Tỉnh táo với tin đồn

(ĐTTCO) - Không chỉ “phớt lờ” với thông tin tốt (ĐTTC đã có bài viết phản ảnh hiện tượng này trên số báo ngày 2-11), TTCK đang tồn tại nghịch lý đáng báo động hơn, đó chính là sự “nhạy cảm” thái quá của không ít NĐT trước những tin đồn.
 
Sự cố HBC
Từ ngày 26-10 đến 2-11, mã HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) bất ngờ lao dốc mạnh, từ mức 60.000 đồng/CP xuống chỉ còn 48.000 đồng/CP (tương đương mức giảm lên đến 20%). NĐT đẩy mạnh bán ra, thậm chí có thời điểm HBC dư bán sàn. Đây là hiện tượng hiếm khi xảy ra với mã CP này.
Ngày dư bán sàn gần nhất là phiên giao dịch 24-6-2016. Nguyên nhân khiến NĐT bán tháo CP HBC xuất phát từ những tin đồn liên quan đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đầu tiên là tin đồn HBC bị Khaisilk xù nợ dự án đã thi công ở quận 7, TPHCM (khoảng 2.500 tỷ đồng). Tin đồn thứ 2 xuất phát từ thông tin cho rằng lợi nhuận của doanh nghiệp này trong quý III-2017 thất thu hơn nhiều so với những gì doanh nghiệp công bố, do ảnh hưởng từ hoạt động thu hồi công nợ. 
 Ngay khi xuất hiện tin đồn, doanh nghiệp cần công bố thông tin để trấn an và tránh làm thiệt hại đến NĐT. Ngược lại, NĐT cũng cần vững tâm lý, phối hợp với các CTCK, công ty niêm yết trong việc bình ổn thị trường. Đặc biệt, NĐT phải nghe những thông tin chính thống từ các cơ quan quản lý thay vì mua bán theo tin đồn.
Lãnh đạo UBCKNN
Để trấn an NĐT, chiều 2-11, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC, đã lên tiếng bác bỏ những thông tin trên. Theo khẳng định của ông Hải, mọi hoạt động kinh doanh của HBC đang diễn biến tốt theo đúng kế hoạch đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên năm 2017.
Cho đến nay không có bất cứ yếu tố nào có thể tác động bất lợi đến kết quả kinh doanh 2017 của HBC. Kết quả quý III với doanh thu thuần đạt 4.203 tỷ đồng (tăng 43%) và lợi nhuận sau thuế đạt 238 tỷ đồng (tăng 32%). Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của HBC đạt 10.960 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 616 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 57% và 93%.
Dù mới hoàn thành 68,5% kế hoạch doanh thu và 74,4% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm, nhưng do lịch sử và đặc thù ngành xây dựng, doanh thu và lợi nhuận của quý IV luôn cao nhất trong các quý. Vì vậy, việc HBC đạt và vượt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận trong năm 2017 rất khả thi. 
Liên quan đến các khoản nợ khó đòi, ông Hải cho biết do tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh (chỉ trong vòng 2 năm đã tăng hơn 3 lần) nên khoản phải thu khách hàng và nợ vay tín chấp ngân hàng đồng thời tăng cao. Những khoản này được các ngân hàng và HBC kiểm soát rất chặt chẽ trong phạm vi quản trị rủi ro theo quy chế của ngân hàng. Tại các dự án đang thi công không có nguy cơ phát sinh đáng kể các khoản nợ khó đòi, tỷ lệ khối lượng công việc đã hoàn thành và được thanh toán so với tổng doanh thu trong kỳ (4 quý liên tiếp) tăng liên tục trong 2 năm qua. 
Tỉnh táo với tin đồn ảnh 1
Tin đồn ngày càng tinh vi
Điều đáng nói, những tin đồn liên quan đến HBC không phải là trường hợp cá biệt và ngày càng tinh vi. Thực tế, hiện tượng này đã thường xuyên xảy ra trên TTCK và người chịu thiệt vẫn là NĐT chạy theo tin đồn.
Theo thống kê, vốn hóa của HBC đã bốc hơi khoảng 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt, ngay sau khi có giải trình từ phía doanh nghiệp, HBC đã nhanh chóng quay đầu tăng trần trong phiên giao dịch ngày 3-11 và chốt phiên ở mức 51.400 đồng/CP. Tuy nhiên, cũng không thể trách NĐT trong trường hợp này, bởi sự tính toán rất chi tiết cả về tình hình nội tại của doanh nghiệp lẫn thời điểm để tung tin đồn.
Chẳng hạn, trong phiên giao dịch ngày 9-8 vừa qua, thị trường bỗng nhiên xuất hiện tin đồn ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), bị bắt. Thông tin này khiến không chỉ CP BID lao dốc mà còn tác động đến nhóm CP ngân hàng và cả thị trường chung. Theo thống kê, trong phiên giao dịch này, 10 mã CP ngân hàng niêm yết bị bốc hơi hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó riêng BID 7.521 tỷ đồng.
Quay lại trường hợp HBC, nếu xâu chuỗi những tin liên quan đến doanh nghiệp này sẽ thấy sự chuyên nghiệp của nơi xuất phát tin đồn. Chẳng hạn, về tin đồn Khaisilk quỵt nợ, nếu xảy ra trước thời điểm Khaisilk bị tố cáo bán hàng Trung Quốc sẽ ít ai tin.
Nhưng tin đồn liên quan đến tình hình tài chính của doanh nghiệp lại “rơi đúng” vào thời điểm HBC đang gặp khó khăn về dòng tiền, đã khiến NĐT tin là đúng. Theo BCTC quý III, tính đến 30-9, tổng tài sản của HBC đạt 13.417 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả lên tới 11.181 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ phải trả, áp lực trả nợ ngắn hạn khá lớn với khoảng 10.228 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ tài chính (3.925 tỷ đồng) và chi phí phải trả cho người bán (1.948 tỷ đồng).
Ngoài ra, HBC còn khoản nợ với những người mua trả tiền trước lên tới 2.081 tỷ đồng và chi phí phải trả ngắn hạn khác khoảng 1.628 tỷ đồng. Bên cạnh đó, do đặc thù của các công ty xây dựng là các khoản phải thu ngắn hạn rất lớn. Đây là gánh nặng tài chính đối với công ty khi rơi vào tình trạng chậm thu hồi công nợ. Tính đến ngày 30-9, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 8.600 tỷ đồng (tăng 1.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2017).

Các tin khác