TTCK phái sinh: Cơ hội và rủi ro đến đâu?

(ĐTTCO) - Sau 17 năm, TTCK đã phát triển nhiều mặt và đạt được mức độ ổn định và cũng bắt đầu đi vào chuyên sâu. Khi TTCK phát triển lên một độ nhất định, đòi hỏi sự hoàn thiện tiếp theo của cấu trúc thị trường. 
TTCK phái sinh: Cơ hội và rủi ro đến đâu?
Trong đó TTCK phái sinh (PS) là mảng cần thiết để hoàn thiện bức tranh tổng thể của TTCK Việt Nam nói chung. TTCKPS đem lại cơ hội cho nhà đầu tư trong hoạt động giao dịch, phòng ngừa rủi ro, kinh doanh đầu cơ dựa vào biến động giá thị trường… ĐTTC ghi nhận ý kiến của các chuyên gia liên quan đến vấn đề này.
Ông NGUYỄN ANH PHONG, Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội:

Giải pháp hạn chế rủi ro lớn nhất cho NĐT

Chức năng chính của TTCKPS là giúp NĐT phòng ngừa rủi ro. Khi NĐT có công cụ hạn chế được rủi ro, họ sẽ yên tâm đổ nhiều nguồn lực hơn về thị trường này. Điều này sẽ giúp TTCK Việt Nam có thể thu hút thêm các nguồn lực đầu tư đang còn tiềm ẩn khi các NĐT đang chần chừ tính toán muốn đầu tư vào TTCK Việt Nam. TTCKPS sẽ giúp họ yên tâm hơn khi đầu tư vào thị trường. 
TTCKPS thể hiện kỳ vọng của các NĐT nhìn nhận về TTCK cơ sở, làm cho giá hàng hóa cơ sở mang tính thị trường hơn. Theo chúng tôi, thời điểm này, khi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, TTCKPS ra đời sẽ hỗ trợ tích cực cho TTCK Việt Nam.
TTCKPS ban đầu, khá giống như một trò chơi dự báo, ai là người dự báo chuẩn và ai chịu được rủi ro đó. Có người bán và người mua, khi người mua một hợp đồng với một mức giá, bên kia nhận rủi ro về mình vì mức độ chịu đựng rủi ro khác nhau, đó là sức hấp dẫn của TTCKPS. Với cơ quan quản lý, trong việc thiết kế sản phẩm chúng tôi cố gắng tìm được điểm trung bình thị trường có thể chịu đựng được và cơ quan quản lý có thể kiểm soát được.
Đối với các NĐT, nên xác định mức độ chấp nhận rủi ro của mình, cùng với việc tìm hiểu các phương pháp giao dịch tốt nhất để tạo ra hiệu quả. Về phần chúng tôi sẽ làm tất cả những việc cần thiết để đưa ra những giải pháp kịp thời để làm sao hạn chế rủi ro lớn nhất cho NĐT, bảo vệ NĐT một cách tốt nhất.
NGUYỄN VŨ THÙY HƯƠNG, Giám đốc Khối nguồn vốn kiêm Giám đốc dự án Phái sinh CTCK Sài Gòn (SSI): 

NĐT cần lường trước rủi ro

NĐT có thể coi đây là công cụ đầu tư và sản phẩm đầu tư bình thường, khi muốn giao dịch chỉ cần mở tài khoản và cách thức đặt lệnh giống thị trường cơ sở. Điểm khác biệt là trên thị trường cơ sở tỷ lệ margin ở mức 50-50 nhưng trên thị trường phái sinh tỷ lệ margin lên đến 80-20, 70-30. Thứ hai, NĐT có thể bán tài sản khi chưa sở hữu nó, mua và bán tài sản ngay trong ngày (T+0), cơ chế mark to market nghĩa là cứ đến cuối ngày biết lỗ và lãi bao nhiêu, và lỗ lãi được hạch toán ngay trong tài khoản. 
Nếu NĐT lỗ phải nộp bổ sung thêm ký quỹ. Vấn đề NĐT cần lường trước đó là rủi ro tỷ lệ ký quỹ rất cao, có thể lỗ ngay lập tức, do đó, cần nhận thức rõ về rủi ro khi tham gia thị trường. Đối với NĐT nói chung đây vừa là cơ hội vừa là rủi ro, là công cụ phòng ngừa rủi ro với những tài sản họ nắm giữ trên thị trường cơ sở.
Ông NGUYỄN DUY HƯNG, Chủ tịch HĐQT SSI:

