TVT khó tạo khác biệt

(ĐTTCO) - Một trong các công ty thành viên của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) là Tổng CTCP Việt Thắng (Vicotex), vừa được chấp thuận niêm yết trên sàn HOSE với mã TVT. 
 
TVT khó tạo khác biệt
Với mức giá chào sàn 35.000 đồng/CP, TVT được dự báo khó tạo nên sự khác biệt so với các doanh nghiệp dệt may đang niêm yết khác.
Xuất khẩu hụt hơi 

 Tổng nợ/tổng tài sản và nợ/vốn chủ sở hữu của TVT năm 2016 lần lượt là 0,65 và 1,86, cho thấy nguồn vốn hoạt động kinh doanh được tài trợ bởi vốn vay khá lớn.
Tiền thân của TVT là Việt Mỹ kỹ nghệ dệt sợi công ty (Vimytex), chuyên sản xuất sợi - dệt và in nhuộm hoàn tất, hoạt động từ năm 1962. Tháng 5-1975, Vimytex được Nhà nước tiếp quản, quốc hữu hóa và giao cho Bộ Công nghiệp nhẹ quản lý.
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp đã nhiều lần tổ chức lại sản xuất theo nhiều loại hình và tên gọi khác nhau như Nhà máy Dệt Việt Thắng, Nhà máy Liên hợp Dệt Việt Thắng, Công ty Dệt Việt Thắng, Công ty TNHH MTV Dệt Việt Thắng.
Đến tháng 6-2009, TVT được chuyển đổi thành Tổng CTCP Việt Thắng, hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Lĩnh vực chính của TVT hiện nay là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sợi và dệt may, với các sản phẩm sợi, vải mộc, vải thành phẩm và may mặc.

Cơ cấu doanh thu của TVT cho thấy thị trường trong nước vẫn là chủ lực, đóng góp trung bình hơn 61% doanh thu thuần hàng năm. Cụ thể, doanh thu từ thị trường trong nước năm 2016 của TVT đạt 1.578,3 tỷ đồng (tăng 11,71%).
Trong khi đó, doanh thu từ xuất khẩu chủ yếu từ các thị trường truyền thống như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ đều giảm do sự cạnh tranh gay gắt của các công ty nước ngoài cùng ngành và yêu cầu về các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao hơn của thị trường quốc tế. Doanh thu xuất khẩu năm 2016 đạt 913,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,65% doanh thu thuần (giảm 1,53%).
Không chỉ hụt hơi trong hoạt động xuất khẩu, TVT còn đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn nguyên liệu. Hiện TVT đang sử dụng đến 99% nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài, khiến tỷ trọng nguồn nguyên vật liệu trong giá vốn hàng bán chiếm đến 70%.
Do đó, sự biến động trong giá cả nguồn nguyên vật liệu và tỷ giá hối đoái sẽ có ảnh hưởng tương đối đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây cũng là khó khăn chung của ngành khi sản xuất nguyên phụ liệu nước ta còn yếu kém, nguyên phụ liệu nội địa khó tìm và giá thành cao hơn nguyên phụ liệu ngoại khoảng 20%.



Giá chào sàn cao?

Theo kế hoạch, 21 triệu CP TVT sẽ chào sàn HOSE trong phiên giao dịch ngày 17-7 tới với giá tham chiếu 35.000 đồng/CP. Theo TVT, mức giá này được xây dựng dựa trên so sánh với các công ty khác có hoạt động tương tự và cũng đang niêm yết trên HOSE trong niên độ tài chính 2016, như CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), CTCP Damsan (ADS), CTCP Everpia Việt Nam (EVE) và CTCP Sản xuất - Thương mại - May Sài Gòn (GMC).
Nếu so với quy mô tài sản và vốn điều lệ, TVT còn nhiều hạn chế. Cụ thể, quy mô vốn điều lệ của TVT đến cuối năm 2016 đạt 210 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của TCM 491,9 tỷ đồng và EVE 419,7 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu so sánh về lợi nhuận TVT nhỉnh hơn. Nhưng cần biết rằng lợi nhuận sau thuế năm 2016 của TVT 118,79 tỷ đồng, bao gồm phần lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng dự án bất động sản tại 102 Đặng Văn Bi (Thủ Đức) 25 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của TVT không thật sự ấn tượng. Có thể nhận thấy điều này qua kế hoạch kinh doanh năm 2017. Theo đó, dự kiến doanh thu năm 2017 tăng 2,61% (đạt 2.557 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm hơn 19% (đạt 95 tỷ đồng).

Như vậy mức giá chào sàn của TVT tương đối cao nếu so với các doanh nghiệp còn lại như TCM 30.000 đồng/CP, EVE 20.000 đồng/CP, ADS 19.000 đồng/CP, GMC 30.000 đồng/CP. Đặc biệt, nếu so với một công ty con của Vinatex khác là Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG), TVT gần như “lép vế”. VGG có vốn điều lệ 420 tỷ đồng nhưng doanh thu lợi nhuận đạt gấp 3 lần so với TVT.
Năm 2016, Việt Tiến đạt mức doanh thu lên đến 7.520 tỷ đồng (tăng 17%) và lợi nhuận sau thuế đạt 401 tỷ đồng (tăng 21%). Đặc biệt, 80% doanh thu của VGG đến từ thị trường xuất khẩu. Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường EU và Hoa Kỳ bão hòa cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của VGG.
Tuy nhiên, công ty đã sử dụng chiến lược nhận đơn hàng khó, có giá trị cao thay vì các đơn hàng đơn giản như trước, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường châu Á và Trung Đông, đặc biệt là thị trường Nhật Bản để bù đắp sự sụt giảm này.
Nhờ vậy, doanh thu của VGG vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các công ty cùng ngành đang niêm yết. Dù ghi nhận được kết quả cực kỳ ấn tượng nhưng VGG vẫn không thể tạo được sức hút trên TTCK khi thanh khoản vẫn rất thấp và giá CP chỉ dao động quanh mốc 60.000 đồng/CP.

Các tin khác