Thời của cửa hàng tiện lợi

Với việc tăng trưởng nhanh chóng về số lượng cửa hàng cũng như việc người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến mô hình mua sắm này, hoạt động của mô hình cửa hàng tiện lợi đang được các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng.

Với việc tăng trưởng nhanh chóng về số lượng cửa hàng cũng như việc người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến mô hình mua sắm này, hoạt động của mô hình cửa hàng tiện lợi đang được các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng.

Những kế hoạch khủng

Cuối tháng 4 vừa qua, Công ty G7 (thuộc CTCP Tập đoàn Trung Nguyên) và Công ty TNHH Ministop (thành viên của Tập đoàn Aeon - Nhật Bản) đã chính thức chia tay sau thương vụ hợp tác phát triển 500 cửa hàng tiện lợi không thành. Ngay sau cuộc chia tay này, Ministop đã kết duyên với một đối tác khác là Tập đoàn Sojitz. Mục tiêu của 2 bên là mở 200 cửa hàng trong vòng 3 năm và tiếp tục mở rộng lên con số 800 trong vòng 10 năm.

Mặc dù không thành công trong chiến lược mở 500 cửa hàng với G7, nhưng ở kế hoạch mới, nhiều người lại tin tưởng vào thành công của Ministop. Thứ nhất, Aeon và Sojitz là những tập đoàn lớn, có tiềm lực tài chính mạnh. Thứ hai, quy tắc về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT, nhằm hạn chế các nhà bán lẻ nước ngoài mở cơ sở thứ hai) đã không còn hiệu lực đối với các nhà bán lẻ mở cửa hàng tiện lợi - đây được xem là điều kiện thuận lợi cho các nhà bán lẻ ngoại.

2 yếu tố mấu chốt của mô hình cửa hàng tiện lợi là vị trí điểm bán và sức mua. Tuy nhiên, một vấn đề lớn hơn ảnh hưởng đến mức độ thành công là quy mô của chuỗi. Vì phải có độ bao phủ lớn, DN mới có tiếng nói đủ mạnh để đàm phán giá tốt nhất với bên cung ứng hàng hóa. Thông thường, lợi nhuận từ mô hình này không nhiều. Một chuỗi bán lẻ có thể hòa vốn khi đạt đến quy mô 30 cửa hàng tiện lợi.

Ông Robert Trần,
TGĐ Tập đoàn Tư vấn Robenny (Canada)

Trước cuộc chia tay này, vào năm 2013 khi CTCP Tập đoàn Phú Thái đã chia tay đối tác FamilyMart, dư luận cũng hết sức quan tâm. Sau vụ việc này, rất nhiều lời đồn đoán cho rằng do thua lỗ nên FamilyMart sẽ rời thị trường Việt Nam. Nhưng đi ngược lại những tin đồn đó, nhà bán lẻ này vẫn bám trụ thị trường.

Tháng 7-2013, cửa hàng đầu tiên mang thương hiệu FamilyMart ra đời. Đến tháng 6-2014, công ty nâng số lượng lên 42 cửa hàng và cho tới khoảng đầu năm 2015 là 70 cửa hàng. Theo kế hoạch, chuỗi FamilyMart sẽ có 100 cửa hàng vào cuối năm 2015; năm 2020 khoảng 800-1.000 cửa hàng và mục tiêu tiến tới 5.000 chi nhánh trong tương lai.

Không riêng 2 chuỗi này, rất nhiều chuỗi cửa hàng đã có mặt tại thị trường Việt Nam như Circle K, Shop & Go, B’s mart… đều có tham vọng mở rộng chuỗi của mình. Vậy vì sao những nhà bán lẻ ngoại lại rất kỳ vọng vào mô hình cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam như thế.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến giữa năm 2014 cả nước có 724 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, hơn 400 cửa hàng tiện lợi và có tới gần 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình nhà mặt phố đang kinh doanh ổn định. Nếu so sánh, Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người mới có khoảng hơn 400 cửa hàng tiện lợi, Thái Lan dân số hơn 63 triệu người có hơn 10.000 cửa hàng tiện lợi và Nhật Bản con số cửa hàng tiện lợi lên tới khoảng 50.000, cho thấy tiềm năng thị trường Việt Nam còn rất lớn. Thêm vào đó, người tiêu dùng cũng đang dần thích nghi với mô hình mới này.

Một báo cáo mang tên “Tương lai của cửa hàng tạp hóa” mới công bố của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen ghi nhận hình thức bán lẻ hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện ích) ngày càng đóng vai trò quan trọng ở Việt Nam. Theo đó, 34% số người trả lời tại báo cáo này đi mua sắm tại đại siêu thị và 29% ở siêu thị thường xuyên hơn họ đã làm cách đây 12 tháng. Đặc biệt, 22% người được hỏi mua hàng tạp hóa, thực phẩm thường xuyên hơn tại các cửa hàng tiện ích.

Vẫn còn rào cản

Mặc dù tương lai của các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang được nhìn thấy dưới nhiều gam màu sáng. Song như thế không có nghĩa con đường phát triển của những chuỗi này chỉ toàn hoa hồng. Nhìn lại 2 cuộc chia tay nói trên, có thể thấy mọi chuyện không hoàn toàn đơn giản. Trước hết về Trung Nguyên và Ministop khi mới hợp tác họ đề ra mục tiêu phát triển 500 cửa hàng trong 5 năm.

Nhưng khi chia tay nhau họ mới chỉ có 17 điểm bán. Nói về vấn đề lỗ, lãi khi kinh doanh theo mô hình này, Tổng giám đốc Công ty TNHH FamilyMart Việt Nam, Kigure Takehiko từng chia sẻ với báo chí rằng, thay vì phải mất 8 năm mới có lãi ở thị trường Thái Lan, Hàn Quốc và 17 năm tại Trung Quốc, riêng tại Việt Nam FamilyMart Việt Nam dự tính năm 2019 sẽ có lãi. Bởi lẽ, với kinh nghiệm triển khai ở nhiều thị trường, công ty đã biết cách rút ngắn thời gian lỗ bằng việc cân đối đầu tư. Như vậy, thời gian chịu lỗ của những chuỗi cửa hàng tiện lợi cũng không ngắn chút nào.

Một cửa hàng tiện lợi của B's mart.

Một cửa hàng tiện lợi của B's mart.

Theo phân tích của một số chuyên gia, nguyên nhân chính của những rào cản này chính là việc người tiêu dùng vẫn còn thói quen mua sắm ở các tiệm tạp hóa. Và thói quen này không thể dễ dàng thay đổi trong vài năm. Bởi theo họ, mua ở cửa hàng tạp hóa luôn có cảm giác thân thiện, thậm chí mua chịu trả tiền sau rất dễ dàng.

Có thể thấy với dân số trẻ, thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam được cả giới đầu tư trong và ngoài nước đặt nhiều kỳ vọng. Xu hướng mua sắm tại những cửa hàng tiện lợi cũng theo đó chắc chắn sẽ nhiều hơn lên. Song những rào cản cũng không vì đó mà mất đi. Bởi chính khảo sát của Nielsen cũng nhìn nhận việc thích mua sắm tại các cửa hàng tạp hóa đã ăn sâu vào thói quen mua sắm tại các nền văn hóa Đông Nam Á. 

Các tin khác