TTCK: Đứa con rơi?

TTCK được thành lập, gầy dựng để thực hiện những chức năng quan trọng cho nền kinh tế như: huy động vốn cho doanh nghiệp (DN), tạo thanh khoản cho các loại chứng khoán, mở thêm kênh đầu tư hữu hiệu... Thế nhưng từ khi được khai sinh năm 2000 đến nay, TTCK Việt Nam đã làm tốt những chức năng của mình hay chưa?

TTCK được thành lập, gầy dựng để thực hiện những chức năng quan trọng cho nền kinh tế như: huy động vốn cho doanh nghiệp (DN), tạo thanh khoản cho các loại chứng khoán, mở thêm kênh đầu tư hữu hiệu... Thế nhưng từ khi được khai sinh năm 2000 đến nay, TTCK Việt Nam đã làm tốt những chức năng của mình hay chưa?

12 năm hay 2 năm?

Nhiều chuyên gia cho rằng, TTCK chỉ mang dáng dấp thực sự từ năm 2006 với dấu mốc Việt Nam gia nhập WTO. Giai đoạn 2006-2007 cũng được xem là đỉnh cao của TTCK Việt Nam: VN Index tăng lên 1.100 điểm, gấp gần 3 lần so với hiện nay; hàng loạt DN tận dụng cơ hội tăng vốn điều lệ (VĐL) gấp 5-10 lần; CP được lùng mua bất kể tốt xấu; một thế hệ đại gia xuất hiện nhờ “chơi chứng”…

Nhưng kể từ 2008, TTCK Việt Nam đã chững lại, thậm chí thụt lùi. Chức năng huy động vốn cho nền kinh tế để giảm tải cho các ngân hàng (NH) mang nhiều ý nghĩa tích cực đã trở nên tiêu cực; từ chỗ đôi bên cùng có lợi, NĐT bỏ vốn, DN tạo ra lợi nhuận đã trở nên gượng ép.

Đau đầu với TTCK (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: LÃ ANH

Đau đầu với TTCK (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Ảnh: LÃ ANH

Năm 2008, DN khó khăn, tiến hành chia thưởng bằng CP; năm 2010, DN lại làm khổ thị trường bằng những đợt chào bán CP. Hệ quả để lại là lượng cung CP tăng vọt, chỉ cần lấy riêng một DN như CTCK Kim Long (KLS) đã chào bán một lúc hơn 100 triệu CP, lớn hơn cả KLGD trên cả hai sàn cộng lại trong thời gian gần đây.

Hay một NHTMCP quanh năm suốt tháng chỉ biết “in” CP phát cho NĐT thay vì chia cổ tức bằng tiền mặt. Túi tiền của NĐT vơi đi trong khi số lượng hàng hóa trên thị trường tăng lên.

Điều này đã dẫn đến việc hễ NĐT nghe “phong phanh” thông tin DN chuẩn bị chia thưởng hay phát hành, lập tức CP của DN đó sẽ bị xa lánh dẫn đến việc giảm giá, thanh khoản kém đi. Hơn 1 năm qua, NĐT thua lỗ vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo, cho dù có đầu tư giá trị, hay nắm giữ dài hạn đi chăng nữa.

Nhiều người hạ chỉ tiêu sinh lời từ 100%/năm xuống còn bằng tiền lãi gửi NH nhưng vẫn rất khó khăn để đạt được. TTCK trở thành một kênh đầu tư rủi ro cao, nhưng lợi nhuận lại thấp.

Không thể so sánh TTCK Việt Nam với những thị trường như Hoa Kỳ, Anh, Đức… với lịch sử tồn tại hàng trăm năm. Ngày 24-2, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 trong đó có nội dung giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.

Dù không nói ra, nhưng nhiều người cũng ngầm hiểu về một sự hy sinh trong “ngắn hạn” đối với TTCK. Tất nhiên, vì lợi ích chung nền kinh tế hy sinh cũng là việc đáng làm. Nhưng với những gì đã được trông thấy, NĐT lại có cảm giác hình như các cơ quan chức năng đang bỏ rơi TTCK hơn là vì cái chung. TTCK Việt Nam, bước sang tuổi thứ 12, vẫn còn quá sớm để trưởng thành nhưng xem ra lại không được quan tâm.

Cơ quan quản lý ở đâu?

Nhiều người ví von, TTCK Việt Nam chỉ có 2 năm (2006-2007) chứ không phải 12 năm. Tổng giám đốc một CTCK lớn cho biết, đến cuối tháng 8 năm ngoái, những thử nghiệm về việc giảm chu kỳ thanh toán từ T+4 xuống T+2 đã được hoàn thành trơn tru và chỉ chờ đợi UBCKNN “gật đầu”.

