Tuần khắc nghiệt của thị trường

(ĐTTCO) - Tuần vừa qua có lẽ là tuần khắc nghiệt nhất của TTCK trong khoảng 2 năm gần đây khi thanh khoản ở mức cực tiểu, biến động bất thường và cũng có những cú đảo ngoạn mục. 
Tuần khắc nghiệt của thị trường
Rung lắc nhẹ, thiệt hại nặng
 VN Index khởi đầu tuần rồi ở mức trên 1.010 điểm nhưng kết thúc tuần chỉ còn trên 980 điểm. Thoạt nhìn, chỉ số của sàn HOSE “chỉ” mất hơn 2% nhưng thực tế lại không như vậy. Trong 2 phiên 18 và 19-6, VN Index mất gần 55 điểm với việc hầu hết CP bị bán ra ở mức giá thấp.
Tưởng như phiên 20-6, khi chỉ số này tăng lại gần 19 điểm sẽ kéo theo một đợt hồi phục đủ T+3, nhưng thị trường lại lao dốc trong phiên 21-6, khi giảm gần 12 điểm trước khi tăng tích cực trở lại vào ngày 22-6 với việc tăng gần 14 điểm. Từ mức giá 59.000 đồng/CP, VCB nhanh chóng giảm 2.500 đồng/CP xuống còn 56.500 đồng/CP vào ngày 18-6, và đến ngày 19-6 đã có lúc CP này giảm xuống 54.000 đồng/CP trước khi quay về tham chiếu vào cuối phiên.
Với một CP vốn hóa lớn, có tính dẫn dắt và thanh khoản cao như VCB, việc giảm “5 giá” (5.000 đồng), tương ứng tỷ lệ gần 10% chỉ trong chưa đến 2 phiên, là không hề nhỏ. VCB giảm giá không chỉ tác động đến lãi/lỗ của NĐT, còn ảnh hưởng đến điểm số chung của thị trường. Đơn cử, nếu nắm giữ khoảng 10.000 CP VCB và bán ra vào giữa phiên 19-6, NĐT coi như mất trắng 50 triệu đồng. 
Thông thường, với những CP dẫn dắt, việc tăng giá xét theo % cũng không quá mạnh, nên nhiều người sẽ sử dụng margin tối đa để mua số lượng lớn. Điều này đồng nghĩa với việc CP giảm 10% nhưng nếu sử dụng margin với tỷ lệ 1:1, tỷ lệ thua lỗ thực tế lên đến 20%. Tỷ lệ này đặt trong điều kiện nguồn vốn NĐT đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau nhiều lần thị trường sụt giảm có thể tạo nên tâm lý tiêu cực.
Điều tệ hại hơn là đến cuối phiên 19-6, đà giảm của một loạt CP đã nhanh chóng bị hãm lại, nhiều CP thoát giá sàn, người bắt đáy hỉ hả còn người lỡ bán ra ít phút trước đó lại buồn thiu. Đến cuối phiên 22-9, VCB đóng cửa ở mức 58.700 đồng/CP, nghĩa là nắm giữ CP này suốt tuần, không bán ra hay đảo hàng cũng chỉ lỗ nhẹ 300 đồng/CP.
Hệ quả, NĐT trở nên thận trọng hơn trong giao dịch các phiên 21 và 22-6 và thanh khoản khớp lệnh tại HOSE lại quay trở xuống dưới ngưỡng 3.000 tỷ đồng/phiên, khi chỉ đạt lần lượt gần 2.500 tỷ đồng và 2.800 tỷ đồng. Xét về con số, thị trường chỉ rung lắc nhẹ nhưng thiệt hại đối với NĐT lại lớn.
Nhìn vào thanh khoản, biến động của CP trong từng phiên của tuần qua, việc NĐT lỡ có cắt lỗ ngay tại mức giá đáy cũng là điều dễ hiểu, khi các nhận định tiêu cực, bi quan phủ khắp từ các bản tin của CTCK đến các diễn đàn trên mạng. 

