TTCK: Lạc quan nhưng không chủ quan

(ĐTTCO)-Tính đến phiên giao dịch ngày 15-5, VN Index tăng 9% so với đầu năm. Diễn biến này được đánh giá hết sức tích cực nếu so với mức giảm 9,32% trong năm 2018. Tuy nhiên, NĐT vẫn đang trong tâm lý lo âu khi VN Index vẫn chưa thể vượt qua được mốc 1.000 điểm, trong khi liên tục có những dấu hiệu bất ổn khó dự báo.
TTCK: Lạc quan nhưng không chủ quan
Khối ngoại bán ròng
Sự lo ngại về suy giảm thị trường không chỉ dựa trên diễn biến của VN Index mà còn xuất phát từ giá trị giao dịch bình quân cũng giảm liên tiếp trong tháng 4 và tháng 5.
Đặc biệt, sau 4 tháng mua ròng, NĐTNN đã bán ròng trong 2 tuần đầu tháng 5 với giá trị bán ròng là 483 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số quỹ đầu tư đang thực hiện thoái vốn và chưa xuất hiện quỹ đầu tư mới. Vốn ngoại vào các quỹ ETF chậm lại đáng kể trong tháng 4. 
Cụ thể, có khoảng 180 tỷ đồng vào Việt Nam thông qua quỹ Vaneck ETF và 160 tỷ đồng thông qua quỹ VFM ETF, trong khi các quỹ FTSE Vietnam Swap ETF và KIM ETF đã ngừng hút ròng.
Như vậy, chỉ có 340 tỷ đồng vào Việt Nam trong tháng 4, giảm mạnh so với mức 2.000 tỷ đồng trong tháng 3. Những yếu tố này xuất phát từ lo ngại về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khiến dòng vốn nước ngoài sẽ rút khỏi các thị trường do lo ngại về rủi ro, trong đó có Việt Nam.
TTCK: Lạc quan nhưng không chủ quan ảnh 1
TTCK: Lạc quan nhưng không chủ quan ảnh 2  
Điểm đáng chú ý là các công ty lớn đầu ngành đều có mức tăng trưởng khá tốt với mức tăng cao hơn VN Index. Các công ty lớn đầu ngành tiếp tục là mối quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài và sẽ được các NĐT trong nước ưa chuộng.
Chẳng hạn, nhóm công ty sản xuất và công nghệ tăng cao hơn VN Index, cho thấy thị trường đang đánh giá cao nhóm ngành này. Các công ty bất động sản tiếp tục tăng, mặc dù thị trường đang bị đánh giá bắt đầu đi vào giai đoạn khó khăn.
Nhóm CP ngân hàng có mức tăng phân hóa mạnh, trong đó BID (BIDV) bị giảm mạnh vì ngân hàng này đang có những khó khăn từ nợ xấu.

Nhiều yếu tố bất lợi 
Mặc dù nhiều NĐT vẫn kỳ vọng thị trường quay đầu tăng điểm và đích nhắm đến mức 1.200 điểm vào cuối năm 2019 do tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng trưởng tốt và lạm phát đang được kiểm soát.
Đặc biệt là kỳ vọng về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc. Với các yếu tố tích cực này, dự báo TTCK sẽ có sự phục hồi vào giai đoạn cuối năm, và VN Index chốt trên mốc 1.000 điểm. Trong đó, nhóm ngành sản xuất và thương mại dịch vụ sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn ngành ngân hàng và bất động sản.
Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang đối mặt nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Điển hình là trong quý I-2019, doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết tăng nhưng tốc độ tăng trưởng giảm so với cùng kỳ.
TTCK: Lạc quan nhưng không chủ quan ảnh 3  
Tăng trưởng lợi nhuận và lợi nhuận hoạt động (EBIT) cũng suy giảm, cho thấy sức khỏe các doanh nghiệp đang có dấu hiệu đi xuống. Đặc biệt là ngành bất động sản và ngân hàng là những CP dẫn dắt thị trường được nhận định sẽ gặp khó khăn trong năm 2019, do NHNN giảm mức tăng trưởng tín dụng và dòng tiền vào thị trường bất động sản bị hạn chế.
TTCK hiện nay cũng đang gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn từ khối ngoại khi P/E đã không còn hấp dẫn. Thống kê cho thấy, mặc dù P/E bình quân của VN Index vẫn còn thấp hơn các thị trường khu vực, nhưng cao hơn mức bình quân trong vòng 5 năm gần đây. Đặc biệt, P/E của các công ty đầu ngành đang ở mức cao, từ 18-20x. Do vậy thị trường sẽ vẫn trong giai đoạn suy giảm từ nay cho đến hết quý II.
Cao điểm của mùa ĐHCĐ 2019 đã đi qua với hơn 900 doanh nghiệp tổ chức trong tháng 4. Đáng chú ý, hầu hết doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh thấp hơn mức tăng trưởng năm 2017-2018. Tốc độ tăng trưởng doanh thu giảm từ 18% xuống 17%, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế giảm từ 31% xuống 12%. 

Các tin khác