TTCKPS sẽ giúp NĐT có công cụ bảo hiểm rủi ro

Tại sao TTCKPS lại bắt đầu từ NĐT? Đó là vì nhu cầu lớn nhất cho NĐT là tính thanh khoản, có khả năng kiếm lợi nhuận và công cụ phòng ngừa rủi ro. Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm tài chính trá hình không được kiểm soát bởi cơ quan quản lý, nếu NĐT mất tiền lại quay ra trách UBCKNN. 
Tôi không nghĩ họ không hiểu nhưng khi margin lớn họ chấp nhận rủi ro. Nhu cầu về các sản phẩm có tính rủi ro rất cao. Và rủi ro đang rất hấp dẫn NĐT. Làm thế nào lôi cuốn được NĐT vào thị trường? TTCKPS sẽ giúp NĐT có công cụ bảo hiểm rủi ro, như trường hợp “hãy chọn giá đúng”, nếu thị trường biến động không như dự đoán, phải có công cụ để cắt lỗ.
Ông DƯƠNG NGỌC TUẤN, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD):

Ký quỹ tối thiểu 8% giá trị tài sản cơ sở

NĐT khi tham gia TTCKPS trước khi thực hiện giao dịch phải mở tài khoản ký quỹ tại các thành viên bù trừ để thực hiện ký quỹ cho VSD. Tài sản ký quỹ nộp lên VSD thông qua thành viên bù trừ, có thể bằng tiền hoặc chứng khoán. Nếu bằng tiền đã quy định cụ thể tối thiểu 8% giá trị tài sản cơ sở, phần còn lại có thể là chứng khoán, nhưng phải trong danh mục chứng khoán cho phép làm tài sản đảm bảo theo quy định của VSD. 
Khi thực hiện ký quỹ rồi NĐT mới được thực hiện giao dịch. Lệnh giao dịch của NĐT sẽ được các thành viên giao dịch chuyển vào hệ thống, hằng ngày trong phiên giao dịch khi mà kết quả giao dịch được thực hiện xong, VSD sẽ nhận kết quả giao dịch bên Sở GDCK về và thực hiện thế vị. Thế vị là giao dịch gốc của hai NĐT khớp nhau trên hệ thống chuyển về, VSD thực hiện chuyển thành giao dịch của NĐT bên bán với VSD và của NĐT bên mua với VSD. 
Lúc này, VSD trở thành đối tác trung tâm của các bên giao dịch. Với cơ chế thế vị này, VSD lúc này trở thành đối tác chính thức của các đối tượng giao dịch và là bên chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ giao dịch, trong trường hợp bên còn lại mất khả năng thanh toán VSD vẫn phải thanh toán.
Trong thanh toán của TTCKPS khác với giao dịch cơ sở. Hiện nay, trên TTCK cơ sở thời hạn thanh toán trong 2 ngày. Tuy nhiên, do tính chất của hợp đồng thời hạn của nó có thể 1, 2, 3 hay 6 tháng theo thiết kế sản phẩm nên nghĩa vụ thanh toán đến đáo hạn với kỳ hạn ngắn nhất 1 tháng cũng là cuối tháng. Bởi vậy, cần có cơ chế đảm bảo cho nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch đầu tháng nhưng cuối tháng mới thanh toán thực hiện nghĩa vụ. 
VSD sẽ theo dõi biến động giá liên tục để xác định mức ký quỹ của NĐT có đủ để thực hiện giao dịch tiếp hay không, đồng thời sẽ có cảnh báo và có cơ chế kỹ thuật để chặn ngay không cho giao dịch tiếp. Thậm chí gửi thông báo qua Sở GDCK để ngừng giao dịch của NĐT.
Hoạt động cuối ngày có xác định lại tổng giá trị ký quỹ trên tất cả tài khoản của NĐT để xác định ra thành viên bù trừ sẽ được nhận tiền nhờ các khoản lãi của khách hàng hay thành viên bù trừ phải nộp thêm tiền khi bị lỗ phải chuyển tiền về VSD để VSD chuyển cho đối tượng lãi. Khi đáo hạn, VSD sẽ tính toán ra lãi lỗ của NĐT bao nhiêu và thông báo nhà đầu tư nộp tiền vào.

Các tin khác