Cheo leo 1.000 điểm
Cuối tháng 1, sau khi vượt mốc 1.100 điểm, VN Index điều chỉnh giảm trở lại, và trong phiên ngày 9-2 đã có lúc chỉ số này giảm xuống vùng 970 điểm, nhưng đến cuối phiên đã quay trở lại đóng cửa trên ngưỡng 1.000 điểm.
Như vậy, chỉ số này chỉ cần chưa đến 1 phiên để quay lại ngưỡng tâm lý quan trọng của thị trường. Ngày 22-5, VN Index một lần nữa thủng ngưỡng 1.000 điểm và phải mất đến 10 phiên để vượt qua lại ngưỡng này (ngày 4-6).
Ngày 18-6, lần thứ 3 chỉ số này lại tiếp tục thủng ngưỡng 1.000 điểm và tính đến nay có đến 5 phiên giao dịch dưới ngưỡng 1.000 điểm. Dòng tiền không còn mạnh như hồi đầu năm nên không dễ để đẩy chỉ số cũng như giá CP có thể tăng nhanh trong ngắn hạn.
Nếu vẫn đánh giá TTCK thuận lợi, việc VN Index có thể tiến sát hoặc nằm trên ngưỡng này sẽ là chỉ báo quan trọng để khẳng định sự thuận lợi đó. 2 áp lực lớn nhất đè nặng lên TTCK trong thời gian qua chính là việc bán ròng của NĐTNN cũng như việc thiếu đi một nhóm CP dẫn dắt đủ mạnh để hút dòng tiền, tạo ra cảm hứng cũng như tác động đến chỉ số. Sự giải tỏa 2 áp lực này trong thời gian tới sẽ quyết định xu hướng của thị trường. 
Thông tin FED tăng lãi suất, dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi hay TTCK Việt Nam chưa được xem xét nâng hạng, được cho là nguyên nhân quan trọng khiến khối ngoại bán ròng thời gian qua. Tuy nhiên, ngay tại trung tâm điểm của giai đoạn thông tin tiêu cực, NĐTNN đã quay trở lại mua ròng trong 2 phiên 21 và 22-6, với giá trị lần lượt 70 và 160 tỷ đồng tại HOSE.
Cần nhấn mạnh 3 thông tin được cho là “xấu” đều có điểm chung là cơ hội sinh lãi, nghĩa là dòng tiền sẽ hướng đến những thị trường sinh lãi tốt hơn và rút khỏi những thị trường thiếu tiềm năng. Như vậy, trong điều kiện TTCK Việt Nam vẫn đảm bảo cơ hội sinh lãi, doanh nghiệp niêm yết làm ăn hiệu quả, tăng trưởng và chia cổ tức cao thì không lý do gì vốn ngoại có thể rời bỏ. Một loạt  quỹ ngoại lớn, gắn bó lâu năm với TTCK Việt Nam đã liên tục công bố những nhận định tích cực cũng như niềm tin vào thị trường trong nước.
Sự trở lại đồng loạt của nhóm CP ngân hàng như VCB, CTG, HDB… trong phiên 22-6 cũng nói lên nhiều điều. So với lần VN Index giảm xuống 1.000 điểm cách đây 1 tháng, giá một loạt CP ngân hàng hiện tại đều cao hơn trung bình 10-20%. Việc CP ngân hàng dù chưa bùng nổ nhưng giá vẫn đang diễn biến theo xu hướng củng cố, ít nhất cũng tạo ra kỳ vọng thị trường sẽ đón nhận dòng tiền mang tính chất nâng đỡ và có thể chảy vào nhóm CP ngân hàng, đặc biệt khi mùa công bố BCTC quý II-2018 đang đến gần.
Dòng tiền này sẽ không mua đuổi giá hoặc đẩy, nhưng có thể sẽ ra tay trong những phiên rung lắc để đảm bảo hàng giá rẻ không bị bán tháo. Và từ dòng tiền dành cho CP ngân hàng, những CP tốt được đánh giá cao như VNM, SSI, FPT, BVH… cũng sẽ tạo ra các diễn biến tích cực khi mùa BCTC đang tới. 
 Chỉ cần khu vực 950-1.000 điểm của VN Index được giữ vững trong những phiên tới, tâm lý của thị trường sẽ sớm được củng cố. Tuy vậy, lướt T+3 hay chờ đợi có lãi sau vài phiên không phải là kỳ vọng thích hợp tại thời điểm hiện nay, bởi khả năng quay lại ngưỡng 1.000 điểm sẽ vất vả hơn trước. Cần tránh việc tăng nhanh tăng nóng nhưng sau đó lại có nhiều biến động, những cú sốc có thể gây thiệt hại nặng nề.

Các tin khác