Cả thị trường cũng chờ đợi sự thay đổi này nhưng cuối cùng không diễn ra và NĐT tiếp tục phải rơi vào cảnh mua chứng khoán hôm nay phải thấp thỏm đến 3 ngày nữa để biết mình lãi hay lỗ. Cách đây nửa năm, VN Index đã bị các ETF đẩy mạnh sự chi phối, không ít các tính toán đã chỉ ra rằng, nếu bỏ ra một số CP trụ cột như BVH, MSN, VIC hay VNM mức 450-480 điểm của chỉ số này chỉ còn 380-400 điểm.

Một số thông tin cho thấy, các cơ quan quản lý cũng đã tính toán đến hiện tượng “ảo” của chỉ số chứng khoán, nhưng những gì diễn ra lại khiến NĐT cảm giác về sự chậm chạp, bất lực.

Sau gần nửa tháng với 10 phiên liên tiếp giảm điểm, VN Index từ mốc 480 điểm giảm xuống 380 điểm, tương đương 20%. Khi VN Index đạt đỉnh 1.100 điểm vào giữa tháng 10-2007, phải mất gần 3 tháng sau, chỉ số này mới giảm 20% xuống mốc 880 điểm.

Như vậy, tốc độ giảm giá của VN Index hiện nay còn nhanh gấp 6 lần so với giai đoạn tồi tệ 2008. Nhưng vào giai đoạn đó, NĐT còn thấy được những động thái như giảm biên độ nhằm ngăn chặn đà giảm giá, còn hiện nay thì không có gì.

Những ngày qua, trên thị trường đầy rẫy những tin đồn, suy đoán về việc CTCK này lỗ nặng, CTCK kia nợ, thậm chí tổng giám đốc của một CTCK lớn có ý định tự tử. NĐT đang đặt câu hỏi về việc sẽ có bao nhiêu CTCK tương tự như Hà Thành trong thời gian tới?

Nếu những điều này xảy ra thật, số tiền của hàng chục nghìn, trăm nghìn NĐT đang bị đe dọa thực sự. Thử nhìn sang ngành NH, chỉ cần một tin đồn thất thiệt lập tức tổng giám đốc đã phải lên tiếng cải chính, thậm chí NHNN còn phải đứng ra can thiệp. NĐT bỏ tiền vào TTCK cảm thấy “tủi thân” về việc không được bảo vệ kỹ như gửi NH, mà chưa chắc bên nào đã “trọng” hơn bên nào. 

Mạnh ai nấy chạy

Tuần qua, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) đã đệ trình một loạt giải pháp ứng cứu TTCK Việt Nam như: tạm ngừng đánh thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán, giảm phí cho CTCK, bỏ thu phí lưu ký chứng khoán…

Những giải pháp VASB đưa ra mặc dù được nhiều NĐT đồng tình nhưng lại không mới. NĐT chờ đợi một giải pháp mang tính “cắt cơn” theo kiểu tạm ngừng giao dịch thị trường; lãnh đạo của cơ quan quản lý trấn an NĐT nhưng chưa thấy đâu.

Năm 2008, đã từng có cam kết giữa các CTCK về việc không bán ra trên tài khoản tự doanh nhằm cứu thị trường nhưng cuối cùng đã bị bể kèo. Một số CTCK thậm chí còn đưa sự việc này lên mặt báo để cãi vã, phân bua. Trong một chừng mực nào đó, vụ việc này đã thể hiện sự liên kết khá kém cỏi giữa các thành viên trong thị trường và việc “tự cứu” là một khái niệm xa xỉ.

Mặt khác, việc CTCK tiến hành giải chấp không chỉ nằm ở chính mình mà còn do các NH thúc ép. Kỳ vọng về việc một số CTCK lớn đứng ra đỡ thị trường cũng không khả thi khi nguồn tiền không còn dồi dào. Các quỹ đầu tư cũng rơi vào tình trạng khi 2-3 năm nay đều gặp khó khăn về vấn đề kêu gọi vốn.

Ai sẽ đứng ra cứu TTCK? Câu hỏi thật đơn giản nhưng lại khó trả lời hơn bao giờ hết vào lúc này. Với cách ứng xử với thị trường theo kiểu “đứa con rơi” có lẽ những hệ quả tiêu cực sẽ lại tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới.

Các tin khác