TTCK: Nhiều lực đẩy vẫn chưa hết lo

Ba tuần qua, TTCK biến động mạnh, từ chỗ lao dốc không phanh đến phục hồi thẳng đứng một cách chóng mặt. Mức lãi khá mỏng và áp lực bán quá mạnh cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa kỳ vọng nhiều vào một cơ hội dài hơi.

Ba tuần qua, TTCK biến động mạnh, từ chỗ lao dốc không phanh đến phục hồi thẳng đứng một cách chóng mặt. Mức lãi khá mỏng và áp lực bán quá mạnh cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa kỳ vọng nhiều vào một cơ hội dài hơi.

Nhà đầu tư: vẫn lo ngại làn sóng giải chấp

Thị trường chứng khoán đã có một tuần tăng mạnh trong khi vẫn chưa có nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích cho rằng vì thị trường mất thanh khoản quá nhanh khiến lượng hàng giải chấp không thể thoát ra được và điều đó tất yếu phải dẫn đến nỗ lực đánh lên để lôi kéo dòng tiền cơ hội đang đứng ngoài tham gia tạo thanh khoản.

Cũng có ý kiến cho rằng các tổ chức là đối tượng thiệt hại nhất trong 10 phiên lao dốc và thị trường có nguy cơ đổ vỡ niềm tin. Các “tay chơi” lớn buộc phải chung sức cứu thị trường. Một yếu tố cũng phải nhắc đến nữa là lực mua khá mạnh của khối ngoại đã nâng đỡ cho các cổ phiếu chủ chốt trên thị trường.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu tâm lý của các nhà đầu tư thì hiện tại, nhiều người vẫn lo ngại đợt phục hồi vừa qua chỉ là một đợt ”bull trap”, đồng nghĩa với việc thị trường có thể điều chỉnh sâu hơn nữa. Áp lực bán mạnh phiên cuối tuần, đúng một ngày sau khi có thông tin hỗ trợ khiến cảm giác bất an lại quay lại, anh Thái Tuấn, một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán HSC nhận định.

Đáng lẽ sự hưng phấn vì thông tin và dòng tiền mới vào phải tạo đà cho một chu kỳ tăng dài hơi. Thế nhưng khối lượng hàng khổng lồ thoát ra hôm 3.6 chắc chắn không phải chỉ từ những người chốt lãi non. Nếu nhìn vào các con số thống kê, chúng ta có thể thấy hơn 3.800 tỉ đồng được rút ra là một con số rất lớn trong bối cảnh này.

Rất có thể một lượng lớn cổ phiếu cầm cố đã được giải tỏa khi điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nên nhớ rằng áp lực giảm dư nợ cho vay phi sản xuất đối với các ngân hàng vẫn đang treo lơ lửng, chứ không chỉ thuần túy là giải chấp tài khoản cháy nữa.

Một nhà đầu tư khác trên sàn chứng khoán Bản Việt cho rằng, nghi ngờ lớn nhất của nhà đầu tư lúc này là thị trường đi lên sẽ tạo cơ hội để thoát hàng, thực hiện giải chấp cổ phiếu của một số công ty và khách hàng đang vay nợ. Nếu thế, nhà đầu tư sẽ mắc vào bẫy tăng giá khi mua ở thời điểm này.

Nhưng nhìn ở góc độ khác, nếu như áp lực giải chấp giảm bớt, cộng với thị trường tăng điểm, thì nhiều khả năng sẽ không còn cơ hội cho nhà đầu tư mua cổ phiếu giá thấp như vài phiên vừa qua, thậm chí mua trong một vài phiên tăng giá tới vẫn được coi là rẻ với những cổ phiếu mà P/E năm 2011 đang ở mức 3 - 4 lần. Do đó, đây là thời điểm mà các nhà đầu tư phải cân não.

Có thể nói 7 phiên tăng vừa qua chỉ là sự bồi hoàn lại nguyên nhân của 10 phiên giảm trước đó. Nguyên nhân trực tiếp có thể được giải quyết, nhưng những vấn đề cũ thì chưa. Thị trường khó có thể phục hồi bền vững chỉ bằng sự thay đổi chóng mặt giữa hai thái cực của tâm lý.

Áp lực chốt lời vẫn lớn

Theo nhận định của CTCK Âu Việt thì sẽ rất khó để hy vọng thị trường tiếp tục tăng điểm sau phiên điều chỉnh này, vì tình hình kinh tế vĩ mô cũng như là thị trường tài chính vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Các nhà phân tích thị trường của công ty này cho rằng, với phiên đảo chiều giảm điểm kèm theo khối lượng và giá trị giao dịch tăng gấp đôi so với phiên liền trước thì khả năng giảm điểm của thị trường đầu tuần sau là khá cao.

 Việc nhà đầu tư chốt lời để bảo toàn thành quả là điều nên làm, và nên chờ đợi tín hiệu từ giá trị giao dịch. Nếu các phiên giao dịch tuần sau giá trị giao dịch vẫn duy trì hơn 1.200 tỉ đồng mỗi phiên trên cả hai sàn thì nhà đầu tư có thể xem xét quay lại thị trường. Công ty chứng khoán SME trong bản báo cáo nhận định về thị trường tháng 6 đã dự đoán: "Nếu thanh khoản của thị trường cải thiện trong những ngày đầu tháng 6 và trở lại giao dịch với 30 triệu cổ phiếu/phiên, thì đó chính là lời khẳng định chắc chắn của sự kết thúc chu kỳ giảm giá vừa qua".

Về phần mình, công ty chứng khoán TPHCM - HSC nhận định rằng thị trường có thể đã lập đỉnh trong ngắn hạn. Hiện tại, thị trường đã phản ánh những tin tức tốt gần đây bao gồm sự thay đổi về quy định giao dịch và kỳ vọng lạm phát đã lập đỉnh. Tuy nhiên, một số rủi ro vẫn còn tiềm ẩn, chẳng hạn như khoản nợ của Vinashin đã tạo ra một làn sóng tăng hệ số NPL trong hệ thống ngân hàng, đồng thời thâm hụt thương mại cũng là một vấn đề cần bàn.

Với đợt IPO của Tổng công ty thép Việt Nam sẽ diễn ra vào cuối tuần sau, thì một lượng cung mới sẽ được đưa ra thị trường. Như vậy, nhiều khả năng thị trường sẽ khó tăng mạnh như vừa qua. Do đó, mặc dù vẫn lạc quan trong trung và dài hạn, HSC cho rằng các nhà đầu tư không nên đẩy giá mua vào lên quá cao tại mặt bằng giá hiện tại.

Các tin khác