Tâm tình của nữ doanh nhân

Ngày càng có nhiều phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo ở các DN. Họ chứng tỏ được tài năng, bản lĩnh của doanh nhân và phát huy được những ưu thế của người phụ nữ trong công tác quản lý, điều hành DN và cả trong việc tề gia. Nhân dịp mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ĐTTC đã gặp một số nữ doanh nhân để tìm hiểu họ đã làm như thế nào để điều hòa áp lực của công việc và cuộc sống?

Ngày càng có nhiều phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo ở các DN. Họ chứng tỏ được tài năng, bản lĩnh của doanh nhân và phát huy được những ưu thế của người phụ nữ trong công tác quản lý, điều hành DN và cả trong việc tề gia. Nhân dịp mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ĐTTC đã gặp một số nữ doanh nhân để tìm hiểu họ đã làm như thế nào để điều hòa áp lực của công việc và cuộc sống?

Bà TRỊNH THỊ TUYẾT ANH, Phó Giám đốc kiểm toán  Công ty Grant Thornton Việt Nam:

Học hỏi mới nâng cao năng lực  và bản lĩnh

Người làm việc trong lĩnh vực kiểm toán phải chịu áp lực rất lớn về mặt thời gian, đồng thời phải đảm bảo chất lượng tối đa đối với báo cáo kiểm toán đã được phát hành, đảm bảo đánh giá, ý kiến của mình phải trung thực và hợp lý của các báo cáo tài chính. Đặc biệt, nghề kiểm toán đã trở thành một thách thức không nhỏ đối với các nữ kiểm toán nói chung. Tôi vẫn xác định phải cân đối thời gian dành cho công việc và gia đình để vừa hoàn thành mục tiêu trong công việc, vừa đảm bảo giữ gìn được hạnh phúc gia đình. Tôi cũng được nhận sự thông cảm rất nhiều từ gia đình nên mới có thể vừa hoàn thành nhiệm vụ của mình ở công ty mà vẫn làm tròn thiên chức của người phụ nữ trong gia đình.

Những khó khăn của nghề kiểm toán đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều cho bản thân. Công việc đang thực hiện và vị trí đảm nhiệm buộc tôi trang bị cho mình những kiến thức nhất định và luôn phải cập nhật kiến thức. Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ thành công là người vừa chăm sóc gia đình tốt vừa đảm nhận xuất sắc trách nhiệm công việc. Có nghĩa là họ phải tự điều chỉnh và cân bằng giữa công việc và gia đình. Khi làm việc, giao tiếp với khách hàng, đó là lúc học hỏi, nâng cao năng lực và bản lĩnh. Việc chăm sóc gia đình cũng là niềm vui của tôi, đó là lúc tôi dành thời gian cho bản thân.

Bà LÊ THỊ HỒNG LEN, Trưởng đại diện ACCA tại Việt Nam:

Bình đẳng giới để hội nhập toàn cầu

 

Hiệp hội Công chứng kế toán Anh quốc (ACCA) hiện có lượng nữ giới là lãnh đạo, hội viên và học viên chiếm tỷ lệ tương đương nam giới. Hiện nay, tại ACCA toàn cầu tỷ lệ này là tương đương, nữ chiếm 44%, nam chiếm 56%. Riêng ACCA tại Việt Nam, tỷ lệ nữ giới là hội viên chiếm 62%, nữ giới là học viên chiếm 73%. Hội viên và học viên của chúng tôi phần lớn là nhà quản lý cấp cao hoặc nhân viên tại các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty đa quốc gia và tập đoàn lớn trong nước. Điều này cho thấy tỷ lệ nữ giới tham gia các công ty kế toán, kiểm toán đang ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát về nữ giới trong lĩnh vực kế toán và tài chính do ACCA Singapore và Robert Half (công ty tư vấn tuyển dụng toàn cầu) đồng thực hiện cho thấy sự bất bình đẳng giới vẫn rất khó bị phá vỡ: 45% người được hỏi không nghĩ mình sẽ đạt tới vị trí quản lý cấp cao trong lĩnh vực tài chính, kế toán. Có nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ phù hợp với những công việc như truyền thông, marketing, nhân sự… Tuy nhiên, chúng tôi luôn đánh giá cao vai trò của phụ nữ bởi tố chất thông minh, nhạy bén và có mức độ cam kết cao.

Năm 2010, ACCA đã công bố báo cáo “Sự bình đẳng: Phụ nữ trong lĩnh vực dịch vụ - tài chính”, gồm đào tạo kỹ năng lãnh đạo, thương thuyết và khả năng tác động để phụ nữ được trang bị tốt cho vai trò quản lý cấp cao; yêu cầu các tổ chức xây dựng chương trình hỗ trợ và cung cấp hướng tiếp cận các gương điển hình, mạng lưới và người cố vấn giàu kinh nghiệm để giúp phụ nữ đạt được thành công; chứng minh các DN cần có sự bình đẳng giới trong bộ phận quản lý cấp cao nhằm hội nhập thị trường toàn cầu một cách chiến lược và sáng suốt.

