Ván bài “săn” công ty chứng khoán Việt

(ĐTTCO) Với chiến lược M&A "âm thầm đeo bám, chờ con mồi suy kiệt rồi ra đòn quyết định", không ít chủ ngoại đã dễ dàng thâu tóm nhiều công ty chứng khoán Việt Nam.
Ván bài “săn” công ty chứng khoán Việt
Những chuyến “săn mồi” thành công

Trong những năm gần đây, vốn ngoại âm thầm “nuốt” nhiều công ty chứng khoán Việt Nam thông qua việc mua gom cổ phiếu của các cổ đông nội địa. Một trong những điểm chung là trước khi bị thâu tóm, các công ty chứng khoán Việt đa phần là các công ty nhỏ, sức ảnh hưởng trên thị trường mờ nhạt, làm ăn thua lỗ triền miên... và khi công ty mục tiêu "thoi thóp", đó là lúc kẻ săn mồi lộ diện và ra đòn. Thương vụ gần đây nhất là Công ty Chứng khoán Aizawa (Nhật Bản) đã thâu tóm thành công và chính thức trở thành chủ mới tại Công ty Chứng khoán Nhật Bản (JSI).

Trước khi bị Aizawa thâu tóm, JSI liên tục làm ăn thua lỗ, nên vốn chủ sở hữu dần teo tóp. Theo báo cáo tài chính năm 2017 đã kiểm toán, JSI lỗ lũy kế hơn 11,3 tỷ đồng sau 2 năm 2017 và 2016 liên tiếp thua lỗ, khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 30,3 tỷ đồng khi kết thúc năm 2017. Bởi vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã yêu cầu JSI phải có biện pháp khắc phục tình trạng vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định, không đảm bảo hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, do vốn kinh doanh không đủ theo quy định, JSI phải ngừng cung cấp nhiều dịch vụ vốn được coi là "cửa sống" chính công ty chứng khoán như dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin)... Ngoài ra, JSI còn bị tạm ngừng giao dịch trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE).

Đỉnh điểm khó khăn của JSI rơi vào thời điểm cuối năm 2017, đầu năm 2018, và đó cũng là lúc Aizawa lộ diện. Sau khi được UBCK chấp thuận cho các cổ đông của JSI chuyển nhượng toàn bộ 80,5% cổ phần cho Aizawa, hoạt động đổi chủ tại JSI diễn ra nhanh chóng. Đến ngày 13/6/2018, JSI có 3 cổ đông, trong đó Aizawa là cổ đông tổ chức nước ngoài, cũng là cổ đông lớn duy nhất với tỷ lệ sở hữu 95% cổ phần, 2 cổ đông cá nhân người Việt Nam là Phan Thanh Lệ Hằng và Nguyễn Hữu Thái lần lượt sở hữu 3% và 2% cổ phần.

Do việc thay đổi cổ đông lớn cũng như cơ cấu cổ đông, HĐQT JSI đề nghị triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường lần 1 năm 2018 diễn ra vào ngày 29/6. Đại hội đã bầu ra 6 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023, trong đó bà Nguyễn Thị Thu Trang là người Việt Nam duy nhất, các nhân sự còn lại đều là người có quốc tịch nước ngoài, với Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc (kiêm là người đại diện pháp luật) cùng là người Nhật Bản, đó là các ông Atsuhiko Haruyama và Tsuyoshi Imai. Để tránh bị ngừng hoạt động do vốn chủ sở hữu không đảm bảo theo quy định và trên cơ sở phương án đã được ĐHCĐ bất thường thông qua, chủ mới tại JSI đang chuẩn bị tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ...

Một điểm chung khác trên thị trường M&A các công ty chứng khoán Việt Nam là sau khi thâu tóm thành công, chủ ngoại đã tiến hành đổi tên công ty như là một cách xác lập vị thế của chủ mới, đánh dấu "sự chuyển mình" của doanh nghiệp.

Thành lập văn phòng đại diện tại TP.HCM măm 2010, khi đó, Công ty Đầu tư Shinhan thuộc Tập đoàn Tài chính Shinhan (Hàn Quốc) có mục tiêu tìm hiểu về thị trường tài chính và ngành chứng khoán Việt Nam. 5 năm sau, Công ty Đầu tư Shinhan hoàn tất mua lại 100% cổ phần Công ty Chứng khoán Nam An và đổi tên thành Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam. Quá trình Công ty Đầu tư Shinhan mua lại cổ phần của Chứng khoán Nam An được nhìn nhận là khá thuận lợi, vì khi đó Nam An đang ở tình trạng làm ăn yếu kém kéo dài, đường hướng phát triển mịt mờ…

Cũng trong tình cảnh kinh doanh không mấy khởi sắc, sức ảnh hưởng trên thị trường mờ nhạt, sự rút lui của các cổ đông trong nước tại Công ty Chứng khoán Đệ Nhất (FSC) đã mở đường cho cổ đông ngoại là Công ty Chứng khoán Yuanta đến từ Đài Loan vào thế chân.

Đây là bước ngoặt để FSC đổi tên thành Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) kể từ đầu năm 2018, sau khi cổ đông ngoại âm thầm mua gom cổ phiếu từ các cổ đông nội địa. ĐHCĐ thường niên 2018 của YSVN mới đây đã thông qua phương án tăng vốn đầy tham vọng là phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phần (tỷ lệ 3:7) cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng và cổ đông nước ngoài có thể sở hữu đến 100% vốn điều lệ.

