UPCoM càng phình, càng lo

(ĐTTCO) -  Trong năm 2016, thị trường UPCoM chứng kiến sự nhảy vọt về số lượng doanh nghiệp niêm yết (DNNY). Tuy nhiên, sự gia tăng về số lượng niêm yết lại không đi cùng với chất lượng, nên UPCoM vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, nhất là sau sự kiện CP “ma” MTM.

(ĐTTCO) -  Trong năm 2016, thị trường UPCoM chứng kiến sự nhảy vọt về số lượng doanh nghiệp niêm yết (DNNY). Tuy nhiên, sự gia tăng về số lượng niêm yết lại không đi cùng với chất lượng, nên UPCoM vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, nhất là sau sự kiện CP “ma” MTM.

Vượt mặt HOSE và HNX 

HNX vừa chấp thuận cho Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) được niêm yết 500 triệu CP trên UPCoM với mã VGT. Do cổ đông Nhà nước hiện đang nắm giữ gần 54% cổ phần tại Vinatex nên có thể xem đây là tổng công ty nhà nước đầu tiên niêm yết trên UPCoM.

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng DNNY trên UPCoM đạt con số 408, cao hơn so với 375 DN của sàn HNX và 321 DN trên sàn HOSE. Với đà tăng trưởng như hiện nay, dự báo giá trị vốn hóa của thị trường UPCoM có thể lên tới gần 13 tỷ USD, gấp đôi so với thị trường niêm yết của HNX hiện nay (khoảng 7 tỷ USD).

Số lượng DNNY trên UPCoM tăng đột biến nhờ hàng loạt chính sách mới, như Thông tư 115/2016/TT-BTC chính thức có hiệu lực từ ngày 1-11-2016. Theo đó, chỉ sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, NĐT mua cổ phần qua đấu giá có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM. Như vậy, con đường từ hậu IPO đến sàn CK đã được rút ngắn rất nhiều so với mức 90 ngày như quy định trước đó.

 Cùng với việc cải tiến về thủ tục hành chính giúp DN rút ngắn thời gian lên sàn, các chế tài cưỡng chế đối với việc chây ì lên sàn CK hậu IPO đã được sửa đổi theo hướng nghiêm khắc hơn. Cụ thể, ngày 1-11, Chính phủ ban hành Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK.

Một trong những nội dung được chú ý tại Nghị định 145 là việc sửa đổi khung phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, đến tính minh bạch trong hoạt động và quản trị của công ty đại chúng. Các mức phạt tiền, tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm, trong đó cao nhất phạt tiền 400 triệu đồng đối với hành vi chậm lên sàn trên 12 tháng.

Điểm yếu thanh khoản

Những chính sách trên phần nào tạo nên hiện tượng DN đổ dồn lên sàn UPCoM trong những phiên giao dịch cuối năm. Thậm chí, phiên giao dịch ngày 23-12, sàn UPCoM đón nhận cùng lúc 3 DN đăng ký mới, gồm TCTCP Thủy sản Việt Nam (Seaprodex, mã CK SEA) niêm yết 125 triệu CP, giá tham chiếu 11.400 đồng/CP; CTCP Thủy điện Sông Chảy 5 (SCH) 15 triệu CP, giá tham chiếu 10.200 đồng/CP; CTCP Cảng Thị Nại (TNP) 7,1 triệu CP, giá tham chiếu 11.700 đồng/CP.

Tuy nhiên, trong ngày chào sàn này, chỉ duy nhất mã SEA của Seaprodex được giao dịch mạnh, 2 mã còn lại vỏn vẹn 100 CP được giao dịch. Trước đó, ở phiên giao dịch ngày 22-12, sàn UPCoM cũng đã đón nhận cùng lúc 3 DNNY mới, gồm CTCP Nước khoáng Quảng Ninh (QHW) niêm yết 8 triệu CP, giá tham chiếu 12.000 đồng/CP; CTCP Rau quả thực phẩm An Giang (ANT) 6 triệu CP, giá 36.800 đồng/CP và CTCP Khai thác chế biến khoáng sản Hải Dương (KHD) 1,7 triệu CP, giá tham chiếu 36.800 đồng/CP.

