TTCK: Tháng 8 tiền chảy vào đâu?

(ĐTTCO) - Ngân hàng, CK hay bất động sản, mid cap, penny hay blue chip… nhóm CP nào sẽ thu hút dòng tiền trong tháng 8 tới đây?
 
TTCK: Tháng 8 tiền chảy vào đâu?
Phân hóa và thử thách 

Trong suốt tháng 7, đã có những lúc VN Index điều chỉnh mạnh, ngưỡng 760 điểm đã từng bị xuyên thủng và nhiều người chờ đợi những đợt điều chỉnh sâu, nhưng rốt cuộc điều đó đã không xảy ra. Ngưỡng 760 điểm đang cho thấy khả năng hỗ trợ rất mạnh cho thị trường. Vì vậy, trong trường hợp không xuất hiện những thông tin tiêu cực, khả năng thị trường điều chỉnh sâu trong ngắn hạn tương đối khó xảy ra. Nhưng khi thị trường “không xấu” vẫn không thể giải ngân một cách thoải mái.
Trái lại, việc lựa chọn CP cực kỳ quan trọng, vì sự phân hóa trên thị trường ngày một rõ nét và mùa BCTC là thời điểm tính phân hóa thể hiện mạnh nhất. Một điểm khá thú vị là hiệu ứng của mùa BCTC quý II và nửa đầu năm 2017 diễn ra tương đối muộn màng, thay vì phản ứng từ đầu tháng 7, năm nay chỉ bắt đầu ấn tượng khoảng 10 ngày cuối tháng. 

Cuối tuần trước, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) đã công bố KQKD 6 tháng đầu năm 2017 với những con số cực kỳ ấn tượng và bất ngờ, doanh thu (DT) hợp nhất 6 tháng đầu năm tăng trưởng 28,8% so với cùng kỳ năm 2016, lợi nhuận (LN) sau thuế hoàn thành 92,3% kế hoạch năm. Tổng DT từ lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng 31,4%, hoàn thành 51,2% kế hoạch năm; tổng DT từ lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 22,3% so với cùng kỳ, bám sát kế hoạch cả năm. Tương tự BVH, sau nửa đầu năm 2017, Tập đoàn FPT cũng đạt DT hợp nhất 20.136 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016, LN sau thuế đạt 1.211 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên CP (EPS) đạt 1.747 đồng sau 6 tháng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong suốt tháng 7, BVH, FPT hay cả VNM đều thuộc nhóm CP có vốn hóa lớn và vị thế đầu ngành nhưng biến động giá chưa thực sự mạnh. Vì vậy, việc xuất hiện KQKD nửa đầu năm có thể làm tăng kỳ vọng vào nhóm blue chip này và thị trường có thể định giá cho CP một cách lạc quan hơn. 

Theo chiều ngược lại, nhóm penny và mid cap, đặc biệt những CP tăng nóng trong thời gian qua có thể vấp phải những thử thách cực kỳ cam go. Có 2 giả thiết về KQKD dành cho nhóm này. Trong trường hợp KQKD 6 tháng có thể chuyển từ lỗ năm trước sang lãi năm nay, kỳ vọng dành cho CP ít nhiều còn có thể duy trì. Nhưng riêng với trường hợp KQKD đã có lãi thời gian trước đây, trường hợp KQKD quý II-2017 không thể có đột biến nhưng giá CP tăng bằng lần thì việc điều chỉnh cũng rất dễ xảy ra. Thực tế, nếu CP đã tăng bằng lần, việc giảm vài chục % cũng là lẽ đương nhiên, vấn đề là KQKD không như kỳ vọng có thể đẩy giá CP giảm nhanh hơn, hoặc góp phần “triệt tiêu” luôn cả các ý định bắt đáy. 

Chọn mặt gửi vàng

3 nhóm CP “hot” nhất từ đầu năm gồm ngân hàng, CK và bất động sản đương nhiên sẽ nhận được nhiều sự kỳ vọng nhất trên thị trường, nhưng tùy vào từng đặc điểm và vị thế mà hiệu ứng mùa BCTC nửa năm sẽ tác động cho từng nhóm khác nhau. Đơn cử như nhóm CP CK, KQKD quý II và nửa đầu năm đương nhiên tích cực khi diễn biến thị trường thuận lợi, thanh khoản liên tục đạt 4.000-5.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí còn hơn. Trong BCTC riêng của SSI, DT của CTCK này đạt 1.312 tỷ đồng, LN trước thuế đạt 731 tỷ đồng. SSI cũng công bố LN hợp nhất trước thuế cho 6 tháng đầu năm của SSI dự kiến đạt 735 tỷ đồng.
Với kết quả này, kết thúc nửa đầu năm 2017 SSI đã hoàn thành 69,5% kế hoạch kinh doanh về LN. Tương tự, CTCK HSC cũng ghi nhận những kết quả tích cực, chẳng hạn lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, DT đạt 530 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2016 và hoàn thành 52% kế hoạch. LN sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 231 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2016, hoàn thành 64% kế hoạch cả năm 2017. 

Vấn đề nằm ở chỗ, KQKD tích cực của khối các CTCK đã được dự báo từ khá lâu và khi mùa BCTC chưa đến cũng đã xuất hiện những đợt tăng giá. Vì vậy, kỳ vọng của dòng tiền vào nhóm CP CK có thể xuất phát từ những kỳ vọng tương lai, chẳng hạn liên quan đến phái sinh, hoặc kết quả trong các hoạt động tự doanh…
Với nhóm CP CK, sự xuất hiện của VCI trên sàn (giao dịch phiên đầu tiên ngày 7-7) cũng có thể tạo ra những hiệu ứng tích cực. Hiện VCI với giá 61.000 đồng/CP trở thành CP CK có thị giá cao nhất trên thị trường, và cũng tương tự CP ngân hàng, nhóm CP CK cũng có thể xuất hiện những sự chênh lệch (gap) về thị giá và trong ngắn hạn dòng tiền cũng thể xoay vòng trong nhóm này để thu hẹp khoảng cách. 

Riêng với nhóm CP ngân hàng, theo những gì đã công bố đến thời điểm này, những CP hàng đầu như VCB, BID, CTG... đều có KQKD rất tích cực, đặc biệt ở khả năng tăng trưởng lợi nhuận. Và đây cũng là cơ sở quan trọng để dòng tiền trên thị trường dịch chuyển sang nhóm CP này. Mặt bằng của nhiều nhóm CP ngân hàng hiện nay đã có thời gian dài xoay quanh ngưỡng 2.0 và KQKD nửa đầu năm 2017 được kỳ vọng sẽ tạo một mặt bằng giá mới.
Trong khi đó, nhóm CP bất động sản lại có KQKD phân hóa khá rõ nét, và cũng vì quy mô của nhóm CP này tương đối khác biệt, nên hiệu ứng sẽ không thể mạnh như ngân hàng hay CK. Như vậy, nhóm CP ngân hàng nhiều khả năng sẽ chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ trong tháng 8 này, cộng với đó là một số blue chip có câu chuyện riêng hoặc mới lên sàn.

Các tin khác