VPBank tăng vốn từ cổ tức - Cổ đông vào thế

Theo kế hoạch năm 2015, NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) sẽ tăng vốn điều lệ lên 8.458 tỷ đồng, tương ứng 33,23% do với vốn điều lệ tính đến cuối quý I-2015. Phần lớn nguồn vốn dùng để tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại nhằm tái đầu tư và củng cố tình trạng tái chính. Tuy nhiên, việc liên tục chia cổ tức bằng cổ phiếu gây băn khoăn cho không ít cổ đông.

Theo kế hoạch năm 2015, NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) sẽ tăng vốn điều lệ lên 8.458 tỷ đồng, tương ứng 33,23% do với vốn điều lệ tính đến cuối quý I-2015. Phần lớn nguồn vốn dùng để tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại nhằm tái đầu tư và củng cố tình trạng tái chính. Tuy nhiên, việc liên tục chia cổ tức bằng cổ phiếu gây băn khoăn cho không ít cổ đông.

Liên tục 3 năm tăng vốn bằng cổ tức

Đầu năm 2015, cổ đông của VPBank nhận được một lượng không ít cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại năm 2013 theo phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu đã được ĐHCĐ 2014 thông qua. Đợt phát hành này dự kiến thực hiện năm 2014 nhưng vì nhiều lý do khác nhau việc tăng vốn không thể thực hiện được trong năm.

Cụ thể cuối tháng 4-2015, VPBank nộp hồ sơ đăng ký phát hành 97.686.000 cổ phiếu, trong đó nguồn vốn để phát hành 93.251.000 cổ phiếu (ứng với tỷ lệ 14,69%) từ lợi nhuận giữ lại, phần còn lại 4.435.000 cổ phiếu (ứng tỷ lệ 0,7%), từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Việc liên tục chia cổ tức bằng cổ phiếu của VPBank không hẳn là việc tăng vốn đơn thuần. Điều này phần nào liên quan đến “cục nợ xấu” không nhỏ và sự an toàn tài chính của NH. Tuy nhiên, cổ đông của NH cũng được an ủi và yên tâm phần nào khi lãnh đạo NH này đã công khai đưa ra phương án xử lý nợ trong năm 2015.

Theo phương án được ĐHCĐ 2015 thông qua, VPBank tiếp tục phát hành 113,4 triệu cổ phần để trả cổ tức với tỷ lệ 14,7% và tỷ lệ chia cổ phiếu thưởng 0,78% để tăng vốn điều lệ từ 7.324 tỷ đồng lên 8.458 tỷ đồng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện đột phá cho VPBank trong quá trình thực hiện mục tiêu chiến lược của NH.

Thời điểm dự kiến hoàn thành đợt phát hành là trong năm 2015, tùy theo chấp thuận của cơ quan chức năng. Như vậy trong năm 2015, cổ đông VPBank sẽ có 2 đợt nhận cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận năm 2013 và 2014. 

Được biết năm 2014, VPBank cũng đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên 6.347 tỷ đồng cũng bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận năm 2012 và chia cổ phiếu thưởng. Như vậy liên tục trong 3 năm qua VPBank đã thực hiện tăng vốn bằng hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia thưởng từ một số nguồn quỹ.

Việc tăng vốn điều lệ bằng chia cổ tức bằng cổ phiếu của VPBank được xem là ưu tiên thứ 2 của NH. Năm 2014, VPBank đã có phương án tìm đối tác chiến lược để bán khoảng 30% cổ phần, tương đương với 3.000 tỷ đồng nhưng đã không thành công.

Do vậy nhiệm vụ này tiếp tục được NH đặt ra trong năm 2015. Theo lãnh đạo của NH này, việc tăng vốn điều lệ rất cần thiết để cải thiện các chỉ số và nâng cao năng lực tài chính. Tăng vốn điều lệ bằng cổ tức cũng giúp cổ đông của NH tăng số lượng cổ phần sở hữu, giảm áp lực góp thêm vốn so với phương án chào bán thêm cổ phần.

Băn khoăn

Lợi ích từ việc tăng vốn đối với VPBank khá rõ ràng. Tuy nhiên việc tăng vốn dồn dập bằng cổ tức cũng khiến không ít cổ đông băn khoăn. Tại ĐHCĐ thường niên 2015, đa phần các ý kiến đều hy vọng NH sẽ thực hiện 1 năm chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì triền miên trả cổ tức bằng cổ phiếu như những năm qua. Đáp lại ý kiến cổ đông, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, giải thích nhận cổ tức hàng năm khi đầu tư trở lại là mong muốn chính đáng của cổ đông. Ông Dũng nhấn mạnh cổ đông chỉ nhận cổ tức bằng tiền mặt khi VPBank tìm được đối tác nước ngoài và không còn bị áp lực tăng vốn điều lệ.

Thực ra vấn đề cổ tức đã trở thành đề tài nóng trước mùa ĐHCĐ năm 2015. Nhiều NH đã không thể thực hiện chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ như mong muốn vì phải trích lập dự phòng theo yêu cầu của NHNN. Việc không chia cổ tức chủ yếu do tình hình kinh doanh năm 2014 của nhiều NH chưa khả quan. Trong khi đó, VPBank là một trong những NH có hiệu quả hoạt động ổn định.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2014, lợi nhuận sau thuế của NH đạt 1.254 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2013. Theo báo cáo tài chính quý I-2015, lợi nhuận sau thuế trong quý của VPBank đạt 313 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản của NH đến ngày 31-3-2015 là 164.641 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 84.991 tỷ đồng. Với quy mô này VPBank được xếp vào nhóm NH hạng trung hiện nay.

Giao dịch tại VPBank. Ảnh: LONG THANH

Giao dịch tại VPBank. Ảnh: LONG THANH

Cũng như nhiều NH khác, nợ xấu của VPBank tiềm ẩn không ít rủi ro. Theo báo cáo của NH, đến cuối quý I nợ xấu của VPBank là 1.841 tỷ đồng, tương đương với 2,17% tổng dư nợ, giảm khá mạnh so với mức 2,54% cuối năm 2014. Đây được xem là một kết quả tương đối khả quan với VPBank vì hầu hết NH đều có nợ xấu tăng mạnh trong quý I.

Tuy nhiên, con số này lại chưa phản ánh chính xác tình trạng nợ xấu thực sự của VPBank. Theo thuyết minh báo cáo tài chính tính đến cuối quý I, VPBank đang có khoản trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành có giá trị 3.956 tỷ đồng. Nếu tính luôn khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, VPBank sẽ có khoảng 5.797 tỷ đồng nợ xấu, bằng khoảng 7% tổng dư nợ.

Tại đại hội thường niên 2015, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết giải pháp bán nợ xấu cho VAMC không phải là chuyển nợ xấu mà có thêm nguồn tiền để NH tái đầu tư. Kế hoạch năm 2015 sẽ thu được hơn 2.000 tỷ đồng nợ xấu và nợ lãi treo 300 tỷ đồng.

Đồng thời nợ xấu (cả hạch toán và cấu trúc) dự kiến giảm xuống khoảng 4.000 tỷ đồng. Cũng theo ông Vinh, VPBank sẽ duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%. Trong đó xử lý trên 40% nợ tái cấu trúc, mục tiêu sẽ đưa tổng nợ xấu ở mức dưới 5%.

Các tin khác