Khuyến khích phụ nữ tham gia vị trí quản lý cấp cao là một phần tất yếu của xu hướng toàn cầu. Song phụ nữ luôn chịu áp lực phải cân bằng giữa công việc và gia đình. Thực tế tại Việt Nam, không ít phụ nữ phải từ chối đảm nhận vị trí lãnh đạo trong DN, những công việc mang lại mức thu nhập cao, bởi họ không thể vượt qua được áp lực này. Bản thân tôi và các nhân viên nữ của ACCA Việt Nam được gia đình hỗ trợ, ủng hộ và cảm thông rất nhiều, giúp chúng tôi yên tâm làm tốt công việc và phát huy những năng lực cá nhân.

Bà BÙI THỊ MAI, Tổng giám đốc NHTMCP Nhà Hà Nội (Habubank):

Quyết tâm theo đuổi con đường đang đi

Ngân hàng là một ngành đặc thù, nên áp lực có thể cao hơn nhiều ngành kinh tế khác, nhưng tôi cho rằng khi có đam mê, yêu thích công việc thì có thể vượt qua được thử thách. Đội ngũ cán bộ quản lý của Habubank có điều đặc biệt: đến hơn 50% là nữ, trong 6 thành viên ban điều hành có 4 nữ. Điều này chứng tỏ ngành ngân hàng không phải chỉ dành cho phái nam. Nhiều phụ nữ trong vai trò lãnh đạo còn quyết đoán hơn nam giới.

Khi tôi về Habubank đảm nhận vị trí kế toán trưởng, ai cũng cho là nóng vội vì bỏ vị trí ổn định trong cơ quan nhà nước để vào làm tại một NHTMCP. Thời đó, khái niệm “cổ phần” rất mơ hồ và không có gì chắc chắn. Từ đó đến nay đã hơn 16 năm, tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn, cả trong cuộc sống cá nhân lẫn những thăng trầm của Habubank, song chưa bao giờ tôi phải ân hận hay nuối tiếc vì quyết định của mình và vẫn quyết tâm theo đuổi con đường đang đi.

Nhiều người hỏi có lúc nào tôi phải lựa chọn giữa công việc và gia đình hay chưa? Có chứ! Đó có thể là lúc tôi muốn về nhà, tự tay nấu cho chồng con một bữa cơm nóng ấm, ngon miệng, nhưng tại ngân hàng lại đang phải bộn bề giữa vô vàn báo cáo. Điều hạnh phúc là chồng và các con hiểu được công việc của tôi nên luôn thông cảm.

Bà NGUYỄN THỊ SƠN HƯƠNG, Giám đốc kinh doanh Công ty Truyền thông S-media:

Cân bằng công việc và cuộc sống riêng

 

Hiện nay nước ta đã có môi trường và văn hóa bình đẳng khá tốt, phụ nữ tham gia nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội. Đây là điều rất tốt đẹp, song áp lực công việc đối với phụ nữ cũng khá nặng nề. Phụ nữ Việt Nam có phẩm chất nhẫn nại, mềm dẻo và uyển chuyển đối phó với những khó khăn của cuộc sống.

Hiện nay phụ nữ có những cơ hội phát triển trong xã hội nhưng bản chất vẫn không thay đổi và luôn thể hiện được sự mạnh mẽ, tự tin hơn trong mọi việc. Với khả năng làm việc chi tiết, tỉ mỉ và thường chăm lo cho người khác nên phái nữ quản lý nhân viên đạt hiệu quả hơn so với nam giới. Tuy nhiên, phái nữ cũng bị những hạn chế trong công việc, như không có nhiều quỹ thời gian để thực hiện các giao tiếp, vì còn phải chăm lo gia đình và con cái. Sức khỏe và thể chất cũng không mạnh mẽ bằng nam giới nên nhiều khi phụ nữ gặp khó khăn  những lúc công việc kinh doanh đòi hỏi đi công tác nhiều.

 Tôi tâm niệm khi muốn làm một việc gì thì nên yêu chính việc đó như một tình yêu thật sự, như vậy mới đạt được kết quả tốt nhất. Xã hội ngày nay đòi hỏi con người làm việc khá nhiều để có thể tạo dựng được một cuộc sống thoải mái. Tất cả sự thành công đều đòi hỏi phải có những hy sinh nhất định.

Có thể hôm nay phải hy sinh quỹ thời gian, vật chất, những mối quan hệ riêng tư, hay những niềm vui, hưởng thụ của chính bản thân, để đổi lại là sự thành công sau này. Nhưng nếu chúng ta chỉ biết làm việc mà không có những khoảng thời gian cho chính mình và cho gia đình, bạn bè, thì những gì đã cố gắng làm ra sẽ không có ý nghĩa khi xung quanh không có ai quan tâm, chăm sóc. Cho nên một ngày trong mơ của tôi là “được làm việc và sống trong tình yêu”.

Từ xưa, phụ nữ thường là “người nhóm và giữ lửa” cho hạnh phúc gia đình, đến thời nay quan niệm đó vẫn không thay đổi. Có khác là người phụ nữ hiện đại đã có những lựa chọn trong việc phát triển sự nghiệp và một phần nào đó sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ một nữ doanh nhân thật sự thành công phải là mẫu người mạnh mẽ trong công việc, hài hòa các mối quan hệ xã hội và là một người vợ, người mẹ hết lòng vì gia đình. Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng là cần thiết, vì chính đó là “chất lượng của cuộc sống”.

Các tin khác