Tương tự các trường hợp trên, cả 3 mã CP này đều không có thanh khoản, thậm chí không có bất cứ giao dịch nào kể từ ngày lên sàn đến nay.

Có thể nói, khó khăn nhất của UPCoM ở thời điểm hiện nay chính là thanh khoản của thị trường. Dù số lượng DN của UPCoM đã vượt qua HOSE và HNX nhưng giá trị giao dịch vẫn đứng ở mức rất thấp. Đơn cử, phiên giao dịch 23-12, giá trị giao dịch của UPCoM chỉ đạt hơn 72 tỷ đồng (tương đương 4,5 triệu CP được khớp lệnh), trong khi giá trị giao dịch của HOSE và HNX đạt lần lượt 2.302 tỷ đồng (114,6 triệu CP) và 272 tỷ đồng (28,2 triệu CP).

Thực tế, thanh khoản của UPCoM chỉ tập trung vào những CP đầu ngành, ít nhiều tạo niềm tin cho NĐT về hiệu quả đầu tư, đặc biệt là tính minh bạch trong các hoạt động, như TCTCP Cảng Hàng không Việt Nam (ACV); TCTCP Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (BHN); TCTCP Thiết bị điện Việt Nam (GEX)…

Tuy nhiên, bản thân những DN này dù được NĐT đón nhận tích cực cũng không mấy mặn mà khi niêm yết trên UPCoM. Thậm chí, nhiều DN cho rằng việc đưa CP lên giao dịch trên UPCoM là để tuân thủ các quy định niêm yết. Sau khi hội đủ các tiêu chuẩn sẽ xin chuyển lên niêm yết trên các sàn chính thức.

Sửa quy chế cho UPCoM?

Ngày 19-9, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Trần Hữu Tiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM). Trước đó, HNX ra quyết định buộc 31 triệu CP MTM phải tạm ngừng giao dịch tại sàn UPCoM với lý do để bảo vệ quyền lợi của NĐT.

Tại thời điểm bị tạm ngưng, MTM chỉ còn 2.600 đồng/CP (mất 80% giá trị so với lúc mới chính thức lên sàn). Với sự việc MTM, thị trường lần đầu tiên được chứng kiến một dạng rủi ro đã được cảnh báo từ trước. Đó là khả năng lừa đảo có chủ đích khi đưa DN không còn hoạt động, tài sản không có thật lên sàn CK, lợi dụng những quy định thông thoáng nhằm trục lợi.

Rủi ro này một lần nữa đã đặt ra vấn đề giám sát tốt hơn đối với sàn UPCoM, nhất là khi có sự tăng trưởng chóng mặt của thị trường này. Thực tế, UPCoM được xác định là một thị trường đăng ký giao dịch, nơi DN chỉ cần hoàn tất các thủ tục rất đơn giản là đưa CP vào giao dịch. Do đó, DN chỉ cần đáp ứng được các yêu cầu thông tin có xác nhận như BCTC kiểm toán, giấy phép đăng ký kinh doanh, nghiễm nhiên được chấp thuận niêm yết.

Trong khi đó, với 2 sàn HOSE và HNX, để được chấp thuận, DN phải chịu sự kiểm tra, rà soát, đối chiếu và đảm bảo hồ sơ đầy đủ của các cơ quan quản lý. Sau sự kiện MTM, nhiều ý kiến cho rằng quy chế của UPCoM cần được sửa đổi hoặc có biện pháp kiểm tra chéo, đặc biệt đối với các CTCP tư nhân vì không thể loại trừ khả năng có người chấp nhận rủi ro để lừa đảo, lập ra một công ty ma, lo lót đủ các giấy tờ rồi đưa CP lên giao dịch. Giải quyết được nút thắt này, thanh khoản của UPCoM chắc chắn sẽ được cải thiện.

Các tin khác