Trước các thương vụ M&A trên, nhiều năm qua, quá trình M&A trong khối công ty chứng khoán tuy không rầm rộ, nhưng cổ đông ngoại đều thành công, để từ đó xuất hiện ngày càng nhiều các công ty chứng khoán có chủ ngoại như Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, Công ty Chứng khoán Funan, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam…

3 bước trong chiến lược M&A công ty chứng khoán Việt

Thực tiễn thị trường cho thấy, quá trình M&A khối công ty chứng khoán diễn ra theo 3 bước, trong đó sự xuất hiện của các chủ ngoại gần như 100% đến từ khu vực châu Á, mà đa phần là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản...

Bước đầu tiên là cổ đông ngoại mua một lượng cổ phiếu nhất định tại công ty chứng khoán Việt Nam trong vài năm để nắm bắt nội tình của công ty mục tiêu, đồng thời đảm bảo việc thua lỗ không ảnh hưởng đáng kể đến phần vốn góp đó. Cũng trong thời gian này, cổ đông ngoại làm quen với văn hóa kinh doanh, cũng như đánh giá tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bước tiếp theo là chờ đợi thời điểm "sức khỏe" doanh nghiệp mục tiêu suy kiệt nhất do làm ăn bi bét, cổ đông ngoại mới chính thức lộ diện để mua gom lượng lớn cổ phiếu từ các cổ đông trong nước với giá “mềm”.

Bước thứ ba là hậu M&A. Sau khi mua gom cổ phiếu từ các cổ đông nội địa để sở hữu đến 100% vốn hoặc gần như nắm đại đa số cổ phần tại công ty mục tiêu, cổ đông ngoại tiến hành tăng vốn, đồng thời đổi tên và nhận diện thương hiệu, thực hiện các bước mở rộng thị trường, địa bàn hoạt động thông qua thành lập các chi nhánh, văn phòng giao dịch mới, triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới...

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hoạt động của nhiều công ty chứng khoán ngoại hậu M&A vẫn chưa thể hiện được sự lấn lướt về năng lực cạnh tranh so với các công ty chứng khoán nội địa ở top đầu. Trong số những công ty chứng khoán hình thành sau M&A với sự xuất hiện của chủ ngoại, đến nay mới có Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam đủ tiêu chuẩn tham gia thị trường chứng khoán phái sinh nhờ cổ đông ngoại bạo chi, bơm vốn mạnh. Các công ty khác còn hoạt động khá mờ nhạt, thậm chí dớp thua lỗ vẫn đeo bám, điển hình như trường hợp của YSVN.

Những tưởng cổ đông ngoại đến từ Đài Loan sẽ có “phép màu” giúp YSVN thoát lỗ, nhưng kết thúc quý I/2018, Công ty đạt 23,7 tỷ đồng doanh thu và lỗ 2,5 tỷ đồng. Với kết quả này, YSVN vẫn lỗ lũy kế. Tình trạng thua lỗ của YSVN ít nhất kéo dài hết năm nay, khi ĐHCĐ thường niên 2018 của Công ty thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với 87,3 tỷ đồng doanh thu và lỗ 23,6 tỷ đồng.

Sóng M&A công ty chứng khoán sẽ còn nổi?

Theo thống kê mới nhất của UBCK, đến hết tháng 6/2018, số lượng công ty chứng khoán đang hoạt động trên thị trường là 77 công ty. Tuy đã giảm 27% so với cuối năm 2017, nhưng con số này được nhìn nhận vẫn cao so với quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, đặc biệt khi chỉ khoảng 50% trong đó kinh doanh hiệu quả.

Trong thời gian tới, sức ép đào thải tại các công ty chứng khoán nhỏ sẽ còn gia tăng khi một số sản phẩm, nghiệp vụ mới như hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, chứng quyền có đảm bảo... được triển khai, đòi hỏi các công ty chứng khoán phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh mới đủ điều kiện tham gia. Điều này được dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động M&A trong khối công ty chứng khoán diễn ra sôi động, trong đó sự góp mặt của các nhà đầu tư ngoại - vốn được đánh giá có tiềm lực tài chính và nhiều kinh nghiệm trong triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính - chứng khoán phức tạp...

Mặc khác, guồng quay đào thải tại các công ty chứng khoán nhỏ cũng là cơ hội không thể tốt hơn để các nhà đầu tư ngoại hiện thực hóa tham vọng thâu tóm công ty chứng khoán Việt Nam. Thị trường chứng khoán Việt Nam được nhìn nhận còn nhiều tiềm năng phát triển, quá trình hội nhập với thị trường tài chính toàn cầu cũng đang được thúc đẩy, nên việc thâu tóm các công ty chứng khoán nội địa thông qua M&A được đánh giá là khả thi hơn hẳn nếu so với việc xin giấy phép thành lập mới. Ngay cả khi được cấp phép để lập công ty chứng khoán 100% vốn ngoại tại Việt Nam, thì quá trình thành lập còn nhiều thách thức hơn bởi tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí... cho nhà đầu tư ngoại, so với đi "đường tắt" M&A. 

Các tin khác