thế giới trong giai đoạn 2014-2015 cũng có nhiều bất ổn như giá dầu giảm mạnh, bong bóng bất động sản và TTCK lao dốc tại Trung Quốc…
Theo nhận định của CTCK MB (MBS), giá cao su ít có khả năng giảm trong thời gian tới do tình hình thời tiết khắc nghiệt, năng suất suy giảm. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên khi Hoa Kỳ đã gỡ bỏ lệnh chống bán phá giá với lốp xe tải của Trung Quốc. Doanh số ô tô tại quốc gia này cao hơn kỳ vọng khiến các nhà phân tích nhận định ngành ô tô sẽ lấy lại tốc độ tăng trưởng.
Ngoài ra, những chính sách kích thích kinh tế Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump và sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao. Theo thông tin từ Hiệp hội Các nước xuất khẩu cao su thiên nhiên thế giới (ANRPC), giá cao su thiên nhiên sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới, và khó có thể giảm lại trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh. Nhiều khả năng, giá cao su thiên nhiên sẽ tăng trở lại trong quý III.

Giá cao su tăng đã giúp các doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khá tích cực. Trái ngược với sự trầm lắng trước đó, diễn biến tích cực giá cao su đã mang lại sự khởi sắc cho nhóm CP cao su. Theo thống kê, CP ngành cao su đã có đợt tăng giá mạnh trong những tháng đầu 2017 trước diễn biến tăng mạnh của giá cao su thế giới.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay nhóm CP cao su tăng trung bình 15%: DPR tăng 13,5%, PHR tăng 25,5%, TNC tăng 12%... Dù ghi nhận được mức tăng khá ấn tượng nhưng với diễn biến giá cao su thế giới như hiện nay, nhóm CP cao su vẫn được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2017.
Theo MBS, nhóm CP cao su phần lớn có nền tảng cơ bản tốt nhưng mức định giá khá thấp so với thị trường chung, do tác động của đợt giảm giá cao su trước đây. Hiện giá của các công ty cao su niêm yết đang ở mức PE 10x và PB trong khoảng từ 0,6-1x.

Các tin khác