Ấm tình lớp học ông giáo Hùng

Đồng cảm với người cùng cảnh ngộ

Hơn 6 năm nay, căn nhà nhỏ của ông Đào Minh Hùng, người được các em học sinh gọi thân thương là ông giáo Hùng, ở địa chỉ 166 Phan Anh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, luôn đông vui, rộn rã tiếng cười của 130 trẻ em nghèo. Đây là lớp học tình thương 2 vợ chồng ông Hùng tâm huyết xây dựng với mong muốn đem từng con chữ đến với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn và dạy các em cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày.

Đồng cảm với người cùng cảnh ngộ

Hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp khi đến thăm lớp học của ông Hùng là cảnh ông tất bật chạy lo chuyện bếp núc, kiểm tra các em nhỏ học bài và chuẩn bị cơm tối cho các em. Hàng ngày, cứ khoảng 16 giờ 30, căn nhà nhỏ của ông Hùng lại bắt đầu đón các em nhỏ tập trung đến học và ăn cơm chay.

Các em đều là con em gia đình khó khăn, bố mẹ người bán vé số, người lượm ve chai, người chạy xe ôm kiếm sống qua ngày. Trò chuyện với tôi, ông cho biết lớp học được thành lập một cách ngẫu nhiên 6 năm trước. Sinh ra và lớn lên trong gia đình lao động nghèo, đã trải qua tuổi thơ rất khó khăn, ông hiểu được cảnh khốn khó của những hộ gia đình tỉnh lẻ lên nhập cư ở thành phố lớn.

Càng thương cảm hơn với những em nhỏ không có điều kiện đến lớp, nhiều em không có điều kiện học thêm hay mua sắm dụng cụ học tập đầy đủ như bạn bè cùng trang lứa. Sống cùng một khu phố, ông thương lũ trẻ từng ngày phải đi bán vé số phụ cha mẹ kiếm cơm sống qua ngày. Lúc đó, trong dãy trọ của ông có 2 em nhỏ gần 10 tuổi vẫn chưa biết đọc, biết viết, cuộc sống khó khăn ngày càng lấy đi vẻ hồn nhiên vốn có của các em.

Trăn trở nhiều đêm, ông Hùng và vợ quyết định sẽ dạy chữ cho chúng. Thế là mỗi ngày vợ chồng ông dành ra 2 tiếng để dạy cho các em. Vốn không có bằng cấp cũng không có nghiệp vụ sư phạm, kinh nghiệm giảng dạy nên 2 ông bà chỉ dạy theo cách mình hiểu, chỉ mong các em biết đọc, biết viết. Điều đặc biệt không chỉ dạy chữ ông Hùng còn dạy các em cách ứng xử, ngoan ngoãn, lễ phép với người lớn. Dần dần, tiếng lành đồn xa, sĩ số lớp học của ông Hùng tăng từ 2 lên 10, 15 em và hiện lên đến 130 em.

Vợ chồng ông phải 2 lần chuyển nhà để kiếm được chỗ rộng hơn cho các em được thoải mái sinh hoạt. Căn nhà vợ chồng ông Hùng đang thuê với giá 9 triệu đồng/tháng, diện tích gần 88m2 được thiết kế thô sơ là nơi sinh soạt của gia đình, lớp học cho các em vào buổi tối. Bên trong ông Hùng ngăn ra 1 ngăn nhỏ làm nhà bếp nấu cơm bán với giá 10.000 đồng/suất để duy trì lớp học, còn người già neo đơn, người quá nghèo và các em được ăn miễn phí.

Học đạo làm người

Đến với lớp học tình thương của ông Đào Minh Hùng, các em không chỉ được học chữ mà còn được học cách làm người, ứng xử lễ phép với mọi người, nhiều trẻ đã trở thành con ngoan, trò giỏi và đã biết giúp đỡ cha mẹ. Hàng tuần, thời khóa biểu được chia từ thứ hai đến thứ bảy, trong đó các môn Toán, Tiếng Việt học từ thứ hai đến thứ sáu từ 18-20 giờ, còn Anh văn được học vào thứ bảy từ 16-17g, mỗi ngày học một môn khác nhau.

Tùy theo độ tuổi và các lớp các em nhỏ theo học ở trường, ông Hùng chia thành 9 lớp, từ vỡ lòng cho các em chưa biết đọc, viết đến các em học từ lớp 1 đến lớp 8. Ngoài ra còn có một số công nhân chưa biết chữ cũng theo học. Đối với các em, được đến học là niềm vui, không chỉ học chữ học đạo mà các em còn được sống trong tình thương của thầy của bạn, được chơi được cười đúng với độ tuổi thơ ngây, hồn nhiên của các em.  

Ấm tình lớp học ông giáo Hùng ảnh 1

Ông Đào Minh Hùng luôn theo dõi sát sao việc học của các lớp, các em nhỏ. 

Hỗ trợ vợ chồng ông Hùng trong thời gian qua là các bạn tình nguyện viên, sinh viên các trường đại học: Sư phạm, Bách khoa, Sài Gòn...

Chia sẻ về những ngày dạy tại lớp học tình thương, Hoàng Thị Hạnh Nguyên, sinh viên năm cuối trường Đại học Sài Gòn, cho biết: “Thông thường mình học ở trường chỉ vào ban ngày, vì vậy mỗi đêm rảnh rỗi lại đến lớp học của chú Hùng dạy cho các em. Mặc dù dạy miễn phí, lại chiếm khá nhiều thời gian của mình nhưng đổi lại mình cảm thấy vui, đồng thời cũng rèn luyện được các kỹ năng giảng dạy để sau này có thể hỗ trợ cho nghề giáo của mình”.

Gồng gánh mấy năm nay, nhiều lúc quá khó khăn vợ chồng ông Hùng như muốn buông xuôi nhưng nghĩ tới những đứa trẻ lang thang ham chữ, yêu thầy, yêu bạn và những ánh mắt ngây thơ, ông bà lại tự động viên, an ủi nhau cùng vượt qua khó khăn. Hiện số trẻ có nhu cầu đi học ngày một nhiều trong khi lớp học của ông đã chật cứng chỗ vì vậy không thể nhận thêm.

“Nhiều cha mẹ biết đưa con đến xin học nhưng không thể nhận thêm bởi lớp học đã chật cứng. Điều này làm tôi trăn trở suốt, khả năng của 2 vợ chồng già chỉ có đến đó. Chỉ mong sẽ có thêm người hỗ trợ lớp học để bản thân tôi có thể tận tâm với lớp học” - ông Hùng ngậm ngùi chia sẻ.

Được biết ngoài lớp học tình thương của ông Hùng còn có nhiều lớp học khác như lớp của bà Giáo ở quận 7. Điều đó cho thấy giữa mảnh đất Sài thành rộng lớn, tấp nập người qua lại này vẫn còn những tấm lòng tận tình, tận tâm đem con chữ đến trao cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Hy vọng với tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều của các thế hệ cha anh, các em sẽ cảm nhận được và cố gắng học tập để thoát nghèo, mở ra một tương lai tươi sáng cho mình và thế hệ mai sau.

Các tin khác